Cà phê vàng lá do thời tiết bất lợi - cách xử lí thông minh

LTS: Mưa nắng thất thường, bộ rễ yếu dẫn đến cà phê khó hấp thu dinh dưỡng; Chăm sóc chưa đúng, chưa hiểu hết được các điều kiện bất lợi gây ra cho vườn cà phê; Vườn cà phê bị vàng lá và rụng trái non, khiến cà phê giảm năng suất, gây thất thu,… là những thực tế nhà vườn Tây Nguyên đang đối mặt. Vậy giải pháp nào cho tình hình này? Nhà vườn cần xử lí ra sao để vừa ít tốn chi phí vừa giúp canh tác cà phê bền vững.... Nội dung được các nhà khoa học phân tích, giải đáp, và khuyến cáo bà con cần thực hiện ngay.
Theo TS. Trương Hồng - Nguyên Quyền Viện Trưởng Viện KHKT Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cà phê vàng lá và rụng trái non: Do thiếu dinh dưỡng; Do ảnh hưởng của các yếu tố thời tiết bất thuận trong mùa mưa; Do cây cà phê bị thối rễ; Hay cây cà phê bị vàng lá sau khi bón phân hóa học. Để định hướng giải pháp xử lý kịp thời và hiệu quả, bà con cần xác định đúng nguyên nhân vàng lá và rụng trái non trên cây cà phê. Trong bài viết kỳ này, chúng tôi sẽ giới thiệu đến bà con giải pháp xử lý thông minh cho trường hợp xuất hiện triệu chứng vàng lá cây cà phê do ảnh hưởng của các yếu tố thời tiết bất thuận trong mùa mưa.
Tại Đắk Lắk, một trong những địa phương có diện tích trồng cà phê lớn nhất nước, những năm gần đây việc canh tác cà phê trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Nguyên nhân do giá cà phê giảm sâu, và sự ảnh hưởng của tình hình biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt. Sự thất thường của thời tiết, khiến hiện tượng mưa kéo dài, dễ gây cho rễ cây bị thiếu oxy, từ đó, cây cà phê sẽ không hút được dinh dưỡng. Vì vậy, cây dễ xuất hiện triệu chứng vàng lá, đặc biệt là vàng lá do thiếu đạm, gây rụng trái. Hay trong mùa mưa nhưng có thời kỳ nắng hạn kéo dài, vào giai đoạn từ tháng 6 – 9, độ ẩm đất thấp sẽ khiến cây không hút được dinh dưỡng để đáp ứng cho nhu cầu của cây. Cây cà phê, vì vậy, cũng rất dễ bị vàng lá (chủ yếu do thiếu đạm (N)) và gây rụng trái non. Triệu chứng điển hình của cây cà phê bị vàng lá do thiếu đạm là lá già bị vàng đầu tiên (bao gồm cả gân lá), nếu bị thiếu nặng cây cà phê sẽ bị vàng toàn bộ lá, sinh trưởng chậm lại. Cây cà phê bị thiếu đạm khi phát hiện bằng mắt thì hàm lượng đạm (N) trong lá từ 1,3 - 1,8%.
Chia sẻ kinh nghiệm về cách chăm sóc vườn cà phê hơn 30 năm tuổi của mình, ông Nguyễn Văn Trích, ngụ Xã Cư Suê, Huyện Cư M’gar, Tỉnh Đăk Lăk cho biết, vào mùa mưa, nếu nhà vườn nào không chú ý hoặc có ít kinh nghiệm, thì quá trình chăm sóc sẽ dễ khiến cây cà phê bị rụng trái non hoặc vàng lá vì bón phân không hợp lí. Riêng với vườn cà phê nhà ông, dù thời tiết khắc nghiệt, khô hạn kéo dài có lúc lên đến hơn 10 ngay thì vườn cà phê vẫn rất tốt, lá và quả đều xanh tươi. Tất cả là nhờ vào việc ông luôn tuân thủ việc bón phân cân đối, kết hợp phân hữu cơ và phân NPK chuyên dùng có bổ sung trung vi lượng một cách hợp lí, đúng vào từng thời kì sinh trưởng của cà phê.
Chia sẻ bí quyết cụ thể, Ông Trích nói: “Từ suốt từ năm thứ 4 đến giờ sản lượng cà phê của tôi thì năm nào cũng giữ được sản lượng  từ 3,5 tấn đến 4,2 tấn và đến hiện tại bây giờ cây cà phê của tôi cũng được 30 năm rồi. Thế nhưng cái lá của nó lúc nào cũng giữ được độ xanh. Vì tại sao, là do thế này này, vì tôi nắm bắt được vào kỹ thuật, cái thứ nhất là mình kiểm tra chất đất , xem đất của mình thiếu cái gì, thừa cái gì thì mình đầu tư cho nó cân đối. Thực tế thì vườn cà phê đây năm nào nó cũng giữ được cả màu xanh của nó. Như bây giờ, hiện tại là thời điểm này, khô hạn rất là lâu rồi, cả chục ngày nay. Nhưng mà, so với người ta so với vườn tôi thì lá của nó vẫn giữ được màu xanh, quả của nó vẫn giữ được tốt. Không có hiện tượng vàng quả hoặc là cành khô, lá vàng. Bí quyết là trong quá trình tôi bỏ phân (bón phân-pv) thì cứ hai năm tôi bỏ một lần phân hữa cơ. Tôi đi mua phân về tôi ủ vỏ cà (cà phê-pv) hằng năm là được 3,5 tấn – 4 tấn. Cà nhân thì khối lượng vỏ cà nó được nhiều, thì tôi mua ít phân chuồng về tôi ủ… Thứ hai là tôi bỏ phân Bình Điền cho cả vụ cà”.
Theo các nhà khoa học, trong mùa mưa, cây cà phê cần rất nhiều dinh dưỡng để phát triển hệ cành dự trữ cho vụ sau, cho việc tăng thể tích quả và tích lũy chất khô của hạt cà phê nhân. Nếu trong mùa mưa, vào giai đoạn từ tháng 6 – 9 có thời kỳ nắng hạn dài, độ ẩm đất thấp, cây không hút được dinh dưỡng để đáp ứng cho nhu cầu của cây nên lá sẽ bị vàng (chủ yếu do thiếu đạm (N)) và gây rụng trái non. Ngoài ra, trong mùa mưa, nếu gặp phải số ngày mưa kéo dài, đất luôn ở trạng thái thừa ẩm, rễ cây bị thiếu oxy thì cây cà phê sẽ không hút được dinh dưỡng, vì vậy cây cũng sẽ dễ xuất hiện triệu chứng vàng lá, đặc biệt là vàng lá do thiếu đạm, gây rụng trái.
TS. Trương Hồng – Nguyên Quyền Viện Trưởng Viện KHKT Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên cho biết, giải pháp xử lý cho hiện tượng vàng lá, rụng trái non trên cây cà phê do nguyên nhân nắng hạn kéo dài trong mùa mưa, nhà vườn cần bón phân cho cà phê đầy đủ các yếu tố đa lượng phù hợp với giai đoạn sinh lý và tưới nước đảm bảo độ ẩm thích hợp giúp rễ hút được dinh dưỡng cung cấp cho cây; hoặc có thể bổ sung dinh dưỡng cho cây bằng cách phun qua lá các sản phẩm chứa đầy đủ dinh dưỡng đáp ứng cho yêu cầu của cây trong giai đoạn này, yêu cầu phun ít nhất 2 – 3 lần cách nhau 15 – 20 ngày; sau đó bón phân vào đất để cung cấp cho cây một cách ổn định.
Riêng với triệu chứng cây cà phê bị vàng lá, rụng trái non do mưa kéo dài thì giải pháp xử lý là nhà vườn cần bón phân (vô cơ) cho cà phê ngay sau khi dứt mưa và đất đã đảm bảo độ ẩm phù hợp giúp cho rễ cà phê thực hiện được chức năng hút dinh dưỡng tốt. Lượng phân bón bằng 50% so với bình thường; sau đó khoảng 15 – 20 ngày bón thêm 50% lượng phân còn lại của đợt bón theo khuyến cáo; hoặc có thể bổ sung dinh dưỡng cho cây bằng cách phun qua lá các sản phẩm chứa đầy đủ dinh dưỡng đáp ứng cho yêu cầu của cây trong giai đoạn này, yêu cầu phun ít nhất 2 lần cách nhau 15 – 20 ngày, sau đó bón phân vào đất.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng khuyến cáo, với những đặc điểm bất lợi của thời tiết do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các chủ vườn cà phê muốn đạt năng suất hiệu quả cao đòi hỏi việc chăm sóc phải có sự vận dụng linh hoạt tùy điều kiện của từng vùng, từng vườn cụ thể. Nên chú trọng chọn chế độ bón cân đối phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh, kết hợp NPK chuyên dùng có bổ sung trung vi lượng. Đặc biệt, trong mùa mưa nên ưu tiên sử dụng các dòng phân bón chuyên dùng cho cà phê của các đơn vị uy tín như nhãn hiệu phân bón Đầu Trâu với tỷ lệ thành phần NPK 2:1:2 và bổ sung các loại vi lượng thông minh để đảm bảo năng suất, hiệu quả kinh tế và bền vững trong sản xuất.
Hồng Huệ
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​