​Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn huyện Cẩm Mỹ

Thời gian tới, để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện Cẩm Mỹ chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tư vấn học nghề cho người lao động; tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề; đổi mới chương trình đào tạo; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền trong toàn huyện về việc triển khai thực hiện đề án dạy nghề cho lao động nông thôn.
46 lớp dạy nghề nông nghiệp với hàng nghìn lao động tham gia
Cẩm Mỹ là một huyện thuần nông thuộc khu vực phía Nam của tỉnh Đồng Nai, tỷ lệ lao động nông thôn chiếm trên 87% tổng lực lượng lao động của huyện vào năm 2019. Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27.11.2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” là cơ sở để các tỉnh, thành trên phạm vi cả nước nói chung, tỉnh Đồng Nai nói riêng thúc đẩy mở rộng hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Để cụ thể hóa chủ trương này, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Cẩm Mỹ đã xây dựng Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016 – 2020.  
Trong 3 năm 2017 – 2019 triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã có 1.798 lao động nông thôn của huyện Cẩm Mỹ được học nghề bằng chính sách của nhà nước. Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo chiếm 86% so với tổng số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề. Số lao động nông thôn học nghề phi nông nghiệp đã có sự tăng dần từ 21,51 % năm 2017 lên 22,63 % năm 2019.  
Kết quả dạy nghề cho lao động nông thôn góp phần nâng tỷ lệ lao động có việc làm của tỉnh Đồng Nai lên 29,5 %. Chỉ tính riêng trong năm 2019, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Cẩm Mỹ đã phối hợp với các địa phương và các cơ sở dạy nghề thực hiện thí điểm 2 mô hình: mô hình đào tạo nghề chăn nuôi dê sinh sản và mô hình đào tạo nghề trồng và chăm sóc cây có múi. Sau khi tốt nghiệp, 100% học viên đã áp dụng kiến thức vào thực tế sản xuất có hiệu quả, nhiều hộ gia đình từ chỗ chăn nuôi nhỏ lẻ, sản lượng ít, năng suất thấp đã vươn lên thoát nghèo nhờ việc kết hợp chăn nuôi theo mô hình VAC (vườn – ao – chuồng) và mở rộng trang trại.
Trong 5 năm (2016-2020), toàn huyện đã mở được 46 lớp dạy nghề nông nghiệp với 1.349 lao động tham gia học các nghề như kỹ thuật trồng bưởi da xanh, sầu riêng, chăn nuôi thú y, chăn nuôi lợn, kỹ thuật chăn nuôi dê, trồng cây ăn quả, kỹ thuật trồng rau hữu cơ, rau an toàn. Toàn huyện mở được 15 lớp dạy nghề phi nông nghiệp với 449 lao động, bao gồm các nghề: kỹ thuật chăm sóc cây cảnh, tin học văn phòng, hàn, điện dân dụng, may công nghiệp, kỹ thuật điêu khắc gỗ, sản xuất hàng mây tre giang đan. Trong năm 2019, huyện đã tạo việc làm mới cho 430 người, trong đó thông qua nguồn vốn vay tại Ngân hàng chính sách xã hội là 118 lao động (với 6.715 triệu đồng).
Hiện nay trên địa bàn huyện có 1 Trung tâm Giáo dục nông nghiệp – Giáo dục thường xuyên và các trung tâm học tập công đồng đã và đang đi vào hoạt động ổn định. Các loại hình đào tạo đa dạng ở các cấp học, thời gian học. Trong 3 năm (2017 – 2019), Trung tâm đã mở được 61 lớp đào tạo nghề ở hai ngành kỹ thuật chăn nuôi và điện dân dụng. Tuy nhiên, so với tiềm năng phát triển của huyện thì quy mô các cơ sở đóng trên địa bàn vẫn còn ở mức khiêm tốn, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giảng dạy còn hạn chế. Về xây dựng xây dựng Chương trình và phương pháp đào tạo nghề trong 5 năm qua, huyện Cẩm Mỹ đã xây dựng được Đề án “đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2025”. Đó là các căn cứ để các cơ sở đào tạo nghề xây dựng kế hoạch đào tạo gắn với mục tiêu phát triển cụ thể trong từng giai đoạn của địa phương, đồng thời tạo điều kiện để quá trình đào tạo nghề gắn với mục tiêu sử dụng.
Đồng bộ nhiều giải pháp
TS. Phạm Thị Tân, Giảng viên trường Đại học Lâm nghiệp cho biết, để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại huyện Cẩm Mỹ đạt hiệu quả cao, một trong những giải pháp quan trọng là công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tư vấn học nghề cho người lao động. Do trình độ văn hóa và trình độ tay nghề thấp dẫn đến tâm lý chung của lao động nông thôn ít chịu đổi mới, dè dặt khi đón nhận các yếu tố kỹ thuật mới, nhận thức chưa đầy đủ về việc cần phải được đào tạo. Chính vì vậy, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, cũng như các tổ chức xã hội cần phải tập trung tuyên truyền giáo dục để nhanh chóng làm thay đổi nhận thức của người dân về học nghề và sự cần thiết làm việc phải có nghề, hỗ trợ và tổ chức dạy nghề, nâng cao năng lực làm việc cho lao động nông thôn.
Huyện cũng cần tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề của các cơ sở dạy nghề nhằm đáp ứng được nhu cầu học tập của học viên. Bên cạnh đó, phát triển, đổi mới nội dung chương trình đào tạo. Trong đó, tập trung xây dựng chương trình, nội dung đào tạo theo hướng mềm hoá, đa dạng hoá chương trình, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động đa dạng và tạo cơ hội học tập cho người lao động. Lược bỏ những nội dung không thiết thực, bổ sung những nội dung cần thiết theo hướng đảm bảo kiến thức cơ bản, cập nhật với tiến bộ khoa học công nghệ, tăng năng lực thực hành nghề nghiệp, năng lực tự học của người học. Đa dạng hoá các loại hình đào tạo nghề, hoàn thiện hệ thống các cơ sở dạy nghề. Xây dựng chương trình dạy nghề theo phương pháp tích hợp để người học dễ dàng tiếp cận kiến thức, tăng cường kỹ năng thực hành nghề để người học có khả năng hành nghề sau khi đào tạo.
Ngoài ra, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền trong toàn huyện về việc triển khai thực hiện đề án dạy nghề cho lao động nông thôn. Chỉ đạo lồng ghép đề án dạy nghề cho lao động nông thôn với việc triển khai các chương trình, đề án khác của địa phương. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng công tác dạy nghề ở các cấp, các ngành trên địa bàn và thường xuyên thực hiện tốt việc sơ kết, tổng kết các chương trình hoạt động trong công tác theo từng năm và từng giai đoạn. Tổ chức điều tra, dự báo nhu cầu về nguồn lao động, nắm bắt thông tin về nhu cầu học của lao động nông thôn. Nghiên cứu khảo sát xây dựng danh mục các nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thảo Anh
 
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​