Chăn nuôi công nghệ cao

​Phải thay đổi tư duy và tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất là vấn đề được Bộ NN&PTNT đặt làm trọng tâm trong đề án tái cơ cấu ngành. Tại Đồng Nai, vấn đề này cũng đang được tỉnh hết sức quan tâm và trên thực tế, hầu hết các mô hình công nghệ cao đã hình thành thời gian qua đều mang lại hiệu quả rất khả quan.
Công nghệ cao : “Trục xương sống” của ngành nông nghiệp
Tại xã Tân Hiệp, huyện Long Thành, không ai là không biết đến trại chăn nuôi heo công nghệ cao của ông Nguyễn Tấn Hậu. Toàn bộ hệ thống gần 20 dãy trại heo đều được ông Hậu gắn điều hòa nhiệt độ và áp dụng dây chuyền cho ăn, xử lí chất thải hoàn toàn tự động. Ông Hậu cho biết : VSới hệ thống cho ăn bằng chíp điện tử, heo có thể ăn nhiều bữa trong ngày, tuy nhiên lượng thức ăn lại được quản lý chặt không để heo ăn dư thừa lượng cám. Nhờ hệ thống đọc số trên tai heo, nếu  heo đã ăn đủ khẩu phần trong bữa, máy sẽ không nhả tiếp thức ăn. Không chỉ tiết kiệm đầu vào, hệ thống này còn đảm bảo quá trình sinh trưởng, phát triển của đàn nái. Hiện bình quân mỗi năm, hơn 1200 con nái của hai trang trại có thể cung cấp ra thị trường đều đặn 20 ngàn con nái giống, giúp chủ trại thu về một khoản lợi nhuận rất lớn.
Ngoài việc giảm được giá đầu vào, chủ động kiểm soát dịch bệnh, việc ứng dụng mô hình chăn nuôi công nghệ cao còn giúp tạo ra đàn vật nuôi có thể truy xuất nguồn gốc, đảm bảo không tồn dư kháng sinh. Những năm gần đây, nhận thấy tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi, Đồng Nai đã tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp để giúp các hộ nông dân đầu tư chăn nuôi theo quy trình này. Hiện nay, Đồng Nai có 246 trang trại chăn nuôi heo và 170 trang trại chăn nuôi gà ứng dụng công nghệ cao. Đối với các tỉnh khác, đây là những con số quá ấn tượng, nhưng nếu đem so với tổng số hơn 2 ngàn 2 trăm trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hiện nay, số trại công nghệ cao rõ ràng vẫn còn đang chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn.
Thời gian qua, ngành chăn nuôi trong nước đã liên tục có những đợt khủng hoảng giá trầm trọng, đẩy người chăn nuôi vào những tình cảnh hết sức khó khăn. Vấn đề đang được quan tâm nhất hiện nay là làm sao để đưa ngành chăn nuôi thoát ra khỏi thực trạng này. Trong số các nhóm giải pháp đã và đang được đưa ra, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đang được xem là trục dọc quan trọng, căn cơ nhất trong nỗ lực tìm đầu ra bền vững cho các sản phẩm chăn nuôi.
Không chỉ riêng ngành chăn nuôi, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ cao cũng được Đồng Nai chú trọng triển khai đối với cả ngành trồng trọt.  Bởi hiện nay, vấn đề số lượng trong sản xuất nông sản không còn phù hợp mà phải chuyển sang hướng chất lượng.Do đó, Đồng Nai đang tăng cường hỗ trợ, định hướng nông dân trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đồng thời, tiến hành liên kết phát triển vùng, tiểu vùng công nghệ cao nhằm tạo sức lan tỏa, thu hút doanh nghiệp, nông dân tham gia sản xuất, tạo thành một chuỗi giá trị hàng hóa chất lượng cao. Đây cũng chính là một trong những giải pháp đột phá mà ngành Nông nghiệp Đồng Nai quyết tâm sẽ thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Chăn nuôi công nghệ cao.JPG
Áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến sẽ góp phần kiểm soát tốt dịch bệnh
LÊ ĐỨC.

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​