​Hiệu quả từ tăng cường liên kết vùng

Để tạo bước đột phá cho sản xuất nông nghiệp, tỉnh Đồng Nai đã và đang tổ chức liên kết các vùng sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ; trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao về sản xuất giống, cung cấp quy trình, công nghệ sản xuất để từ đây xuất khẩu đi nhiều nơi khác.
Xây dựng vùng chuyên canh nông nghiệp, chợ đầu mối nông sản
Phát triển nông nghiệp bền vững nhờ xây dựng các chuỗi liên kết giữa các vùng sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, chế biến là mục tiêu của ngành nông nghiệp đặt ra trong giai đoạn tới. Theo đó, vài năm trở lại đây, Đồng Nai không chỉ quan tâm đầu tư xây dựng các vùng chuyên canh nông nghiệp mà còn xây dựng chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (huyện Thống Nhất), cụm công nghiệp chế biến nông sản Long Giao (huyện Cẩm Mỹ), cụm công nghiệp Phú Túc (huyện Định Quán)…
Với lợi thế gần với cảng hàng không quốc tế Long Thành, đô thị Long Giao được định hướng phát triển trở thành vùng đệm phụ trợ cho sân bay với các dịch vụ logistics, công nghiệp phụ trợ phục vụ cho hàng không… Theo kế hoạch đầu tư công của tỉnh giai đoạn 2021-2025 bằng ngân sách tỉnh, tuyến hương lộ 10 nối trung tâm hành chính của huyện Cẩm Mỹ với đoạn quốc lộ 1 qua địa bàn huyện Xuân Lộc sẽ được đầu tư, kết nối Cẩm Mỹ với các địa phương lân cận. Khi đó, Long Giao sẽ trở thành trung tâm trung chuyển nông sản cho các xã của Cẩm Mỹ đi nhiều nơi.
Đánh giá những lợi thế để Đồng Nai phát triển những vùng liên kết trong sản xuất nông nghiệp gắn với tiêu thụ, Giám đốc Công ty CP Bất động sản Thống Nhất (TP. Biên Hòa), chủ đầu tư dự án chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây – ông Trương Minh Tiến cho biết, Đồng Nai có lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi để tiếp cận những thị trường lớn trong tiêu thụ nông sản, nhất là kết nối với nhiều tuyến đường cao tốc lớn, thuận lợi đưa hàng đi TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác cũng như tham gia xuất khẩu. Hiện nông sản của tỉnh đang chiếm tỷ lệ áp đảo từ 50-60% trên tổng sản lượng nông sản tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây. Đây không chỉ là chợ đầu mối nông sản của tỉnh mà của cả khu vực với mục tiêu vươn lên tầm quốc tế, góp phần đưa nông sản nội địa tham gia sân chơi hội nhập.
Chỉ ra những cơ hội thị trường lớn cho nông sản của tỉnh trong tương lai, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam Lê Quý Kha cho rằng, quy hoạch cảng hàng không quốc tế Long Thành có công suất 100 triệu hành khách/năm là một thị trường tiềm năng rất lớn cho nông sản Đồng Nai. Tỉnh nên quan tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông minh trong sản xuất nông nghiệp và các giải pháp tích hợp công nghệ 4.0 để xây dựng các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, bền vững đáp ứng tốt cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.
Cạnh tranh bằng sản phẩm chất lượng cao
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Ðồng Nai, trên địa bàn hiện có 120 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Trong đó, có 16 chuỗi liên kết theo dự án cánh đồng lớn với 28 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia, tổng diện tích 5.521ha; hơn 100 chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân thông qua hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Khi tham gia liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhà nước hỗ trợ xây dựng hệ thống hạ tầng, tập huấn kỹ thuật, vốn cho nông dân, doanh nghiệp. Từ đó, năng suất cây trồng tăng từ 30-100% so với trước, sản phẩm của nông dân bán giá cao hơn thị trường, đời sống được nâng lên. Ðể thực hiện thành công, ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, cần sự đồng tình, hưởng ứng của người dân và doanh nghiệp phải có trách nhiệm gắn bó lâu dài, chia sẻ lợi nhuận với nông dân.
Ðể khuyến khích liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phát triển bền vững, tỉnh Ðồng Nai đã ban hành Nghị quyết số 143 ngày 7.12.2018, quy định cụ thể chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, với mức hỗ trợ xây dựng hạ tầng tối đa 10 tỷ đồng/dự án. Trước đó, UBND tỉnh Ðồng Nai cũng quy định khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản và xây dựng cánh đồng lớn. Thông qua các chính sách hỗ trợ đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, tạo ra sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu, có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện tự nhiên của từng địa phương. Cụ thể, trên địa bàn đã hình thành nhiều khu sản xuất tập trung cho các loại cây trồng, như hơn 34.000ha điều, 19.000ha cà phê, 10.000ha xoài, 9.000ha tiêu… Ðồng Nai cũng đứng đầu cả nước với hơn 3.800 trang trại chăn nuôi.
Ðể đẩy mạnh liên kết phát triển bền vững nông nghiệp, tăng sức cạnh tranh cho nông sản, nâng cao thu nhập cho nông dân, UBND tỉnh Ðồng Nai đang xây dựng một loạt các đề án, như: nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Isarel trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; phát triển nông nghiệp đô thị cho vùng kinh tế tây nam của tỉnh Ðồng Nai. Ngoài ra, thực hiện chủ trương phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản, giải quyết việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản theo hướng chế biến sâu, bền vững, Ðồng Nai đang đẩy nhanh tiến độ triển khai hai cụm công nghiệp chuyên chế biến nông sản: Long Giao (huyện Cẩm Mỹ) với 57,3 ha và Phú Túc (huyện Ðịnh Quán) hơn 48 ha.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung vào các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, nhất là những thế mạnh đặc trưng về cây ăn quả, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như hồ tiêu, điều, cà phê... Về sản phẩm chăn nuôi, lợn và gà vẫn là hai vật nuôi chủ lực được tập trung phát triển thành các chuỗi liên kết, tăng lợi thế cạnh tranh.
Nguyên Viện trưởng Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Ðặng Kim Sơn đánh giá, hướng đi phù hợp đối với Ðồng Nai hiện nay trong việc liên kết sản xuất, tiêu thụ, nâng cao năng lực cạnh tranh của các mặt hàng nông sản chủ lực là tập trung vào công nghiệp chế biến. Bởi, phương thức cạnh tranh theo kiểu sản phẩm gì có chi phí thấp thì sản xuất đã không còn phát huy hiệu quả. Hiện nay, điều quan trọng là phải cạnh tranh bằng việc áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất và chế biến. Với những lợi thế sẵn có, tỉnh nên lấy nông nghiệp phục vụ công nghiệp chế biến theo hướng xuất khẩu làm mũi nhọn. Với hướng đi này, nông sản Ðồng Nai sẽ không cạnh tranh bằng giá rẻ mà sẽ cạnh tranh bằng sản phẩm chất lượng cao.
Tỉnh Đồng Nai đẩy mạnh chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản.
Tâm Anh
 
 
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​