Thống nhất không tiếp tục thực hiện sáp nhập các Ban Quản lý rừng phòng hộ trực thuộc Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Ngày 26/10/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai có Kết luận số 287-KL/TU về phương án sắp xếp các Ban quản lý rừng trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Kết luận thống nhất không tiếp tục thực hiện sáp nhập các Ban Quản lý rừng phòng hộ trực thuộc Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo Kế hoạch số 177-KH/TU ngày 16/4/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Thực hiện Kế hoạch số 177-KH/TU ngày 16/4/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; trong đó có nội dung giao Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy các Ban Quản lý rừng phòng hộ trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gồm: thực hiện sáp nhập Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú và Ban Quản lý rừng phòng hộ 600 thành Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú (giai đoạn 01); thực hiện hợp nhất 03 Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc, Tân Phú và Long Thành thành Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Nai (giai đoạn 02).
Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở ngành liên quan sát nhập Ban Quản lý rừng phòng hộ 600 vào Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú theo Quyết định số 1101/QĐ-UBND ngày 12/4/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh (giai đoạn 1). Sau khi sáp nhập Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú và Ban Quản lý rừng phòng hộ 600 thành Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú, các tổ chức phòng, ban chuyên môn, các tổ chức đảng, đoàn thể, viên chức, người lao động của 02 đơn vị đã được sắp xếp, kiện toàn lại. Tuy nhiên, bên cạnh việc giảm được các đầu mối đơn vị, giảm số lượng lãnh đạo, bộ phận hỗ trợ phục vụ nhưng phát sinh nhiều khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ như: Các tổ chức đảng, đoàn thể chuyển về trực thuộc huyện Định Quán, không thuộc huyện Tân Phú nên ảnh hưởng đến công tác phối hợp theo chỉ đạo của các cơ quan, đơn vị huyện Tân Phú; khoảng cách giữa các phân trường và các khu điều hành khá xa nên ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, quản lý và trong xử lý các vụ việc phát sinh… Từ đó đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động và kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của đơn vị.
Hiện nay, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp được Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho 3 Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú, Xuân Lộc, Long Thành khoảng 36.300 hécta được phân bố rải rác tại các địa phương gồm: Long Thành, Nhơn Trạch, Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán… Do đó, Văn phòng làm việc của 03 Ban Quản lý cũng cách nhau rất xa (trên 80km). Đồng thời, điều kiện thổ nhưỡng của khu vực quản lý của mỗi Ban Quản lý rừng cũng khác nhau (Ban Quản lý rừng Nhơn Trạch thì hầu hết là vùng đất ngập nước, Ban Quản lý rừng Tân Phú, Xuân Lộc thì đất rừng…) nên đội ngũ nhân sự chuyên môn cũng yêu cầu khác nhau, cách thức quản lý, giám sát cũng khác nhau…
Với hiện trạng thực tế của Ban Quản lý rừng và những khó khăn, vướng mắc trong thời gian vừa qua của Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú (sau khi đã sáp nhập Ban Quản lý rừng 600); dẫn đến một số khó khăn khi thực hiện sáp nhập 03 Ban Quản lý rừng nói trên, cụ thể như sau:
- Thứ nhất, khó khăn trong công tác chỉ đạo điều hành: Do các khu vực quản lý nằm rải rác tại các địa phương khác nhau dẫn đến công tác chỉ đạo điều hành và xử lý các sự việc phát sinh không kịp thời; khó khăn trong công tác theo dõi, giám sát kết quả thực hiện nhiệm vụ của lãnh đạo đơn vị.
- Thứ hai, khó khăn trong công tác bảo vệ rừng: với diện tích rừng rộng, khoảng cách địa lý ở các địa phương khác nhau nên sau khi sáp nhập sẽ khó khăn trong công tác phối hợp quản lý bảo vệ rừng, nhất là công tác phòng cháy chữa cháy rừng tại các địa phương.
- Thứ ba, ảnh hưởng đến việc giải quyết các thủ tục pháp lý của các hộ dân nhận khoán trên đất lâm nghiệp: Số hộ dân nhận khoán trên đất lâm nghiệp tại 03 Ban quản lý rừng hiện nay là rất lớn (khoảng 5.569 hộ dân). Việc sáp nhập lại thì trụ sở chính của đơn vị (giữ con dấu) sẽ cố định tại một khu vực nên sẽ gây khó khăn cho các hộ dân nhận khoán ở các địa phương, khu vực khác khi liên hệ với Ban Quản lý rừng để giải quyết các thủ tục có liên quan và các loại giấy tờ khác phát sinh trong đời sống xã hội của người dân trong lâm phận và xung quanh lâm phận.
Từ những cơ sở trên, căn cứ Tờ trình số 41-TTr/TU ngày 19/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương án sắp xếp các Ban Quản lý rừng trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh kết luận thống nhất không tiếp tục thực hiện sáp nhập các Ban Quản lý rừng phòng hộ trực thuộc Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo Kế hoạch số 177-KH/TU ngày 16/4/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Nguyễn Thương – Phòng Tổ chức Cán bộ
 
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​