​Họp đánh giá công tác quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi 9 tháng đầu năm 2021, ước kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021; triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2022

Ngày 21/10/2021, tại Văn phòng Sở Nông nghiệp và PTNT, đồng chí Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ trì cuộc họp trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi (sau đây viết tắt là CTTL) 9 tháng đầu năm, ước kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới.
Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các phòng, đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT: Phòng Kế hoạch Tài chính; Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Thủy lợi; đại diện UBND các huyện, thành phố Long Khánh, thành phố Biên Hòa; đại diện đơn vị quản lý khai thác CTTL trên địa bàn tỉnh.
Họp đánh giá công tác quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi 9 tháng đầu năm 2021_hình 1.jpg
Đồng chí Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì cuộc họp trực tuyến

Sau khi nghe lãnh đạo Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Thủy lợi báo cáo tình hình thực hiện công tác quản lý, khai thác và bảo vệ CTTL 9 tháng đầu năm, ước kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới; các địa phương, đơn vị tham dự hội nghị thảo luận, phát biểu ý kiến, đồng chí Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, chủ trì cuộc họp đã tổng hợp và kết luận một số nội dung như sau:
Về kết quả thực hiện công tác thủy lợi 9 tháng đầu năm, ước kết quả thực hiện năm 2021
Tình hình thời tiết 9 tháng đầu năm 2021, thời tiết cơ bản thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nguồn nước từ các CTTL đảm bảo phục vụ sản xuất theo kế hoạch. Các địa phương, đơn vị đã chủ động thực hiện công tác duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng các CTTL để công trình đảm bảo an toàn, vận hành bình thường và phục vụ sản xuất. Công tác theo dõi, kiểm tra các CTTL (đặc biệt là các hồ chứa nước) trong mùa mưa đã được chú trọng thực hiện; các đơn vị quản lý công trình đã phối hợp chặt chẽ với địa phương trong việc lập và triển khai kế hoạch sản xuất phù hợp với nguồn nước tại công trình. Trong 9 tháng đầu năm 2021, không để xảy ra hạn hán, thiếu nước tưới và xâm nhập mặn tại khu tưới của các CTTL.
Bên cạnh đó, UBND cấp huyện đã quan tâm, bố trí kinh phí đầu tư xây dựng và sửa chữa các CTTL; các đơn vị quản lý CTTL đã sử dụng hợp lý nguồn kinh phí cấp bù diện tích sử dụng dịch vụ công ích thủy lợi cho các hoạt động duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng công trình, để phát huy hiệu quả phục vụ sản xuất, với tổng kinh phí đã thực hiện đến nay khoảng 7 tỷ đồng trên 9,5 tỷ đồng của năm 2021. Kết quả thực hiện một số nhiệm vụ quản lý khai thác CTTL, như: Thẩm định diện tích diện tích sử dụng dịch vụ công ích thủy lợi và biện pháp tưới, tiêu năm 2020 với tổng diện tích 59.743 ha (trong đó diện tích tưới: 46.034 ha, diện tích tiêu: 7.771 ha, diện tích ngăn mặn: 5.938 ha), tăng 4.114 ha so với năm 2019; 11 công trình đã được xây dựng phương án bảo vệ; 03 công trình được xây dựng quy trình vận hành; 7 công trình hoàn thành việc xây dựng bản đồ khu tưới,...
Kết quả 9 tháng đầu năm 2021 các CTTL đã phục vụ tưới, tiêu cho khoảng 36.242 ha (đạt 100,60% so với kế hoạch năm 2021, đạt 98% so với cùng kỳ năm 2020), ước cả năm đạt 59.981 ha, đạt 100,44% so với kế hoạch (vụ Đông Xuân 21.176 ha, vụ Hè Thu 15.067 ha, vụ Mùa 17.755 ha, ngăn mặn 5.983 ha); cấp nước sinh hoạt, công nghiệp: Ước kết quả thực hiện năm 2021 khoảng 31.940.030 m3/năm, đạt 112,98% kế hoạch. Thay mặt Sở Nông nghiệp và PTNT, đồng chí chủ trì ghi nhận và đánh giá cao những kết quả trong công tác thủy lợi mà các địa phương, đơn vị đã đạt được trong 9 tháng đầu năm 2021.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thủy lợi 9 tháng đầu năm 2021vẫn còn một số tồn tại chưa được xử lý dứt điểm, cụ thể như:
Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy các đơn vị quản lý khai thác CTTL theo quy định của Luật Thủy lợi đến nay thực hiện còn chậm; hiện nay chỉ có Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi cơ bản phù hợp với 03 loại hình của Luật Thủy lợi (Doanh nghiệp, Tổ chức thủy lợi cơ sở và Cá nhân), các Trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện vẫn chưa đảm bảo theo quy định, nên gặp khó khăn trong việc xây dựng phương án giá và hoàn thiện năng lực theo quy định.
Công tác đảm bảo an toàn CTTL trong mùa mưa lũ vẫn chưa được quan tâm thực hiện nghiêm túc, việc điều tiết nước hồ chứa để tạo dung tích phòng lũ tại một số hồ chứa vẫn trữ quá 70% dung tích hồ, đặc biệt đối với những hồ chứa lớn đã hư hỏng, xuống cấp như: Hồ Sông Mây, hồ Đa Tôn, hồ Gia Ui,... Một số đơn vị chưa nghiên cứu, nắm vững quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa, mặc dù đã được nhắc nhở, đôn đốc tuy nhiên vẫn chưa chủ động việc xả nước điều tiết qua cống trước để tạo dung tích phòng lũ, nước tràn qua ngưỡng tràn 30-35 cm tuy nhiên vẫn không mở cống điều tiết (như hồ Bà Hào). Đối với đập dâng, vẫn còn tình trạng chưa mở tối đa các cửa van để thoát lũ (cụ thể như đập Ba Cao, huyện Thống Nhất gồm 4 cửa, có mở 3 cửa, còn 01 cửa không được mở hết, theo kết quả kiểm tra thực tế ngày 14/10/2021 của Sở Nông nghiệp và PTNT).
Về lập hồ sơ để được cấp kinh phí hoạt động từ diện tích phục vụ tưới, tiêu: Đến nay mặc dù đã thành lập, đi vào hoạt động từ năm 2020, đồng thời Sở Nông nghiệp và PTNT đã hướng dẫn hồ sơ, thủ tục, tuy nhiên đến nay Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Long Thành vẫn chưa lập hồ sơ trình thẩm định diện tích sử dụng dịch vụ công ích thủy lợi; một số nhiệm vụ như: Xây dựng phương án giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi; Quy trình vận hành; Phương án bảo vệ; Quy chế phối hợp;… vẫn chưa được triển khai.
Công tác cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình và khôi phục hồ sơ kỹ thuật, hồ sơ pháp lý, hồ sơ đất đai của công trình chưa được các địa phương, đơn vị quản lý khai thác CTTL quan tâm triển khai thực hiện, dẫn đến các vụ việc vi phạm lấn chiếm CTTL vẫn diễn ra trong năm 2021. Trong 9 tháng đầu năm 2021 vẫn để xảy ra 23 vụ vi phạm trong vi phạm bảo vệ CTTL; bên cạnh đó, công tác xử lý vi phạm ở các địa phương còn chậm, thiếu kiên quyết nên chưa đủ sức răn đe đối với đối tượng vi phạm.
Việc thực hiện các quy định của nhà nước tại một số hồ chứa nước chưa được các địa phương, đơn vị quan tâm triển khai thực hiện, như: Thanh Niên, Giao Thông, Suối Đôi, Suối Ran. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa bố trí được nhân sự có chuyên môn về thủy lợi như: Huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Nhơn Trạch, Long Thành, Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, dẫn đến việc tham mưu trong công tác thủy lợi còn chậm và gặp nhiều khó khăn. Một số dự án thủy lợi còn triển khai chậm như: Xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng hồ Gia Măng (huyện Xuân Lộc); Trạm bơm Tà Rua (huyện Định Quán).
Công tác rà soát số liệu, thống kê ngành, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp đã được Sở Nông nghiệp triển khai, tuy nhiên, đến nay một số địa phương, đơn vị chưa cung cấp đầy đủ thông tin, số liệu làm cơ sở để Sở Nông nghiệp tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT (như các huyện: Định Quán, Trảng Bom).
Họp đánh giá công tác quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi 9 tháng đầu năm 2021_Hình 2.jpg
Các địa phương, đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi tham dự họp trực tuyến

Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí chủ trì cũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ cần tập trung thực hiện từ nay dến hết năm 2021, trong đó đặc biệt lưu ý đối với công tác đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa lũ, các địa phương, đơn vị quản lý khai thác CTTL tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục Thủy lợi, UBND tỉnh và hướng dẫn, đôn đốc của Sở Nông nghiệp và PTNT về công tác bảo đảm an toàn hồ chứa, đập dâng trong mùa mưa lũ năm 2021, cụ thể: Đối với các hồ chứa, từ nay đến hết ngày 15/11/2021 không được trữ quá 70% dung tích hồ, phần dung tích còn lại để phòng lũ; sau ngày 15/11/2021, các địa phương, đơn vị chủ động điều tiết phù hợp để phục vụ sản xuất. Thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn đối với các đập, hồ chứa nước. Đối với các đập dâng, mở tối đa tất cả các cửa van để đảm bảo thoát lũ. Khi có phục vụ sản xuất, đơn vị quản lý lập kế hoạch điều tiết, vận hành công trình gửi các xã, UBND huyện liên quan để phối hợp, đồng thời báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT để theo dõi, tổng hợp. Đối với các trạm bơm, phải kiểm tra, vận hành các trạm bơm tiêu để đảm bảo hoạt động bình thường khi có yêu cầu; đảm bảo thiết bị máy bơm được đặt tại vị trí an toàn không bị ngập do lũ; thường xuyên kiểm tra, đảm bảo an toàn hệ thống điện khi xảy ra mưa, bão. Đối với các tuyến đê bao, bờ bao, phải kiểm tra, theo dõi và xử lý kịp thời các vị trí có nguy cơ gây mất an toàn; thường xuyên theo dõi và xử lý ngay các vị trí bong tróc, đọng nước trên mặt đê bao, bờ bao; theo dõi tình hình thời tiết, mưa, lũ để có phương án đảm bảo an toàn cho công trình, phòng, chống sự cố vỡ đê bao, bờ bao.
Về công tác phục vụ sản xuất các tháng cuối năm 2021, các địa phương, đơn vị quản lý công trình theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết các tháng cuối năm 2021, chủ động quản lý, vận hành CTTL để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất trong vụ Mùa 2021, Đông Xuân 2021 - 2022. Đối với một số khu vực có sản xuất vụ Đông Xuân sớm (như khu tưới của đập Năm Sao, đập Đồng Hiệp), địa phương, đơn vị quản lý chủ động phối hợp, lập kế hoạch sản xuất, đồng thời khuyến cáo người dân gieo trồng phù hợp với diễn biến tình hình thời tiết để tránh thiệt hại do thiếu nước tưới trong mùa khô 2021 - 2022.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, đồng chí chủ trì đã đề nghị các địa phương, đơn vị quan tâm thực hiện một số nội dung công việc như sau:
Thứ nhất là về chuẩn bị nguồn nước phục vụ sản xuất trong mùa khô 2021 - 2022, các địa phương, đơn vị chủ động kiểm tra các CTTL, lập kế hoạch sửa chữa các sửa chữa các hạng mục bị hư hỏng sau lũ; nạo vét thượng hạ, lưu các đập dâng, các cửa lấy nước và hệ thống kênh mương để đảm bảo phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2021 - 2022. Thường xuyên tổ chức thăm đồng nhằm đánh giá hiệu quả phục vụ sản xuất của các CTTL. Nghiên cứu mở rộng hệ thống kênh mương để mở rộng khu tưới của CTTL, nhằm phát huy tối đa khả năng phục vụ của công trình. Đối với các địa phương thường xuyên xảy ra thiếu nước phục vụ sản xuất trong mùa khô, cần rà soát, xác định các khu vực trọng điểm để chủ động phương án ứng phó phù hợp. Các địa phương khu vực ven sông Đồng Nai theo dõi chặt chẽ diễn biến ảnh hưởng xâm nhập mặn đối với cây trồng, đắp bờ bao, bờ vùng, bờ thửa để ngăn mặn, nạo vét kênh mương nội đồng để đảm bảo việc lấy nước phục vụ sản xuất. Đối với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi phải chủ động phối hợp với địa phương, các đơn vị xây dựng kế hoạch sản xuất tại các công trình; lập kế hoạch sử dụng vật tư, máy móc, trang thiết bị, nhiên liệu tại các khu vực có nguy có thiếu nước để sẵn sàng triển khai khi có tình huống xấu. Đối với Hệ thống thủy lợi Ông Kèo, cần quản lý chặt chẽ công tác vận hành các cống ngăn mặn, đồng thời chủ động lấy nước để đảm bảo cung cấp nước phục vụ sản xuất và giao thông thủy, vận chuyển nông sản của người dân trong vùng. Các địa phương, đơn vị chủ động dự phòng ngân sách địa phương phục vụ công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; kịp thời hỗ trợ, khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống người dân ở vùng bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.
Thứ hai là về xây dựng và triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, các địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm túc Luật Thủy lợi và các văn bản hướng dẫn, trong đó tập trung vào những nội dung như: Xây dựng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi năm 2022; tiếp tục thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về việc triển khai thi hành Luật Thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện các quy định của nhà nước về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước theo quy định tại Nghị định số 114 của Chính phủ, như: Kiểm định an toàn đập, hồ chứa nước; Lập, điều chỉnh bổ sung quy trình vận hành hồ chứa nước; Lập quy trình bảo trì công trình; Lập và lưu trữ hồ sơ đập, hồ chứa nước;...
Thứ ba là về công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, hiện nay các đơn vị quản lý CTTL cấp huyện chưa phù hợp với loại hình hoạt động theo quy định của luật Thủy lợi, đề nghị các địa phương, đơn vị tiếp tục triển khai nghiên cứu, sắp xếp tổ chức bộ máy phù hợp theo quy định và phù hợp tình hình thực tế của địa phương và có văn bản đề xuất gửi về Sở Nông nghiệp và để tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo xử lý.
Thứ tư là về thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong lĩnh vực thủy lợi, cần thực hiện có hiệu quả các dự án về ứng dụng công nghệ thông tin vào giám sát vận hành, điều tiết hồ chứa thủy lợi; triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách về hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước theo Nghị quyết số 198/2019/NQ-HĐND ngày 06/12/2019 của HĐND tỉnh Quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Thứ năm là về xây dựng phương án giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi và giá phẩm, dịch vụ thủy lợi khác năm 2022: Căn cứ hướng dẫn của cơ quan thẩm định hồ sơ, đề nghị các địa phương, đơn vị xây dựng và gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT trước ngày  15/11/2021 để tổ chức thẩm định theo quy định.
Thứ sáu là về nguồn kinh phí duy tu, sửa chữa lớn, các đơn vị quản lý khai thác CTTL cấp huyện chủ động đề xuất UBND huyện bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương đối với những hạng mục công trình bị hư hỏng, xuống cấp cần nguồn kinh phí duy tu, sửa chữa lớn; đối với nguồn kinh phí cấp bù diện tích sử dụng dịch vụ công ích thủy lợi, chỉ sử dụng cho hoạt động của đơn vị và công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên máy móc thiết bị CTTL.
Thứ bảy là về công tác xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai năm 2022, các đơn vị quản lý khai thác CTTL chủ động xây dựng phương án phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn; phương án đảm đảm an toàn CTTL trong mùa mưa lũ gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, theo dõi.
Đối với một số công tác khác, đồng chí chủ trì cuộc họp cũng đề nghị các địa phương, đơn vị quản lý công trình quan tâm, triển khai thực hiện, như: Kiểm tra, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm trong phạm vi bảo vệ CTTL; Rà soát, tổ chức thực hiện hoàn chỉnh các quy định của nhà nước về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước; Rà soát, nghiên cứu mở rộng hệ thống kênh mương để mở rộng khu tưới của CTTL, nhằm phát huy tối đa khả năng phục vụ của công trình; Lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành quản lý, vận hành, khai thác CTTL cho cán bộ, công nhân viên tại các đơn vị quản lý khai thác CTTL, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khai thác CTTL trên địa bàn tỉnh; Rà soát quy chế phối hợp với địa phương và các đơn vị liên quan, kịp thời bổ sung, điều chỉnh để đảm bảo công tác quản lý khai thác và bảo vệ CTTL được hiệu quả.
Phát biểu kết thúc cuộc họp, đồng chí Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã gửi lời cảm ơn đến các địa phương, đơn vị đã quan tâm, sắp xếp thời gian dự họp, đồng thời đồng chí cũng bày tỏ sự tin tưởng và luôn hy vọng các địa phương, đơn vị phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau để thực hiện có hiệu quả kế hoạch nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.
Nghiệp - TL
 
 
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​