​Quản lý nước thông minh cho lúa

Trong canh tác lúa, quản lý nước đóng vai trò quan trọng. Hiện nay, hầu hết nông dân đều nắm vững kỹ thuật quản lý nước theo phương pháp “ngập khô xen kẽ”. Và chính từ những hiệu quả thực tế mà phương pháp này mang lại đã giúp bà con dần thay đổi tập quán trong cách quản lý nước cho ruộng lúa để mang về năng suất cao.
Tưới “ướt khô xen kẽ” là kỹ thuật quản lý nước của Viện lúa Quốc tế IRRI và được ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con thực hiện trong canh tác lúa. Theo đó, khi áp dụng, kỹ thuật này sẽ giúp mang lại nhiều lợi ích. Đó là, bộ rễ cây lúa ăn sâu vào tầng canh tác, huy động được nhiều dinh dưỡng, lúa cứng cây ít đổ ngã, ít nhiễm bệnh, giảm chi phí, năng suất cao hơn tưới ngập thường xuyên, đặc biệt là giảm ô nhiễm môi trường, và phát thải khí nhà kính.
Theo đó, cây lúa không phải lúc nào cũng cần ngập nước và chỉ cần bơm nước vào ruộng cao tối đa là 5cm.
-Trong tuần đầu tiên sau khi sạ, giữ mực nước ruộng từ bão hòa đến cao khoảng 1 cm. Mức nước trong ruộng sẽ được giữ cao khoảng 1 - 3 cm theo giai đoạn phát triển của cây lúa và giữ liên tục cho đến bón phân lần hai (khoảng 20 - 25 ngày sau khi sạ), giai đoạn này nước là nhu cầu thiết yếu để cây lúa phát triển. Giữ nước trong ruộng ở giai đoạn này hạn chế sự mọc mầm của các loài cỏ (có nước làm môi trường thành yếm khí, hạt cỏ sẽ không mọc được). Cần sử dụng thuốc trừ cỏ phù hợp trong giai đoạn này.
-Giai đoạn từ 25 - 40 ngày sau khi sạ là giai đoạn lúa đẻ nhánh rộ và tối đa, phần lớn chồi vô hiệu thường phát triển trong giai đoạn này nên chỉ cần nước vừa đủ. Giữ mực nước trong ruộng từ bằng mặt đất đến thấp hơn mặt đất 15 cm (đặt ống nhựa có đục lỗ bên hông, bên trong có chia vạch 5 cm để theo dõi). Khi nước xuống thấp hơn vạch 15 cm thì bơm nước vào ngập tối đa 5 cm so với mặt đất ruộng. Khi nước hạ từ từ dưới vạch 15 cm thì bơm nước vào tiếp. Cách điều tiết nước này sẽ làm phơi lộ mặt ruộng vì vậy được gọi là tưới “ướt khô xen kẽ”.
Mực nước dưới mặt đất càng xa (nhưng không thấp hơn 15 cm so với mặt đất) sẽ giúp rễ lúa ăn sâu vào trong đất, chống đổ ngã và dễ thu hoạch.
-Ở giai đoạn lúa 25 - 40 ngày, lá lúa phát triển giáp tán, hạt cỏ có nảy mầm cũng không phát triển và cạnh tranh với cây lúa. Đây cũng là giai đoạn cây lúa rất dễ bị bệnh khô vằn tấn công, mực nước không cao làm hạch nấm khô vằn sẽ không phát tán trong ruộng, bệnh ít lây lan.
-Giai đoạn lúa 40 - 45 ngày sau sạ, đây là giai đoạn bón phân lần 3 (bón thúc đòng hay bón đón đòng). Lúc này cần bơm nước vào khoảng 1 - 3 cm trước khi bón phân nhằm tránh ánh sáng làm phân hủy và phân bị bốc hơi, đặc biệt là phân đạm.
-Giai đoạn lúa từ 60 - 70 ngày sau sạ, đây là giai đoạn lúa trỗ nên cần giữ mực nước trong ruộng cao 3 - 5 cm liên tục trong khoảng 10 ngày để đủ nước cho cây lúa trỗ và thụ phấn dễ dàng, hạt lúa không bị lép, lửng.
-Cây lúa 70 ngày đến thu hoạch là giai đoạn lúa ngậm sữa, chắc và chín nên chỉ cần giữ mực nước từ bằng mặt đất đến thấp hơn mặt đất 15 cm (khi cần thiết thì bơm nước vào thêm). Lưu ý phải “xiết” nước 10 ngày trước khi thu hoạch để mặt ruộng được khô ráo, dễ áp dụng bằng máy gặt.
Ngoài ra, tại một số tỉnh có điều kiện canh tác khó khăn, mặn ngọt đan xen, phải chịu tác động của phèn, mặn thường xuyên như Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu… việc bơm tát, quản lý nước gặp rất nhiều trở ngại. Ngành chức năng nơi đây đã phối hợp với các đơn vị liên quan lắp đặt hệ thống quan trắc theo dõi lưu lượng nước, chỉ số pH, độ mặn và mực nước trên mặt ruộng. Hệ thống quan trắc còn được kết nối với điện thoại thông minh giúp bà con biết được diễn biến chất lượng nước và đưa ra những quyết định về thời điểm gieo sạ, bón phân, để cây lúa phát triển tốt, cho năng suất cao.
Hiện tại, 2 huyện Gò Quao và Hòn Đất, nơi có điều kiện canh tác khó khăn của tỉnh Kiên Giang, những trạm quan trắc do Công ty CP Phân bón Bình Điền tài trợ cho ngành nông nghiệp tỉnh này đã được triển khai thực hiện. Vì vậy, giờ đây, việc canh tác của bà con đã được cải thiện và thuận lợi rất nhiều. Thậm chí, bà con chỉ cần ngồi nhà bấm điện thoại là có thể biết và điều tiết mực nước trên mặt ruộng. Việc quản lý nước, tưới tiêu bằng cách ngập khô xen kẽ trong canh tác lúa trên vùng nhiễm mặn trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Theo các nhà khoa học, trong canh tác lúa, đặc biệt là tại những vùng đất khó, việc đưa tiến bộ khoa học vào canh tác rất cần thiết. Để đạt năng suất tối đa, quá trình sản xuất bà con cần áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật trong từng khâu canh tác. Đặc biệt, chế độ phân bón rất quan trọng, bà con nên chọn bón cân đối các thành phần đa, trung và vi lượng, bón đúng giai đoạn sinh trưởng của cây. Cụ thể, quy trình bón như sau:
Giai đoạn trước khi gieo sạ, bón lót phân chuyên dùng Đầu Trâu Mặn Phèn, với lượng bón 100 – 160 kg/ha
Giai đoạn 7-10 ngày sau sạ, bón thúc 1, phân Đầu Trâu TEA1, lượng bón 100-150kg/ha
Giai đoạn 18-22 ngày sau sạ, bón thúc 2, phân Đầu Trâu TEA1, lượng bón 120-150 kg/ha
Giai đoạn 38-42 ngày sau sạ, bón thúc 3, phân Đầu Trâu TEA2, lượng bón 80-100 kg/ha

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​