​Vi phạm về sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất có thể bị xử phạt lên đến 800 triệu đồng

Ngày 4/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (bao gồm: hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện), hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản, đối tượng bị xử phạt và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai bao gồm vi phạm trong sử dụng đất và vi phạm trong thực hiện dịch vụ về đất đai.
 vi phạm về sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất có thể bị xử phạt lên đến 800 triệu đồng_hình 1.jpg
Rừng phòng hộ đầu nguồn tại huyện Định Quán
 
Sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang loại đất khác trái phép bị phạt tới 400 triệu đồng
Theo đó, Nghị định quy định cụ thể mức phạt đối với từng trường hợp sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang loại đất khác mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Cụ thể, hành vi chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang loại đất khác trong nhóm đất nông nghiệp bị phạt tiền từ 2 - 30 triệu đồng, tuỳ theo diện tích vi phạm.
- Hành vi chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang đất phi nông nghiệp (không phải là đất ở) thuộc địa giới hành chính của xã bị phạt từ 3 - 150 triệu đồng, tuỳ theo diện tích vi phạm
- Hành vi chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang đất ở thuộc địa giới hành chính của xã bị phạt từ 10 - 200 triệu đồng, tuỳ theo diện tích vi phạm
Nghị định quy định hành vi chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất phi nông nghiệp thuộc địa giới hành chính của phường, thị trấn thì hình thức và mức xử phạt bằng 2 lần mức phạt tương ứng với quy định trên.
Bên cạnh việc xử phạt vi phạm hành chính bằng phạt tiền, các đối tượng vi phạm còn phải thực hiện việc khắc phục hậu quả: buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 139 Luật Đất đai; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Hành vi lấn đất, chiếm đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản bị phạt tới 400 triệu đồng
vi phạm về sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất có thể bị xử phạt lên đến 800 triệu đồng_hình 2.jpg
Rừng ngập mặn tại Nhơn Trạch
 
Theo đó, Nghị định quy định cụ thể mức phạt đối với các hành vi lấn đất hoặc chiếm đất, gồm:
- Hành vi lấn đất hoặc chiếm đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước đã quản lý, được thể hiện trong hồ sơ địa chính thuộc địa giới hành chính của xã hoặc các văn bản giao đất để quản lý thì hình thức và mức xử phạt từ 3 - 200 triệu, tuỳ theo diện tích vi phạm.
- Hành vi lấn đất hoặc chiếm đất nông nghiệp (không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất) không thuộc trường hợp quy định trường hợp nêu trên mà thuộc địa giới hành chính của xã thì hình thức và mức xử phạt từ 3 – 200 triệu đồng
- Hành vi lấn đất hoặc chiếm đất nông nghiệp là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất không thuộc trường hợp quy định nêu trên mà thuộc địa giới hành chính của xã thì hình thức và mức xử phạt từ 5- 200 triệu.
Nghị định quy định hành vi lấn đất hoặc chiếm đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất thuộc địa giới hành chính của phường, thị trấn thì hình thức và mức xử phạt bằng 2 lần mức phạt tương ứng với quy định trên.
Bên cạnh việc xử phạt vi phạm hành chính bằng phạt tiền, các đối tượng vi phạm còn phải thực hiện việc khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm (bao gồm cả việc khôi phục lại ranh giới và mốc giới thửa đất), trừ trường hợp đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc thuộc trường hợp được tạm thời sử dụng đất cho đến khi Nhà nước thu hồi đất quy định tại Điều 139 Luật Đất đai; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Các mức tiền phạt nêu trên được áp dụng với trường hợp vi phạm là cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm hành chính.
vi phạm về sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất có thể bị xử phạt lên đến 800 triệu đồng_hình 3.jpg
Rừng tự nhiên tại Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hoá Đồng Nai
 
Thẩm quyền xử phạt xử phạt vi phạm hành chính tại địa phương, gồm có: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp ( tỉnh, huyện, xã); Trưởng Đoàn Thanh tra chuyên ngành do Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường thành lập; Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường; Chánh thanh tra tỉnh.
Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính gồm: Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; Trưởng Đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra do Chánh Thanh tra cấp tỉnh thành lập, công chức làm công tác địa chính cấp xã; công chức, viên chức thuộc cơ quan có chức năng quản lý đất đai các cấp đang thi hành công vụ; Công chức, viên chức kiểm lâm đang thi hành công vụ được lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm liên quan đến đất lâm nghiệp.  Nghị định này có hiệu lực kể từ gày 4 tháng 10 năm 2024.
Nguyễn Văn Đều - Sở Nông nghiệp và PTNT
 
 
 

Các tin khác

Một cửa điện tử

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Thắng - Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​