​Đối xử nhân đạo với động vật trong chăn nuôi, vận chuyển và giết mổ

Nhằm nâng cao nhận thức của những người làm công tác chăn nuôi, thú y và xã hội về đối xử nhận đạo với động vật. Ngày 10/12/2024, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Thú y phối với Hiệp hội thịt và gia súc Úc tổ chức Hội nghị tổng kết báo cáo kết quả thực hiện Dự án “Nâng cao phúc lợi động vật tại Việt Nam”.
Tham dự hội nghị có đại diện: Cục Thú y, các đơn vị trực thuộc; Chi cục Chăn nuôi và Thú y một số tỉnh, thành; Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh; Đại sứ quán Úc; các Hiệp hội về Phúc lợi động vật tại Việt Nam; Nhà máy Z121 – Tổng cục Công nghiệp quốc phòng.
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Thú y nhấn mạnh: việc đối xử nhân đạo với động vật trong quá trình chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ là nhằm hiện thực hóa các quy định của Luật Thú y năm 2015, Luật Chăn nuôi năm 2018 và để tuân thủ theo quy định của các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc đã ký kết liên quan đến vấn đề nhân đạo động vật. Và cũng là tiền đề để động vật, sản phẩm động vật của Việt Nam được xuất khẩu sang các nước có quy định nghiêm ngặt về phúc lợi động vật.
Luật Thú y năm 2015 yêu cầu tổ chức, cá nhân giảm thiểu đau đớn, sợ hãi, đối xử nhân đạo với động vật trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, vận chuyển, giết mổ, tiêu hủy, phòng bệnh, chữa bệnh và nghiên cứu khoa học; Luật Chăn nuôi năm 2018 quy định cơ sở giết mổ động vật phải đối xử nhân đạo với động vật trong quá trình giết mổ, có nơi lưu giữ động vật bảo đảm vệ sinh; cung cấp nước uống phù hợp với động vật trong thời gian chờ giết mổ; hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho động vật; không đánh đập, hành hạ động vật; có biện pháp gây ngất động vật trước khi giết mổ; không để động vật chứng kiến đồng loại bị giết mổ.
Những quy định trên là sự tiến bộ lớn trong xây dựng pháp luật mang đậm tính nhân văn, nhân đạo của con người đối xử với động vật. Trước đây, có tình trạng đập đầu gia súc rồi giết mổ. Cách giết mổ này vừa tốn công sức, vừa gây nguy hiểm cho người thực hiện vì phản ứng của động vật; giết mổ khi động vật còn sống sẽ gây đau đớn, ảnh hưởng lớn đến hệ thần kinh, gây ra việc cơ bị co rút, dẫn đến sản phẩm thịt bị giảm chất lượng. Việc gây ngất động vật trước khi giết mổ sẽ làm động vật rơi vào trạng thái ngất tạm thời, sau đó mới tiến hành giết mổ. Bởi ngoài vấn đề nhân đạo, việc giết mổ như trên giúp sản phẩm thịt chất lượng hơn, an toàn lao động cho người giết mổ và nâng cao năng suất lao động.
 Đối xử nhân đạo với động vật trong chăn nuôi, vận chuyển và giết mổ_hình 1.png
Các đại biểu đại diện các đơn vị tham dự hội nghị

Các đại biểu được nghe các báo cáo: Tổng quan các hoạt động của Dự án Nâng cao phúc lợi động vật tại Việt Nam giữa Cục Thú y và Hiệp hội thịt và gia súc Úc; Báo cáo về công tác xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia về phúc lợi động vật trong vận chuyển, giết mổ trâu bò tại Việt Nam (TCVN 13904-1:2023 - PHÚC LỢI ĐỘNG VẬT – VẬN CHUYỂN – PHẦN 1: TRÂU, BÒ; TCVN 13905-1:2023 - PHÚC LỢI ĐỘNG VẬT – GIẾT MỔ – PHẦN 1: GIA SÚC); Báo cáo về công tác xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia về phúc lợi động vật trong chăn nuôi tại Việt Nam (TCVN 14264-1:2024 - PHÚC LỢI ĐỘNG VẬT – CHĂN NUÔI –PHẦN 1: TRÂU, BÒ).
Ông Lê Đức Hạnh Phó Giám đốc Nhà máy Z121 – Tổng cục Công nghiệp quốc phòng trình bày về kết quả đánh giá hiệu quả sử dụng thiết bị gây choáng sử dụng hạt tạo áp hỗ trợ cho việc đối xử nhân đạo với động vật tại cơ sở giết mổ động vật tại Việt Nam; Báo cáo xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia yêu cầu đối với thiết bị gây choáng gia súc sử dụng tại các cơ sở giết mổ động vật tại Việt Nam.
Đối xử nhân đạo với động vật trong chăn nuôi, vận chuyển và giết mổ_hình 2.png
Thiết bị gây choáng sử dụng hạt tạo áp

Các đại biểu dự hội nghị trao đổi về việc sử dụng các thiết bị gây choáng động vật thay cho việc dùng búa hoặc kẹp điện kể gây ngất động vật trước khi giết mổ là cần thiết để đảm bảo phúc lợi động vật, an toàn lao động và chất lượng sản phẩm động vật sau giết mổ. Đồng thời, trong thời gian tới sẽ ứng dụng các thiết bị gây choáng vào việc tiêu hủy động vật trong công tác chống dịch bệnh trên động vật.
Cục Thú y báo cáo về kết quả tuyên truyền, nâng cao kiến thức và thực hành tốt về phúc lợi động vật tại Việt Nam cho cán bộ thú y của hệ thống cơ quan chuyên ngành chăn nuôi thú y và tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi, vận chuyển và giết mổ trâu bò; Kết quả xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về cơ sở giết mổ, đàn gia súc và truy xuất nguồn gốc sản phẩm có nguồn gốc động vật (http://quanlygiasuc.vn). Hệ thống giúp việc quản lý thông tin kiểm soát hoạt động giết mổ động vật tại Việt Nam: bao gồm trang web và 01 ứng dụng trên điện thoại để quản lý cơ sở giết mổ, đàn gia súc và truy xuất nguồn gốc sản phẩm có nguồn gốc động vật.
Tống Thanh Lộc - Chi cục Chăn nuôi và Thú y
 
 

Các tin khác

Một cửa điện tử

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Thắng - Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​