​Sâu keo mùa thu – Loài sâu hại mới đã xuất hiện ở Đồng Nai

Sâu keo mùa Thu (tên tiếng Anh là Fall Armyworm - FAW), tên khoa học là Spodoptera frugiperda J.E. Smith, thuộc Bộ Cánh vảy (Lepidoptera), Họ Ngài đêm (Noctuidea).
Sâu keo mùa Thu được phát hiện gây hại tại châu Á, châu Phi, châu Mỹ và một số quốc gia tại châu Âu. Tại châu Á, loài này đã xuất hiện ở Ấn Độ, Bangladesh, Srilanka, Myanmar, Thái Lan, Yemen, Trung Quốc và gần đây là Việt Nam. Đây là loài sâu hại mới lần đầu tiên xuất hiện, gây hại tại Việt Nam, hiện đang lây lan nhanh qua nhiều tỉnh, trong đó có Đồng Nai.
Sâu keo mùa Thu là loài sâu hại đa thực, có thể gây hại trên 300 loại thực vật; bao gồm bắp, lúa, bông vải, đậu tương, mía, rau, cà …; trong đó thức ăn ưa thích nhất là cây bắp, đặc biệt là bắp ngọt, bắp nếp và bắp rau.
Tuy chỉ gây hại ở giai đoạn sâu non, nhưng do sức ăn của sâu rất khỏe nên làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất cây trồng. Sâu non tuổi 1 - 2 ăn biểu bì ở mặt dưới lá non, gây ra các vết hình vuông hoặc hình chữ nhật màu trắng đặc trưng. Sâu non tuổi lớn hơn ăn khuyết lá, bẹ lá tạo thành các lỗ lớn như “cửa sổ”.

Sâu keo mùa thu Loài sâu hại mới đã xuất hiện ở Đồng Nai_Hình 1.jpg
Ảnh: Lá bắp bị sâu tuổi 1 - 2 gây hại

Sâu keo mùa thu Loài sâu hại mới đã xuất hiện ở Đồng Nai_Hình 2.jpg
Ảnh: Lá bắp bị sâu tuổi 3 - 6 gây hại

Đặc điểm nhận dạng sâu keo mùa Thu là trên đầu sâu non tuổi lớn nhìn rõ hình chữ Y ngược màu vàng, mặt lưng màu đen với lông cứng dài. Trên mặt lưng, đốt bụng cuối có 4 đốm đen được sắp xếp thành hình vuông, trong khi các đốt khác có 4 đốm đen xếp thành hình thang.
Loài sâu này xâm nhập, lây lan qua các con đường sau: Sâu non di chuyển ruộng này sang ruộng khác; Sâu non, nhộng, trứng, thậm chí là trưởng thành di chuyển theo sản phẩm, phế phụ phẩm của ký chủ (bắp, cỏ thức ăn chăn nuôi, cỏ sân golf, ...), trong quá trình người dân vận chuyển cây ký chủ qua biên giới hoặc theo hàng hóa thương mại từ nước ngoài vào Việt Nam hoặc giữa các địa phương trong nước. Trưởng thành tìm nơi đẻ trứng từ khoảng cách vài trăm mét đến hàng chục ki-lô-mét, đặc biệt, trưởng thành di trú có thể bay theo gió hàng trăm ki-lô-mét.
Tại Đồng Nai, đến ngày 21/5/2019 đã có 44,8 ha bắp bị sâu keo mùa Thu phá hoại, gây ảnh hưởng lớn đến năng suất tại các huyện Tân Phú, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ và Định Quán. Dự báo thời gian tới khả năng sâu sẽ lây lan ra diện rộng do hiện nay đang xuống giống vụ Hè Thu.
Để phòng chống sâu keo mùa Thu, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo bà con nông dân cần thực hiện đồng bộ các biện pháp sau:
1. Biện pháp canh tác
- Làm đất, phơi khô đất để ấu trùng, nhộng trong đất chết hoặc dễ dàng bị thiên địch tiêu diệt.
- Làm đất kỹ góp phần diệt nhộng trong đất.
- Luân canh với lúa nước ngay sau vụ bắp để diệt nhộng.
- Làm sạch cỏ dại quanh vườn bắp để hạn chế nơi trú ẩn của sâu.
2. Biện pháp thủ công
- Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đặc biệt ở giai đoạn bắp từ 3 - 6 lá để phát hiện ổ trứng, ngắt tiêu hủy.
- Sử dụng tro bếp hoặc nước xà phòng loãng đổ vào nõn bắp diệt sâu non.
3. Biện pháp sinh học
- Hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học để bảo vệ thiên địch của sâu keo mùa Thu.
- Sử dụng chế phẩm nấm xanh, nấm trắng, vi khuẩn Bt, virus NPV để phun trừ khi sâu tuổi nhỏ.
- Nhân thả ong ký sinh trứng (ong mắt đỏ, ...), các loài bắt mồi ăn thịt như bọ đuôi kìm để kiểm soát sâu non mới nở - tuổi nhỏ.
4. Sử dụng bẫy, bả
- Sử dụng bẫy dính màu vàng có pheromone giới tính, bẫy bả chua ngọt để diệt trưởng thành.
- Bẫy cây trồng: Trồng một số diện tích cỏ voi, bắp nếp sớm hơn so thời vụ chung để dẫn dụ trưởng thành đến đẻ trứng. Sử dụng bẫy diệt trưởng thành, ngắt ổ trứng và phun trừ sâu non trên các diện tích bẫy cây trồng.
5. Biện pháp hóa học
- Sử dụng các hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn tại Công văn số 1066/BVTV-QLT ngày 03/5/2019 của Cục Bảo vệ thực vật về việc sử dụng tạm thời thuốc phòng trừ sâu keo mùa Thu để phòng chống, cụ thể như sau:

​Tên hoạt chất Liều lượng(g a.i/ha) ​Thời điểm phun
Bacillus thuringiensis​
300-500 Khi sâu mới xuất hiện, tuổi 1 - 2. Phun 2 lần cách nhau 7 ngày, phun theo hàng ướt đều 2 mặt lá và nách lá, lượng nước phun 400-600 lít/ha.
Spinetoram
​30-36 Khi sâu mới xuất hiện, tuổi 1 - 2. Phun 2 lần cách nhau 10 - 12 ngày, phun theo hàng ướt đều 2 mặt lá và nách lá, lượng nước phun 400-600 lít/ha.
Indoxacarb ​75
Lufenuron ​30
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​