Qua thực tế triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa X; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã minh chứng tầm chiến lược và tính đúng đắn về chủ trương phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nghị quyết đã tạo điều kiện để sản xuất nông nghiệp bứt phá tăng trưởng, bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống nông dân ngày một nâng cao.
Đưa Nghị quyết vào cuộc sống
Xác định nông nghiệp, nông thôn, nông dân là những vấn đề lớn, có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế và sự ổn định chính trị, xã hội của tỉnh; với mục tiêu xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra chỉ tiêu, đến cuối năm 2025 có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và có ít nhất 5 huyện hoàn thành nông thôn mới nâng cao; 25% số xã hoàn thành nông thôn mới kiểu mẫu và huyện Xuân Lộc hoàn thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
Để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, Đồng Nai đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả trong phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao hơn nữa mức sống cho người dân. Một trong những điểm đột phá ấy là làm tốt công tác tuyên truyền vận động để thực sự khích lệ toàn dân đồng lòng, chung tay, tích cực tham gia.
Huyện Xuân Lộc – một huyện miền núi nhưng đã có những cách làm sáng tạo, bằng việc huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc đã tạo nên sự thay đổi nhanh chóng ở miền quê nơi đây. Đó là sự vào cuộc sâu sát, gắn bó giữa cán bộ với Nhân dân, tạo được sự đồng thuận cao trong cộng đồng. Ở Xuân Lộc, để có thể huy động được sức dân, tạo được sự đồng thuận cao trong dân, từ lãnh đạo huyện đến xã đã đến với Nhân dân, lắng nghe Nhân dân và đề xuất những cách làm để Nhân dân cùng tham gia đóng góp ý kiến. Chính từ cách làm này mà đã tạo được niềm tin trong dân, do đó, người dân đã mạnh dạn đóng góp công sức và tiền của để cùng với Nhà nước xây dựng nông thôn mới.
Theo lãnh đạo huyện Xuân Lộc, xác định nông nghiệp là thế mạnh của vùng đất Xuân Lộc, Đảng bộ và chính quyền địa phương nơi đây đã mạnh dạn tạo nên những bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà đến nay nhiều vùng canh tác nông nghiệp của huyện Xuân Lộc đã đạt giá trị sản xuất từ 100 triệu đồng đến 250 triệu đồng/ha/năm.
Xuân Lộc là địa phương duy nhất của cả nước thực hiện thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu về phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững. Trong đó, mục tiêu không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn được đặt lên hàng đầu. Chính vì những chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân mà người dân hết sức tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền địa phương.
Qua thực tiễn phong trào toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới đã huy động được công sức, trí tuệ, tiền của, đất đai của Nhân dân để cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới; xuất hiện ngày càng nhiều những điển hình nông dân sản xuất giỏi, tạo ra của cải vật chất, làm giàu cho gia đình và tạo nhiều việc làm cho xã hội.
Phát huy vai trò chủ thể của nông dân
Phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu ở Đồng Nai đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng ở mọi mặt như: diện mạo nông thôn có sự chuyển biến rõ nét, sản xuất phát triển ổn định, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, hệ thống trường học cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia, hệ thống y tế đạt chuẩn, môi trường sinh thái có bước cải thiện. Đặc biệt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn không ngừng được nâng cao, nhất là thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2022 đạt 64,67 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,68%, thấp hơn so với mức bình quân của khu vực và cả nước.
Một trong những điểm đột phá của Đồng Nai trong phong trào xây dựng nông thôn mới là người nông dân thực sự phát huy vai trò chủ thể, là lực lượng đi đầu trong phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới. Đảng bộ tỉnh Đồng Nai sớm xác định giai cấp nông dân không chỉ là đối tượng thụ hưởng mà còn là chủ thể, có tính quyết định đến thành công của mô hình “4 có”. Nông dân luôn là lực lượng đi đầu đóng góp xây dựng nông thôn mới với nhiều việc làm thiết thực, giàu ý nghĩa như: hiến đất, góp công, đóng góp vốn xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; bảo vệ, tôn tạo cảnh quan, môi trường nông thôn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc...
Giai đoạn 2018 - 2023, nông dân đã đóng góp tiền vốn, đất đai, công lao động trị giá hơn 209 tỷ đồng, hiến hơn 147.000 m2 đất, hơn 67.000 ngày công lao động để xây dựng các công trình dân sinh tại địa phương.
Trong 2 năm 2021 - 2022, toàn tỉnh đã bố trí, huy động hàng nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới. Trong đó, nguồn vốn ngân sách (tỉnh, huyện) chỉ chiếm gần 6%, còn lại hơn 94% là nguồn vốn huy động từ các thành phần kinh tế khác và trong Nhân dân. Nguồn huy động đóng góp của người dân đã thể hiện rõ vai trò của người nông dân vừa là chủ thể, vừa là người thụ hưởng.
Các phong trào thi đua phát triển sản xuất với nhiều mô hình mới, cách làm hay giúp nông dân làm giàu ngay trên quê hương mình. Hình thành được các vùng sản xuất tập trung, cơ giới hóa đồng bộ gắn với các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu chuẩn chất lượng và gắn với những vùng nguyên liệu được xây dựng mã vùng trồng đạt chuẩn xuất khẩu. Các sản phẩm, đặc sản địa phương được phát triển. Tại nhiều vùng quê hình thành hệ thống điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng.
Các phong trào Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; Nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh... cũng đã phát huy tốt vai trò chủ thể của người nông dân. Xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu là xã đầu tiên của tỉnh về đích nông thôn mới kiểu mẫu. Nhờ xây dựng nông thôn mới mà bộ mặt nông thôn tại địa phương này có nhiều đổi thay. Bà Lê Thị Nguyệt Ánh, người dân ở xã Bình Lợi cho biết: “Từ khi xây dựng nông thôn mới, xã được đầu tư đồng bộ, đường sá được bê tông hoá khang trang, sạch đẹp; điện, nước được đầu tư về tận nhà vườn để nông dân có điều kiện chuyển đổi cây trồng nên thu nhập không ngừng tăng lên. Đặc biệt, tại các khu dân cư kiểu mẫu, môi trường cảnh quan rất sạch đẹp, giáo dục, y tế, an ninh được đảm bảo”.
Đặc biệt, nông dân là lực lượng chính tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm; xây dựng, duy trì hoạt động mô hình tự quản về an ninh, trật tự. Đến nay, các cơ sở hội nông dân tỉnh đã thành lập và duy trì được 902 mô hình, tổ tự quản với trên 9,3 nghìn thành viên hoạt động hiệu quả như: Hội Nông dân phòng, chống tội phạm; Tuyến đường tự quản; Dòng họ giáo dục con em trong dòng tộc không vi phạm tệ nạn xã hội; Tiếng kẻng an ninh; CLB phòng, chống ma túy, tội phạm...
Theo đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, trong hành trình không có điểm dừng xây dựng nông thôn mới, nông dân đóng vai trò chủ thể cũng như là đích đến cuối cùng. Trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, cần đặt mục tiêu thu nhập của người dân cao hơn nhiều so với mức hiện nay; nhìn vào mức sống của người dân nghèo để làm chuẩn đo mức phát triển của địa phương; phải nỗ lực hơn nữa để nông dân có đời sống thịnh vượng.
Hà Thương