Theo số liệu của cơ quan Thú y từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình dịch bệnh trên cả nước: Dịch tả heo Châu Phi (DTHCP) đã xuất hiện tại 410 xã thuộc 40 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 17.400 con (tăng 53,74% so với cùng kỳ năm 2023); 44 xã của 13 tỉnh, thành phố đã có dịch Lở mồm long móng (LMLM); 34 tỉnh, thành phố đã phát hiện động vật nghi mắc bệnh Dại; trên 60 xã của 09 tỉnh có dịch Viêm da nổi cục (VDNC); 7 tỉnh đã xảy ra Cúm gia cầm (CGC) A/H5N1, buộc tiêu hủy trên 12.000 con gia cầm, đặc biệt đã có 01 người chết vì nhiễm vi rút CGC A/H5N1 và 01 người nhiễm vi rút CGC A/H9N2.
Riêng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm 2024 đến nay, bệnh DTHCP đã xảy ra 02 ổ dịch tại 02 xã, thuộc 02 huyện Trảng Bom, Vĩnh Cửu, tiêu hủy 23 con heo bệnh, chết (giảm 75% so với cùng kỳ năm 2023); bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) xảy ra 02 ổ dịch trên bò tại xã Đắk Lua, huyện Tân Phú, số bò bệnh 02 con/05 con tổng đàn, (02 con bê bệnh chưa tiêm phòng vắc xin VDNC). Và nhất là bệnh Dại động vật diễn biến rất phức tạp, từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra 21 ca bệnh Dại trên chó tại địa bàn 18 xã, thị trấn của 06 huyện (Định Quán, Long Thành, Nhơn Trạch, Thống Nhất, Trảng Bom, Vĩnh Cửu) tiêu huỷ 24 con chó bệnh; dịch bệnh tăng rất mạnh (tăng 600% so với cùng kỳ năm 2023) đứng đầu cả nước về số ổ dịch bệnh Dại động vật; đặc biệt là xảy ra 01 ca Dại ở người trên địa bàn huyện Định Quán.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên gia súc gia cầm, UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống dịch, gần đây nhất là triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, ngăn ngừa bệnh truyền lây từ động vật sang người của UBND tỉnh tại Văn bản số 7283/UBND-KTN ngày 25/6/2024 về triển khai Công điện số 58/CĐ-TTg ngày 16/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ và Văn bản số 7476/ UBND-KTN ngày 27/6/2024 về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh Cúm gia cầm, tập trung tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Trong đó, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác chỉ đạo huy động các nguồn lực của địa phương để xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh…, thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển động vật bệnh, vứt xác động vật chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về nguy cơ xảy ra dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học; xây dựng các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Bên cạnh đó, ngành chuyên môn Thú y tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp để bảo đảm các nguồn lực tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật, ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật. Chỉ đạo lực lượng thú y tại cơ sở bám sát địa bàn, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.
Lấy mẫu giám sát lưu hành vi rút trên bò chăn nuôi nông hộ xã Lộc An, huyện Long Thành
Lấy mẫu giám sát lưu hành vi rút trên gia cầm nông hộ tại xã Cẩm Đường, huyện Long Thành
Trước bối cảnh dịch bệnh động vật trên cả nước vẫn đang diễn biến phức tạp cộng với thời tiết thay đổi bất thường là môi trường thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát, lây lan trên đàn vật nuôi. Do vậy, ngành Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động theo dõi chặt chẽ, tăng cường cung cấp dinh dưỡng, tiêm phòng dịch bệnh, thường xuyên sát trùng, vệ sinh chuồng trại; đặc biệt, cần báo ngay cho các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở khi phát hiện dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Nguyễn Thị Pha My-Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai