​Canh tác sắn bền vững - hiệu quả “kép” về kinh tế và xã hội

Tăng gấp đôi lợi nhuận so với phương pháp canh tác truyền thống
Nhằm hạn chế thiệt hại của bệnh khảm lá sắn do virus gây ra, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế cho nông dân trồng sắn, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc đã thực hiện dự án “Xây dựng mô hình sản xuất giống sạch bệnh, thâm canh, quản lý tổng hợp phòng trừ bệnh khảm lá sắn do virus gây hại” tại Đồng Nai. Dự án triển khai từ năm 2019 đến năm 2021, thực hiện lần lượt tại các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Long Thành. Qua 3 năm thực hiện, dự án đã mang lại nhiều kết quả tốt, phù hợp với điều kiện thực tế, có khả năng nhân ra diện rộng thông qua hiệu quả kinh tế và xã hội.
Năm 2019, dự án xây dựng mô hình tại xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc với diện tích 20 ha cùng sự tham gia của 10 hộ nông dân, trồng giống sắn KM140, mô hình cho năng suất trên 30 tấn/ha, 100% diện tích mô hình không nhiễm bệnh khảm lá sắn với giá bán củ tươi đạt 2.300 đ/kg, lợi nhuận đạt khoảng 31 triệu đồng/ha gấp đôi so với các ruộng sắn được chăm sóc theo phương pháp truyền thống cùng nằm trong vùng thực hiện dự án.
Sang năm 2020, dự án triển khai mô hình tại xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ với diện tích 30 ha và do 10 hộ nông dân tham gia thực hiện, trồng giống sắn KM140, chữ bột củ sắn tươi đạt từ 27-28%, năng suất trung bình đạt 31,5 tấn, lợi nhuận đạt trên 47 triệu đồng/ha.
Hiện nay, dự án đang bước vào giai đoạn cuối cùng thực hiện. Theo kết quả kiểm tra đến ngày 18/11/2021, cây sắn của mô hình này sinh trưởng tương đối đồng đều, tỷ lệ sâu, bệnh hại rất thấp và xuất hiện dấu hiệu bệnh khảm lá do virus gây hại với tỷ lệ cây bị nhiễm ở mức trung bình (50 – 60 %, tùy từng ruộng), thấp hơn so với các ruộng sắn ngoài mô hình nằm trong vùng thực hiện dự án từ 40% – 50%. Nguyên nhân nhiễm bệnh khảm lá được đoàn kiểm tra đánh giá là từ nguyên nhân khách quan lây lan qua môi giới truyền bệnh bọ phấn trắng từ các hộ xung quanh mô hình canh tác theo phương pháp truyền thống. Dự kiến mô hình sẽ cho thu hoạch vào tháng 1/2022 và năng suất củ tươi ước đạt 28-30 tấn/ha.
Canh tác sắn bền vững hiệu quả kép về kinh tế và xã hội_Hình 1.jpg
Giống sắn KM140 sau 6 tháng gieo trồng (xuống giống tháng 5/2021)

Trước những thiệt hại nghiêm trọng của bệnh khảm lá do virus gây hại trên cây sắn gây ra, các mô hình của dự án qua các năm đã mang lại những hiệu quả kinh tế nhất định, lợi nhuận dao động từ 30 đến 40 triệu/ha cao gấp đôi so với phương pháp canh tác truyền thống của nông dân, hạn chế được sự lây lan của bệnh khảm lá, đảm bảo không đứt gãy vùng nguyên liệu sắn.
Nâng cao nhận thức người dân trong canh tác sắn bền vững
Cùng với việc triển khai mô hình tại xã Cẩm Đường, huyện Long Thành trên diện tích 20 ha, 10 hộ nông dân tham gia thực hiện mô hình, trồng giống sắn KM140 đã được Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh đã tổ chức tập huấn trước khi xuống giống những nội dung liên quan đến quy trình kỹ thuật canh tác sắn bền vững như: sử giống sắn sạch bệnh, xử lý hom giống trước khi trồng bằng thuốc BVTV, làm cỏ chăm sóc, bón phân cân đối… Trung tâm thường xuyên phối hợp với cán bộ địa phương và nông dân thực hiện mô hình kiểm tra đồng ruộng, kịp thời nắm bắt các vấn đề xảy ra trên cây sắn và tìm hướng xử lý, không làm ảnh hưởng đến hiệu quả của cây trồng, đặc biệt là phát hiện mật độ bọ phấn (Bemisia tabaci) để phòng trừ kịp thời.
 Canh tác sắn bền vững hiệu quả kép về kinh tế và xã hội_Hình 2.jpg
Kỹ sư Tống Quốc Ân – Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Hưng Lộc, hướng dẫn nông dân lựa chọn và xử lý hom giống sắn trước khi trồng

Dự án đề ra những giải pháp cấp bách trong công tác phòng chống bệnh khảm lá trên cây sắn đã tác động tích cực đối với phát triển sản xuất, góp phần ổn định năng suất và chất lượng của sản phẩm sắn. Giúp người nông dân nâng cao nhận thức về phòng chống bệnh khảm lá sắn cũng như hiệu quả của việc canh tác bền vững. Qua thực hiện mô hình nhìn chung nông dân đã tiếp cận được với kỹ thuật chăm sóc cây sắn theo hướng bền vững, an toàn, đặc biệt chú ý quan tâm đến sử dụng thuốc sinh học, phân hữa cơ để tăng sức đề kháng cho cây trồng, hạn chế sâu bệnh hại đặc biệt là bệnh khảm lá trên cây sắn, từ đó gia tăng được năng suất, hiệu quả cây trồng.
​Từ thực tế xây dựng mô hình trong 3 năm qua và kinh nghiệm quản lý dịch bệnh khảm lá sắn, khuyến cáo bà con nông dân trồng sắn lưu ý một số điểm sau:
- Không sử dụng nguồn giống bị nhiễm bệnh để trồng cho vụ kế tiếp.
- Sử dụng các loại giống sắn sạch bệnh và ít bị nhiễm để trồng như giống KM94…
- Xử lý hom giống trước khi trồng bằng các loại thuốc BVTV cho phép.
- Bón phân NPK cân đối kết hợp phân chuồng, phân hữu cơ (nếu có).
- Sau khi trồng khoảng 30 ngày thường xuyên kiểm tra nếu xuất hiện một số cây bị nhiễm bị bệnh khảm lá sắn thì nhổ bỏ.
- Sử dụng bẩy dínhvàng treo trên đồng ruộng để theo dõi mật độ bọ phấn trắng. Khi mật độ bọ phấn trắng trên ruộng sắn cao cần phun trừ bọ phấn bằng thuốc BVT ( Phun khi bọ phấn giai đoạn ấu trùng hiệu quả cao hơn).
- Có thể trồng xen lạc, ngô với sắn để tăng côn trùng có ích tiêu diệt bọ phấn trắng. Không trồng sắn hoặc cây ký chủ của bọ phấn (cây thuốc lá, bông, cà chua, cà pháo, cà bát, bầu bí, khoai tây, ớt, …) ở những vùng đã bị bệnh khảm lá ít nhất một vụ.
 Ngọc Anh - TTDVNN tỉnh
 
 
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​