Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố cả nước về chuyển đổi số ngành NN&PTNT. Đồng chí Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chủ trì tại điểm cầu Hà Nội.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đồng Nai có đồng chí Trần Đình Minh- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đại diện lãnh đạo các Sở Thông tin và Truyền thông, Công Thương, VNPT Đồng Nai và các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Các đại biểu dự Hội nghị trực tuyến tại VNPT Đồng Nai
Theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam, Nông nghiệp được xác định là 1 trong 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số trước. Để thực hiện chuyển đổi số thành công trong lĩnh vực nông nghiệp thì phải áp dụng công nghệ cao trong từng khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh.
Đến nay, Bộ NN&PTNT đã ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 1.0. Đồng thời, triển khai các ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp như: Cổng thông tin điện tử; Cổng dịch vụ công trực tuyến; Hệ thống một cửa điện tử; đồng bộ, công khai 241 thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và 24 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cung cấp trên hệ thống một cửa hải quan.
Tham dự tại Hội nghị, đại diện VNPT Việt Nam đã trình bày tham luận về Hệ sinh thái nông nghiệp số, trong đó bao gồm các nội dung: (1) định vị của VNPT về nông nghiệp số, trong đó VNPT cam kết đồng hành cùng nghành Nông nghiệp trong việc chuyển đổi số, đến năm 2025 hình thành một nền Nông nghiệp số, là một bộ phận của Việt Nam số. Theo VNPT chuyển đổi số trong nông nghiệp cần tập trung vào các lĩnh vực: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng nền tảng số và cơ sở dữ liệu; tự động hóa quy trình và quản lý chuỗi cung ứng; chuyển đổi số công tác quản lý; (2) xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp số VNPT với sự tham gia của cơ quản quản lý nhà nước về nông nghiệp ở trung ương và địa phương, tổ chức tài chính, doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp logistic, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân, doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp bán lẻ và người tiêu dùng nhằm tổ chức hệ sinh thái nông nghiệp theo chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ; (3) bộ giải pháp thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp, gồm có các giải pháp cho ngành nông nghiệp như: xây dựng chính quyền số để quản lý lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp; xây dựng bản đồ số nông nghiệp; kết nối cung cầu nông sản; quản lý chuỗi cung ứng nông sản; phát triển nông nghiệp thông minh; các giải pháp về phát triển nông nghiệp thông minh như: sản xuất nông nghiệp thông minh; phân phối, bán lẻ; truy suất nguồn gốc theo tiêu chuẩn Việt Nam. Như vậy có thể khẳng định, các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp, là nhân tố tiên phong, thúc đẩy và dẫn dắt để nông dân cùng tham gia.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận các giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp nông thôn. Trong đó, tận dụng tối đa cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ sinh học, phát triển công nghiệp, dịch vụ nông thôn. Đồng thời, xây dựng quy hoạch, số hóa cơ sở dữ liệu quốc gia về nông nghiệp, nông thôn và liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Bên cạnh đó, cần khuyến khích tối đa các doanh nghiệp, nhất là sự tham gia của khu vực tư nhân vào đầu tư nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là một trong những khâu đột phá lớn, góp phần “tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”. Nhiệm vụ chuyển đổi số ngành Nông nghiệp được xây dựng trên 3 trụ cột là: Bộ số; Kinh tế nông nghiệp số; Nông thôn số, nông dân số.
Thời gian qua, việc thực hiện chuyển đổi số bước đầu đã được áp dụng trong ngành Nông nghiệp ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, lâm nghiệp và mang lại kết quả khả quan. Tuy nhiên quy mô ứng dụng chuyển đổi số còn hạn chế, chưa đồng bộ giữa các vùng, miền, địa phương.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn là cơ hội, chìa khóa để giải quyết các vấn đề trên, đồng thời hiện thực hóa mục tiêu sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất và bán được giá cao nhất.
Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và ảnh hưởng toàn diện đến các mặt kinh tế, xã hội ở phạm vi toàn cầu chính là nhân tố đòi hỏi phải đẩy nhanh tốc độ ứng dụng các công nghệ mới nhằm góp phần giải quyết tình trạng ùn ứ sản phẩm nông sản của người nông dân khi vào cao điểm thu hoạch sản phẩm nông sản, giúp người nông dân giữ giá sản phẩm, tránh bị thương lái ép giá. Đây chính là thời cơ để ngành nông nghiệp phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch và hậu đại dịch.
Để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong nông nghiệp, cần một tầm nhìn xa, cách tiếp cận đúng, có sự hỗ trợ thỏa đáng từ chính sách. Quan trọng nhất là tất cả phải làm cùng nhau, các ngành phải liên kết theo chuỗi ngang và dọc, hình thành các mạng lưới hợp tác, kết nối cả trong lẫn ngoài ngành và gắn chặt với thương mại số. Các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền qua hình thức truyền thông cơ sở, tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, cấp chứng chỉ kỹ năng cho người nông dân về chuyển đổi số.
Nguyễn Văn Đều