​Hình thành các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn

Những năm qua, tỉnh Đồng Nai luôn ưu tiên quan tâm, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn với hàng trăm ha cây trồng được cấp chứng nhận việc thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP); nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản an toàn, đạt chuẩn và ngày càng được nhân rộng. Đây được xem là chìa khóa trong việc xây dựng lòng tin về chất lượng, uy tín nông sản vì giúp minh bạch thông tin từ sản xuất, chế biến đến phân phối và người tiêu dùng có thể tự kiểm chứng.
Hơn 1,3 nghìn ha cây trồng được chứng nhận theo các tiêu chuẩn
Hiện nay, toàn tỉnh Đồng Nai đã có hơn 1,3 nghìn ha cây trồng được chứng nhận theo các tiêu chuẩn VietGAP, UTZ, 4C, hữu cơ và 86 mã vùng trồng với diện tích khoảng 21,6 nghìn ha với các loại cây trồng như chuối, mít, xoài, sầu riêng, thanh long… Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 84 chuỗi liên kết trong lĩnh vực trồng trọt với quy mô hơn 16,3 nghìn ha; trong đó, chủ yếu là các chuỗi cây ăn quả với 38 chuỗi; có 9 chuỗi cây lương thực; 25 chuỗi cây công nghiệp; 8 chuỗi rau; 4 chuỗi dược liệu và các loại cây trồng khác… Tỉnh có 17 dự án cánh đồng lớn được UBND tỉnh phê duyệt; 45 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận với 308 điểm bán các sản phẩm và 89 chuỗi được hình thành do các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và nông dân chủ động thực hiện.
Mặc dù vậy, một thực tế đáng lo ngại đó là ngay cả với những nông sản được chứng nhận việc thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GLOBALGAP) cũng chưa hoàn toàn thực sự chiếm được lòng tin của người tiêu dùng nên đầu ra của thị trường vẫn chưa bền vững.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn - quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Đồng Nai, khó khăn hiện nay ngay cả với những cơ sở đã được chứng nhận các tiêu chuẩn đó là việc ghi chép thông tin hoạt động hằng ngày vẫn mang tính “đối phó” nên việc duy trì các điều kiện sau khi được chứng nhận không thực hiện đầy đủ. Đây cũng là lý do các nông sản đạt chứng nhận sản xuất an toàn hiện chưa có sự khác biệt nhiều so với sản phẩm thông thường, hiệu quả kinh tế chưa cao. Do đó, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản từ trang trại đến bàn ăn, minh bạch thông tin trong suốt quá trình sản xuất và người tiêu dùng có thể tự kiểm chứng được sẽ giúp giải bài toán khó về xây dựng lòng tin về chất lượng nông sản.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp, thương mại - dịch vụ Vĩnh Tâm, huyện Vĩnh Cửu cho hay, hiện giá nông sản, trong đó có xoài, một trong những sản phẩm chính của HTX, thường xuyên có biến động. Để hướng tới sản xuất và tiêu thụ bền vững, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, HTX mong muốn địa phương có thêm các khu vực, nhà máy chế biến, chuỗi cung ứng khép kín.
Hướng tới những phân khúc thị trường ổn định
Bà Nguyễn Phạm Hồng Lan, đại diện Công ty TNHH Family and Farm (xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) đầu tư trồng xoài đạt chuẩn VietGAP và đã thực hiện việc truy xuất nguồn gốc cho loại nông sản này chia sẻ, khách hàng hiện nay rất quan tâm đến những thông tin về quy trình sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm. Thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm đáp ứng nhu cầu hiện nay của khách hàng. Mặt khác, đây cũng là “chìa khóa” giúp nông sản tham gia được vào thị trường xuất khẩu
Theo bà Lan, thực hiện việc truy xuất nguồn gốc nông sản khá dễ dàng với nông dân vì các chuyên viên của đơn vị cung cấp dịch vụ này về tận vườn cầm tay chỉ việc, hướng dẫn nông dân từ cách sử dụng phần mềm cho đến việc cập nhật thông tin ngay trên cánh đồng như thế nào. Với việc ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc, chủ doanh nghiệp, chủ trang trại dễ dàng giám sát hoạt động của từng người lao động, công việc họ đã thực hiện và kết quả ra sao. “Điều quan trọng nhất là chương trình này giúp nông dân truyền tải thông tin đến người tiêu dùng về sản phẩm của mình một cách chính xác, tin cậy và kịp thời”, bà Lan cho biết thêm.
HTX rau Tân Yên (xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất) được thành lập vào năm 2016 với ý tưởng liên kết các hộ trồng rau, trái cây riêng lẻ của địa phương để phát triển chuỗi sản xuất nông sản an toàn. Nguồn vốn ban đầu của HTX khoảng 210 triệu đồng. Bà An Tú Anh, Giám đốc HTX rau Tân Yên cho biết, HTX chú trọng phát triển đa dạng các loại hình từ sản xuất các loại rau an toàn, đến bao tiêu các loại nông sản có thế mạnh của địa phương. Ngoài ra, HTX còn đầu tư một sạp hàng tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (huyện Thống Nhất) để thuận tiện cho việc tiêu thụ, phân phối sản phẩm.
 Theo bà Anh, đến nay vốn điều lệ của HTX đã đạt hơn 3 tỷ đồng. Nguồn lợi nhuận thu về được tái đầu tư các mô hình sản xuất khép kín. Trung bình mỗi tháng, HTX cung ứng ra thị trường từ 30-50 tấn rau xanh các loại. Hiện tại, HTX đang hoàn thiện mô hình nhà lưới để trồng các loại rau, củ, quả theo hướng an toàn với diện tích khoảng 1ha. Đồng thời, HTX cũng chuẩn bị đầu tư thêm hệ thống kho lạnh để bảo quản các loại trái cây, nhà sơ chế nông sản, các phương tiện vận tải chuyên dụng để vận chuyển nông sản vừa để tiết kiệm chi phí về dịch vụ vận chuyển, vừa hướng tới chuỗi sản xuất, phát triển thương hiệu cho các loại sản phẩm của HTX.
Thị trường tiêu thụ chính của HTX là cung ứng phân phối sản phẩm về TP. Hồ Chí Minh, trong tỉnh và một số địa phương lân cận. Đồng thời, cũng có một số đối tác để xuất khẩu trái cây đặc sản. Hướng đi sắp tới của HTX là tiếp tục hướng đến sản xuất nông sản sạch, phấn đấu đạt được các tiêu chuẩn sạch để hướng tới những phân khúc thị trường ổn định, xây dựng kế hoạch sản xuất, bao tiêu nông sản phù hợp, đồng thời chú trọng hơn việc quảng bá thương hiệu riêng.
Bên cạnh rau quả, Đồng Nai là địa phương được xem là “thủ phủ” chăn nuôi lợn của cả nước có sản lượng thịt lợn cung cấp cho thị trường khoảng 220.000 tấn/năm, trong đó 50% cung cấp cho thị trường TP. Hồ Chí Minh. Để giữ vững nguồn thịt lợn sạch cung cấp cho TP. Hồ Chí Minh, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tăng cường quản lý đàn chăn nuôi, kiểm soát thị trường nhằm bảo đảm nguồn lợn cung cấp ra thị trường an toàn, sạch bệnh. Hiện, toàn tỉnh có 33 cơ sở giết mổ áp dụng quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm; đã thiết lập 3 vùng thực hành chăn nuôi an toàn, xây dựng được một HTX và 67 tổ hợp tác với gần 1.000 thành viên tham gia, cung cấp nguồn thịt lợn an toàn. 

Hình thành các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn_Hình 1.jpg
Toàn tỉnh Đồng Nai có hơn 1,3 nghìn ha cây trồng được chứng nhận theo các tiêu chuẩn hữu cơ.
Thảo Anh

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​