​Hội thảo trực tuyến “Hợp tác Nông nghiệp Việt Nam – châu Phi”

Để trao đổi và thảo luận các biện pháp đẩy mạnh hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và các quốc gia châu Phi; ngày 09/9/2021, Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) tổ chức Hội thảo trực tuyến “Hợp tác nông nghiệp Việt Nam - châu Phi: tăng cường kết nối, cùng phát triển bền vững”.
Tham dự Hội thảo có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao- Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Quốc Doanh, Bộ trưởng Bộ Nông - Lâm nghiệp Sierra Leone Abu Bakarr, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Tanzania Adolf Faustine Mkenda, Bộ trưởng Chăn nuôi và Thủy sản Bờ Biển Ngà Sidi T. Touré; cùng khoảng 500 đại biểu tại các điểm cầu cùng tham dự như: đại diện các Bộ, ngành, ngân hàng, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp Việt Nam và châu Phi, các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam và các nước châu Phi thường trú/kiêm nhiệm,…và Lãnh đạo một số địa phương có xuất/nhập khẩu liên quan đến các nước châu Phi như: Kiên Giang, Gia Lai, Đồng Nai, Bến Tre, Yên Bái,, Hòa Bình, Thanh Hóa, An Giang,...Tại điểm cầu tỉnh Đồng Nai, có đồng chí Võ Văn Phi – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và đồng chí Trần Lâm Sinh – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị liên quan cùng tham dự.
Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, Châu Phi là địa bàn rộng lớn với dân số trên 1,2 tỷ người, được đánh giá là châu lục năng động, giàu tiềm năng cho các hoạt động hợp tác kinh tế. Tại châu Phi, nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chính và động lực phát triển quan trọng của đa số các quốc gia châu lục. Hiện nay, châu Phi nắm giữ 60% tổng diện tích đất canh tác toàn cầu, nông nghiệp thu hút 60% dân số trong độ tuổi lao động và đóng góp ít nhất 15% GPD của châu lục. Tuy nhiên, trình độ phát triển nông nghiệp tại nhiều nước châu Phi chưa cao (chỉ 6% diện tích đất canh tác được tưới tiêu, 90% hoạt động sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp bằng một nửa so với các nước đang phát triển), không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của người dân và phải phụ thuộc vào nhập khẩu, chủ yếu do thiếu giống năng suất cao và phân bón, tỷ lệ cơ giới hóa và tưới tiêu thấp, tác động của biến đổi khí hậu. Năm 2019, kim ngạch nhập khẩu nông sản thực phẩm của châu Phi khoảng 36 tỷ USD và dự kiến tăng lên 110 tỷ USD vào 2025.
Hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và châu Phi là lĩnh vực hợp tác truyền thống được triển khai từ những năm 1980, thông qua các hình thức: (01) hợp tác sản xuất nông nghiệp theo mô hình song phương và ba, bốn bên trong khuôn khổ hợp tác Nam — Nam; (02) trao đổi thương mại nông sản. Về hợp tác sản xuất nông nghiệp, ở kênh song phương, Việt Nam đã ký hơn 26 văn bản hợp tác nông nghiệp, thủy sản với các nước châu Phi; triển khai dự án đầu tư “Hợp tác nghiên cứu phát triển cây lương thực và cây thực phẩm giai đoạn 2013-2017” ở Mozambique. Ở kênh hợp tác ba bên, từ năm 1996 đến nay, Việt Nam đã tham gia dự án ba bên với các nước Cộng hòa Guinea, Namibia, Mozambique, Senegal, Benin, Madagascar, Mali, Cộng hoà Congo, Chad, Namibia, cử hơn 400 chuyên gia và kỹ thuật viên đi làm việc tại châu Phi với sự hỗ trợ tài chính của bên thứ ba như: FAO, Pháp, JICA Nhật Bản, Nam Phi... Các dự án nông nghiệp Việt Nam tham gia tại khu vực mang tính chất hỗ trợ phát triển, phổ biến kỹ thuật trồng xen canh, gối vụ giúp tăng năng suất cây trồng sở tại (lúa, khoai lang, đậu tương…) từ 2 đến 4 lần, góp phần nâng cao đời sống người dân và giải quyết an ninh lương thực. Kết quả các dự án nông nghiệp đều được các nước châu Phi đánh giá cao và đề nghị mở rộng quy mô dự án. Hợp tác ba bên Việt Nam - châu Phi cũng được coi là hình mẫu hợp tác trong khuôn khổ Nam – Nam. Về thương mại nông sản, tổng kim ngạch thương mại nông sản của Việt Nam với châu Phi tăng đều qua các năm (năm 2020 đạt 3,8 tỷ USD, chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với châu Phi), các mặt hàng xuất khẩu cũng đa dạng hơn. Việt Nam xuất khẩu sang châu Phi chủ yếu các mặt hàng gạo, cà phê, hạt tiêu, chè, hải sản…Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu từ châu Phi một số nguyên liệu thô phục vụ công nghiệp chể biến trong nước và xuất khẩu như: hạt điều, gỗ, bông, một số loại hoa quả,… Các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ở khu vực gồm: Nam Phi, Ai Cập, Bờ Biển Ngà, Ghana, Algeria, Nigeria, Cameroon... Tuy nhiên, quy mô và mức độ hợp tác giữa Việt Nam và châu Phi còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của hai bên.
Trong thời gian tới, nông nghiệp tiếp tục là lĩnh vực hợp tác rất triển vọng giữa Việt Nam và châu Phi. Chương trình nghị sự 2063, được coi là khuôn khổ chiến lược của châu Phi từ nay đến năm 2063, đặt mục tiêu phát triển châu Phi thịnh vượng dựa trên tăng trưởng toàn diện và phát triển bền vững, trong đó dựa vào phát triển nông nghiệp hiện đại giúp tăng sản lượng, năng suất và giá trị gia tăng đóng góp cho sự thịnh vượng quốc gia và an ninh lương thực toàn châu lục. Dự báo đến năm 2050, dân số châu Phi sẽ tăng gấp đôi và sản xuất lương thực của châu Phi tăng 60% nhưng cung vẫn sẽ thấp hơn cầu. Do đó, châu Phi đang và sẽ có nhu cầu rất lớn về nhập khẩu nông sản và các yếu tố đầu vào (phân bón, giống, thiết bị máy móc cơ khí...), công nghệ sản xuất và chế biến nông nghiệp, vốn đầu tư…
Tại Hội thảo, đồng chí Võ Văn Phi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai thảo luận một số nội dung như: Đồng Nai có tổng diện tích tự nhiên gần 6 ngàn km2, trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm hơn 70%, với 470 ngàn ha; ngành nông nghiệp của tỉnh có sự phát triển tích cực, góp phần phát triển kinh tế xã hội, với đa dạng về sản phẩm, sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa nâng cao giá trị gia tăng và bền vững, các loại cây, con chủ lực đã được quy hoạch và hình thành các vùng sản xuất tập trung, vùng cây chuyên canh, sản phẩm có khả năng xuất khẩu như: xoài, cà phê, sầu riêng, chôm chôm, bưởi...; khoảng 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp có ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, 18 sản phẩm có nhãn hiệu hàng hóa; có 105 mã số vùng trồng, với diện tích 21,92 ngàn ha đối với 06 loại cây trồng (chuối, mít, thanh long, xoài, chôm chôm, chanh) và 41 mã số cơ sở đóng gói, đáp ứng được yêu cầu thị trường nước ngoài và đã tham gia xuất khẩu các nước như: Australia, USA và EU, Nhật Bản, Trung Quốc,… Đối với thị trường Châu Phi: trong năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm sản đạt khoảng 118,4 triệu USD, chiếm 35,2% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh sang các nước châu Phi, trong đó: kim ngạch xuất khẩu nông lâm sản đạt 37,6 triệu USD (bao gồm: cà phê, xơ-sợi dệt, tiêu, gỗ, điều, rau quả, sản phẩm mây, tre, cói thảm, xuất sang 13/54 nước châu Phi; kim ngạch nhập khẩu nông lâm sản đạt 80,8 triệu USD (bao gồm: điều, rau quả, gỗ, ngô, bông, xơ-sợi , sữa và sản phẩm sữa nhập từ 20/54 nước châu Phi). Các khó khăn, vướng mắc như: ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nguồn nguyên liệu nhập khẩu không đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất; các doanh nghiệp đang phải nhập khẩu hàng hóa thông qua đơn vị trung gian, dẫn đến thời gian vận chuyển kéo dài; nguồn hàng hạt điều từ châu Phi đang do những công ty của Ấn Độ năm và tri phối; chất lượng sản phẩm hạt điều nhập khẩu khó kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, do các hợp đồng nguyên liệu thô chỉ ràng buộc về độ ẩm thu hồi và không nhiễm nấm mốc. Đồng thời, kiến nghị Bộ Ngoại giao và các Đại sứ quán, các tham tán thương mại làm việc với các nước châu Phi để có chính sách thông thoáng và hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Việt Nam nói chung, doanh nghiệp của Đồng Nai nói riêng được nhập khẩu chính ngạch các mặt hàng nông sản như hạt điều thô từ châu Phi; hỗ trợ địa phương nắm bắt thông tin các nhu cầu về hàng hóa, chất lượng, giá cả sản phẩm của từng thị trường, qua đó cung cấp cho các doanh nghiệp địa phương biết, chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu; Hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh Đồng Nai quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tạo cơ hội kinh doanh và đầu tư, thúc đẩy sản xuất và nâng cao giá trị các sản phẩm địa phương, đẩy mạnh trao đổi giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh với các đối tác doanh nghiệp nước ngoài thông qua hội chợ triển lãm, giao thương tại nước ngoài;…
Hội thảo trực tuyến Hợp tác Nông nghiệp Việt Nam – châu Phi_Hình 1.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Võ Văn Phi phát biểu thảo luận tại Hội thảo - điểm đầu cầu tỉnh Đồng Nai

Hội thảo trực tuyến Hợp tác Nông nghiệp Việt Nam – châu Phi_Hình 2.jpg
Ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phát biểu thảo luận tại Hội thảo
Quang Tuyên – KHTC Sở
 
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​