​Nhiều miền quê “thay da đổi thịt” nhờ nông thôn mới

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Đồng Nai đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, đời sống kinh tế - xã hội của các địa phương được thay đổi toàn diện; cơ sở hạ tầng khang trang; người dân được chăm sóc giáo dục và sức khỏe chu đáo; tỷ lệ hộ nghèo giảm, thu nhập của người dân ổn định…
Tỷ lệ hộ nghèo giảm, thu nhập người dân ổn định
Là một tỉnh công nghiệp, cơ cấu ngành nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng chưa tới 6%, nhưng Đồng Nai luôn đặt nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở vị trí quan trọng trong quá trình phát triển. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), Đồng Nai đã gặt hái được nhiều thành quả. Trong những năm qua, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, với tinh thần “chủ động, quyết tâm, quyết liệt”. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình của Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn thường xuyên, xuyên suốt.
Năm 2014, Đồng Nai là tỉnh đầu tiên trong cả nước có đơn vị cấp huyện về đích trong xây dựng NTM. Năm 2019, Đồng Nai tiếp tục là 1 trong 2 tỉnh dẫn đầu cả nước hoàn thành xây dựng NTM và về đích trước 2 năm so với mục tiêu đề ra.
Đến nay, toàn tỉnh có 56/120 xã NTM nâng cao và 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Hiện tỉnh Đồng Nai có thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 61,74 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2,7 lần so với đầu năm 2011 (năm đầu thực hiện Chương trình xây dựng NTM). Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn trung ương) giảm mạnh từ 6,22% năm 2011, đến nay xuống chỉ còn 0,09% đầu năm 2021.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho biết, mục tiêu tổng quát của toàn tỉnh Đồng Nai là duy trì, giữ vững kết quả đạt chuẩn NTM của giai đoạn trước, đẩy mạnh phát triển NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đảm bảo nông thôn phát triển ổn định và bền vững, dần tiến tới NTM giàu có, văn minh và hiện đại. “Xây dựng NTM vừa nâng cao thu nhập, đời sống người dân, vừa phải giữ gìn và phát triển, phát huy bản sắc văn hóa của nông thôn vùng Đông Nam Bộ nói chung và Đồng Nai nói riêng. Đồng thời gắn chặt với phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch”, ông Võ Văn Phi nhấn mạnh.
Hạ tầng khang trang, đồng bộ
Trảng Bom từ lâu là huyện nông nghiệp của tỉnh. Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Vũ Thị Minh Châu cho biết, để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng NTM gắn với đô thị hóa, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, từ giữa năm 2020, huyện đã lập đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Trảng Bom đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; lập đồ án quy hoạch chung thị trấn Trảng Bom và vùng phụ cận đến năm 2040. Cùng với đó, địa phương lập đề án đề nghị công nhận thị trấn Trảng Bom mở rộng (phạm vi toàn huyện Trảng Bom) đạt tiêu chí đô thị loại 4; các xã đạt chuẩn NTM nâng cao và kiểu mẫu.
Huyện lập danh mục kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cần thực hiện, trong đó ưu tiên đầu tư các tuyến đường giao thông đối nội và đối ngoại. Tại các khu vực nông thôn hiện hữu, tùy theo nguồn thu ngân sách hằng năm và khai thác các nguồn vốn khác, huyện xây dựng kế hoạch đầu tư và nâng cấp đường, làm hệ thống thoát nước và đầu tư hệ thống cấp nước sạch ở một số xã. Ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho các xã NTM nâng cao hướng đến chỉ tiêu xã NTM kiểu mẫu. Cùng với đó, huyện phát triển đa dạng các loại nhà ở, đặc biệt nhà ở tại các xã đáp ứng nhu cầu cho công nhân lao động, người có thu nhập thấp.  
Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Đỗ Ngọc Nam cho rằng, thời gian qua, huyện đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư hạ tầng, chỉnh trang đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, đúng quy hoạch. Tại đô thị, đường giao thông, điện sinh hoạt và chiếu sáng, hệ thống thông tin liên lạc đáp ứng được yêu cầu của người dân. Vốn ngân sách được ưu tiên cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nông thôn phục vụ phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM.
Nâng cao đời sống tinh thần, xây dựng nếp sống văn hóa
Cùng với phát triển kinh tế xã hội, xây dựng NTM nâng cao và kiểu mẫu, Đồng Nai đã và đang nỗ lực nâng cao đời sống tinh thần, sức khỏe, giáo dục, xây dựng nếp sống văn hóa mới cho người dân.
Tới thăm xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc) mới thấy được đời sống vật chất và tinh thần của hơn 2.200 đồng bào Chăm ở đây được nâng cao rõ rệt. Ông Abdohamit, Trưởng ban giao cả Thánh đường Hồi giáo làng Chăm cho biết, thực hiện xây dựng NTM, những ngôi trường dành riêng cho con em đồng bào Chăm cũng được xây dựng khang trang, tạo điều kiện thuận lợi cho con em đồng bào trong học tập.
Hiện, Đồng Nai có 139/170 xã, phường, xã thị trấn có Trung tâm Văn hóa thể thao - học tập cộng đồng; có 865/932 ấp, khu phố có Nhà văn hóa - khu thể thao. Đối với 120 xã thực hiện xây dựng NTM, đến nay có 119/120 Trung tâm Văn hóa thể thao - học tập cộng đồng xã đạt chuẩn theo quy định, đạt tỷ lệ 99,1%; có 14 nhà văn hóa dân tộc. Các trung tâm, nhà văn hóa đều được trang bị các thiết bị như tivi, bàn ghế, loa, phòng đọc sách…phục vụ người dân.
Thảo Anh
 
 

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​