Khai thác thế mạnh cây trồng

​Ðược thiên nhiên ưu đãi về vị trí địa lý, đất đai, khí hậu, nguồn nước, Đồng Nai rất thích hợp trồng cây ăn trái nhiệt đới với các chủng loại phong phú có giá trị kinh tế cao. Mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp - dịch vụ chế biến nông sản sẽ trở thành ngành mũi nhọn của Đồng Nai, chiếm 25-35% tỉ trọng GRDP của tỉnh, trong đó trái cây là nguyên liệu chính lĩnh vực chế biến.
Nhiều tiềm năng phát triển
Trước những biến động của kinh tế thế giới, Việt Nam nằm trong những ảnh hưởng chung song nhờ công tác chống dịch Covid-19 hiệu quả và nền chính trị ổn định sẽ là thời cơ đón dòng cầu tư FDI từ sự dịch chuyển của các nước lớn. Sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam cũng được hưởng lợi từ những dòng vốn chuyển dịch này nhất là khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực.
Lợi thế của Đồng Nai sau chăn nuôi là cây ăn trái với nhiều loại đặc sản như: chôm chôm, sầu riêng, bưởi... có diện tích thuộc tốp đầu cả nước. Các loại cây ăn trái như bưởi, chôm chôm đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nhiều loại cây ăn trái thế mạnh cũng đã xây dựng được vùng sản xuất sạch với triển vọng nâng cao giá trị thông qua thay đổi phương thức canh tác và thị trường.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, hiện tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đã đạt gần 69 nghìn ha, tăng trên 9.000 ha so với năm 2018. Các cây trồng có diện tích tăng mạnh là chuối, thanh long, sầu riêng, bưởi, mít, … Không chỉ tăng về diện tích, sản lượng các cây ăn trái trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng tăng cao, cụ thể sản lượng xoài đạt trên 92,4 nghìn tấn, tăng 2,56%; chuối đạt gần 120 nghìn tấn, tăng 9%; sầu riêng đạt 39 nghìn tấn, tăng 4,75%; chôm chôm đạt trên 155,87 nghìn tấn, tăng 1,4%; bưởi đạt trên 59,7 nghìn tấn, tăng gần 22%, ...
Với diện tích cây ăn trái trên, hàng năm tỉnh đã cung cấp ra thị trường trên 1 triệu tấn sản phẩm, từ chương trình đầu tư phát triển cây trồng chủ lực, đến nay, Ðồng Nai đã hình thành được các vùng chuyên canh với diện tích lớn như sầu riêng trên 4.000 ha, bưởi trên 5.000 ha, xoài trên 8.000 ha... Sản phẩm cây trồng chủ lực của tỉnh được sắp xếp và hình thành các vùng sản xuất tập trung, với tổng diện tích gần 50 ngàn ha, chiếm khoảng 31% so với tổng diện tích được phân vùng xây dựng cánh đồng lớn của tỉnh.
Nhằm đưa sản phẩm nông nghiệp của Đồng Nai ra thị trường thế giới, trong đó có sản phẩm trái cây, nguồn sản phẩm dồi dào của địa phương này, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã phê duyệt đề án “Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế” theo Quyết định số 3066/QĐ-UBND ngày 27/9/2019.
Thêm vào đó, Đồng Nai cũng thực hiện đề án đổi mới sáng tạo và cung ứng công nghệ về công nghiệp - dịch vụ chế biến nông sản định hướng đưa tỉnh trở thành trung tâm hàng đầu của cả nước về nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, xác định 7 nhóm mặt hàng có lợi thế, thế mạnh của tỉnh để tập trung các giải pháp hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm trọng điểm là trái cây, cà phê, điều, tiêu…
Khai thác thế mạnh cây trồng_Hình 1.jpg
Công nhân sản xuất hạt điều tại Thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.

Đề án cũng đã xác định các nhóm giải pháp gắn với từng giai đoạn cụ thể, kinh phí thực hiện để thúc đẩy phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp trên cơ sở đánh giá tác động của hội nhập quốc tế, thực trạng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Để thực hiện đề án, UBND tỉnh sẽ thành lập ban chỉ đạo triển khai các hướng đột phá thực hiện đề án, thành lập các nhóm công tác gồm lãnh đạo các sở, ngành liên quan và thành lập trung tâm tổng thể về xúc tiến đầu tư, thương mại hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu trở thành trung tâm chế biến nông sản
Chỉ trong chưa đầy 2 năm tính từ năm 2017, diện tích trồng cây ăn trái các loại của Đồng Nai đã tăng thêm trên 17 nghìn ha so với trước. Hầu hết nông dân chuyển sang trồng cây ăn trái chỉ dựa theo một tín hiệu duy nhất là giá bán tại thời điểm trồng mà chưa tính đến đầu ra sản phẩm.
Điều này một phần xuất phát từ nguyên nhân năm 2018, xuất khẩu rau quả của Việt Nam khá khả quan với kim ngạch đạt trên 3,52 tỷ USD, tăng đến 10,8% so với năm 2017.
Tuy nhiên, năm 2019, xuất khẩu rau quả lại gặp nhiều thách thức lớn. Bộ Công thương cho biết, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 10-2019, xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 3,06 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2018. Nguyên nhân là do các loại quả xuất khẩu chính như: thanh long, sầu riêng, dừa, dưa hấu... giảm mạnh về giá trị. Một lý do khác là từ đầu năm 2019, Trung Quốc (thị trường đang chiếm đến 73% xuất khẩu rau quả của Việt Nam) trở nên khắt khe hơn về tiêu chí chất lượng và nguồn gốc xuất xứ đối với các mặt hàng rau quả, dẫn đến nhiều thời điểm rau quả Việt Nam gặp khó khăn trong xuất khẩu sang thị trường này cộng thêm những tác động từ dịch Covid – 19, các nước đóng cửa khiến thị trường nông sản Việt bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trong bối cảnh khó khăn, thách thức đang chờ thì việc Đồng Nai và các địa phương đồng loạt tăng nhanh cả diện tích và sản lượng cây ăn trái có thể gây nên hệ lụy lâu dài. Bởi đầu tư cây ăn trái đòi hỏi nhiều chi phí, thời gian, công sức hơn so với các loại cây trồng khác.
Ông Nguyễn Hữu Đạt, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết: “Diện tích nhóm 10 loại trái cây chủ lực xuất khẩu mạnh của Việt Nam gồm: thanh long, chuối, xoài, bưởi, sầu riêng... đang tăng nhanh. Theo kế hoạch đến năm 2020, tổng diện tích của các loại trái cây trên sẽ tăng lên 810 ngàn hécta và đạt 1,2 triệu hécta vào năm 2030. Nhưng hiện giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam chỉ chiếm khoảng 1% thị phần nhập khẩu rau quả thế giới. Nếu Việt Nam không khai thác tốt tiềm năng lớn của thị trường xuất khẩu thì ngành rau quả sẽ đối mặt với cơn khủng hoảng thừa".  
Việc Đồng Nai từng phải “giải cứu" chuối, thanh long xuất khẩu không chỉ do diện tích các cây trồng này tăng lên quá nhanh hay xuất khẩu gặp khó mà chủ yếu do nông dân sản xuất “lệch" với nhu cầu của thị trường. Để xác định hướng đi bền vững cho mặt hàng nông sản TS.Đặng Kim Khôi, Giám đốc Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp đã chỉ ra, tầm nhìn phát triển nông sản thế mạnh của Đồng Nai phải hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp - chế biến nông sản sâu hàng đầu của Việt Nam. Qua đó, tỉnh phải thu hút được những doanh nghiệp chế biến hàng đầu về địa phương; trở thành trung tâm chế biến nông sản của vùng.
Đồng Nai cũng cần hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm dịch vụ - hậu cần thương mại nông sản hàng đầu của Việt Nam; hình thành được một số chuỗi giá trị cho nông sản chiến lược đi vào chuỗi giá trị toàn cầu; hướng tới thị trường xuất khẩu chính ngạch, chất lượng cao. Ở thị trường nội địa, Đồng Nai sẽ trở thành nguồn cung ứng nông sản chất lượng cao chủ yếu cho thị trường TP.Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận.
Theo đó, địa phương cần khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong phát triển sản xuất; chính sách thu hút nông dân, doanh nghiệp đầu tư; đặc biệt cần chú trọng thu hút doanh nghiệp đầu tàu mở đường đột phá cho các chuỗi giá trị chiến lược nông sản thế mạnh của địa phương.
Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng các giải pháp về thị trường, phát triển thương hiệu; xây dựng kênh phân phối và xây dựng các chuỗi giá trị ngành hàng trọng điểm. Năm 2020, Đồng Nai đặt mục tiêu tham gia 03 cuộc Hội chợ Triển lãm trong nước như hội chợ triển lãm Agroviet, hội chợ làng nghề, hội chợ quốc tế mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm khai thác tốt thị trường nội địa vốn rất tiềm năng.
Đồng thời, tỉnh cũng tiếp tục rà soát điều chỉnh kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển mạnh cây trồng chủ lực của tỉnh, sản phẩm đặc sản địa phương như: bưởi, cam, quýt, sầu riêng, hồ tiêu, điều, xoài, chôm chôm, chuối cấy mô và cây rau thực phẩm, đồng thời phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết đối với các sản phẩm; đẩy mạnh và nhân rộng mô hình phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao.
Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng giống năng suất và chất lượng cao, ứng dụng cơ giới hóa, thực hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững; giảm sử dụng các loại phân bón vô cơ, hóa chất bảo vệ thực vật; giám sát, dự báo và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống sâu bệnh. Xây dựng sản phẩm nông nghiệp có tiêu chuẩn, nhãn hiệu; xây dựng mã số vùng trồng để phục vụ xuất khẩu; triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án nông nghiệp vùng Tây Nam tỉnh Đồng Nai.
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​