​Quyết tâm chi hỗ trợ cho người chăn nuôi càng sớm càng tốt

Chỉ sau khoảng 5 tháng xuất hiện, hàng trăm ngàn con heo đã bị tiêu hủy vì bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF), kéo theo đó hàng ngàn hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng lâm vào cảnh khốn đốn.
Mất vốn, “ôm” nợ vì dịch bệnh
1 tháng nay, dãy chuồng trại nuôi heo của anh Hoàng Văn Phúc, ấp Tây Kim, xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất rơi vào cảnh trống vắng, lạnh lẽo. Tại các dãy chuồng, các dụng cụ đựng thức ăn, nước uống cho heo được xếp chồng lên nhau đựng trong các xô nhựa để ở các góc chuồng. Tại các ô chuồng nuôi heo, mạng nhện cũng đã bắt đầu giăng kín trên các khung sắt.
Gần 2 tháng trước, đàn heo gần 400 con sắp đến tuổi xuất chuồng của anh Phúc đã bị tiêu hủy toàn bộ. Nguyên nhân là do đàn heo bị nhiễm bệnh ASF. Gần 400 con heo bị đem đi tiêu hủy cũng đã “hủy” luôn toàn bộ vốn liếng cũng như công chăm sóc của anh Phúc trong 3 tháng trời. “Lúc tôi mua giống là gần triệu đồng 1 con, công chăm, chi phí thức ăn chưa tính. Chỉ tính theo giá bán lúc tiêu hủy, 400 con heo bị chôn tôi mất trắng khoảng 1 tỷ đồng”, anh Phúc buồn rầu cho biết.
Trang trại heo của anh Phúc nằm độc lập trên một khu đồi chuối thuộc ấp Tây Kim. Trước đó, khi nghe thông tin có dịch bệnh ASF xuất hiện, anh Phúc đã thực hiện tất cả các biện pháp phòng dịch, xây hố tẩy trung. Anh Phúc cùng con trai thay vì mua thực phẩm vào trại nấu ăn thì hằng ngày sau khi chăm sóc đàn heo lại quay về ăn cơm ở nhà. Theo anh Phúc, dù bất tiện nhưng phải làm vậy để phòng dịch. Thế nhưng, trại heo nhà anh Phúc vẫn bị nhiễm ASF. “Trại tôi lại thuộc tốp trại bị nhiễm đầu tiên của xã Gia Kiệm”, anh Phúc cho hay.
Toàn bộ đàn heo bị tiêu hủy khiến anh Phúc mất trắng khoản vốn đầu tư. Không những vậy, giờ đây trên vai người đàn ông này phải “gánh” thêm khoản nợ cả tỷ đồng từ ngân hàng. Anh Phúc cho biết: “Sổ đỏ nhà vẫn còn nằm trong ngân hàng, với tình hình này cũng không biết làm sao để trả nợ”.
Theo anh Phúc, gắn bó với nghề nuôi heo hàng chục năm nay nên đã trải qua nhiều lần lao đao với con heo. Tuy nhiên, đây là lần đầu anh cảm thấy bế tắc trong việc tính toán phải làm gì tiếp theo. “Giá giảm thì nó còn tăng, dịch khác còn có thuốc trị chứ dịch này chưa có thuốc nên đâu biết khi nào thì mới nuôi lại được. Không nuôi heo thì lấy gì trả nợ”, anh Phúc buồn bã cho biết.
Trắng tay, “ôm” nợ như tình cảnh của gia đình anh Phúc cũng đang là tình cảnh của hàng ngàn hộ chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh hiện nay. Chỉ sau khoảng 5 tháng xuất hiện, ASF đã khiến Đồng Nai phải tiêu hủy hơn 270.000 con heo của hơn 2.700 hộ dân. Đáng lo ngại hơn, tốc độ lây lan và số lượng heo phải tiêu hủy do dịch bệnh này đang tăng ngày càng nhanh.
Tại huyện Thống Nhất, địa phương được mệnh danh là “thủ phủ” chăn nuôi heo của tỉnh và cả nước, dù dịch ASF mới chỉ xuất hiện gần 2 tháng nhưng đến nay đã có khoảng 25.000 con heo bị tiêu hủy. Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Thống Nhất Ngô Thanh Tùng cho hay, trước dịch, đàn heo của huyện có khoảng 580.000 con, đến nay chỉ còn lại khoảng 280.000 con, giảm phân nửa đàn. Nguyên nhân do một phần heo bị tiêu hủy rồi người nuôi ồ ạt bán heo, giảm đàn vì lo sợ dịch bệnh. “Có trại nuôi đạt chuẩn VietGAP, chuồng trại sạch sẽ, nhân công ở trong trại cách ly với bên ngoài hàng tháng trời mà vẫn bị dịch. Do đó, giờ này người dân không ai dám nghĩ đến chuyện tăng đàn hay tái đàn nên cuộc sống rất khó khăn”, ông Tùng cho biết.
Trông chờ nguồn hỗ trợ
Giữa tháng 7 vừa qua, đàn heo hơn 800 con của gia đình chị Nguyễn Thị Liên, ấp 2, xã Lộ 25, huyện Thống Nhất cũng bắt buộc phải tiêu hủy do bị nhiễm ASF. Heo bị tiêu hủy mang đi hàng tỷ đồng của chị Liên, cùng với đó, nó cũng để lại cho gia đình này khoản nợ lên đến cả tỷ đồng. Hiện nay gia đình chị Liên chỉ còn biết trông chờ vào nguồn hỗ trợ từ Nhà nước. “Không nhiều nhưng ít ra cũng có vốn để mà còn tính toán tiếp”, chị Liên cho hay.
Theo thống kê có đến hơn 2.700 hộ chăn nuôi trong tỉnh có heo bị tiêu hủy vì dịch ASF. Tuy nhiên, do dịch bệnh lây lan quá nhanh, số lượng heo tiêu hủy quá lớn nên quá trình hoàn tất các thủ tục hồ sơ để hỗ trợ cho người chăn nuôi hiện còn khá chậm trễ.
Đến nay, mới có một số địa phương như Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Định Quán thực hiện chi trả một phần tiền hỗ trợ cho người chăn nuôi. Trong lúc đó, hầu hết các địa phương đều đang trong quá trình rà soát, hoàn tất thủ tục.
Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành Nguyễn Phong An cho hay, hiện trên địa bàn huyện có hơn 41.000 con heo đã bị tiêu hủy. Các xã và các cơ quan chức năng hiện đang hướng dẫn người chăn nuôi hoàn tất các thủ tục để chi trả tiền hỗ trợ. Tương tự, tại các địa phương như Thống Nhất, TP. Long Khánh, Tân Phú, ở các xã vẫn đang ở bước hoàn tất hồ sơ chi trả tiền hỗ trợ cho người dân.
Mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh đã yêu cầu các địa phương nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để giải ngân tiền hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi có heo bị thiệt hại càng sớm càng tốt, qua đó chia sẻ bớt khó khăn đối với người nuôi heo trong thời điểm hiện nay.
LÊ ĐỨC

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​