Quan tâm phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao
Theo Vụ Khoa học Công nghệ – Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, nông nghiệp công nghệ cao “là nền nông
nghiệp được áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, bao gồm: công
nghiệp hóa nông nghiệp (cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất), tự
động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh
học và các giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất và chất lượng
cao, đạt hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích và phát triển
bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ”. Trong thời gian vừa qua, phát
triển ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao đã được các
cấp, ngành và địa phương đặc biệt quan tâm chỉ đạo, triển khai thực
hiện, bước đầu đã mang lại nhiều kết quả khá quan trọng, đóng góp to lớn
vào sự tăng trưởng, phát triển của ngành nông nghiệp. Một số kết quả
tiêu biểu có thể kể đến như:
- Về trồng trọt: 100% diện tích trồng
mới và tái canh đã sử dụng các giống mới, giống có chất lượng cao; gần
150 ha diện tích cây trồng ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới; bước
đầu triển khai ứng dụng phần mềm tra cứu thuốc bảo vệ thực vật, nhận
diện sâu bệnh hại và công nghệ Internet vạn vật (IoT).
- Về chăn nuôi: dịch chuyển từ sản xuất
nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại tập trung (trang trại chiếm 90% tổng
đàn); hiện có 21% trang trại chăn nuôi sử dụng chuồng lạnh, chuồng kín;
11,5% trang trại ứng dụng công nghệ tự động hóa trong chăn nuôi; gần 90 %
trang trại chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn;
ứng dụng phương pháp Elisa để xét nghiệm các bệnh trên gia súc, gia cầm
phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh; các cơ sở giết mổ tập trung
đã trang bị hệ thống dây chuyền giết mổ gia súc, gia cầm treo để đảm
bảo kiểm soát tốt An toàn thực phẩm trong quá trình giết mổ; khoảng 45%
tổng đàn heo, 31% tổng đàn gà của các doanh nghiệp được truy xuất nguồn
gốc.
- Về thủy sản: tỷ lệ giá trị sản phẩm
thủy sản chủ lực (cá, tôm) sản xuất theo quy trình an toàn đạt gần 60%;
một số mô hình nuôi tôm thâm canh tiếp tục được triển khai nhân rộng với
diện tích đến nay là 333 ha.
- Về lâm nghiệp: xuất hiện một số mô
hình nông lâm kết hợp của một số hộ dân nhận khoán cho hiệu quả kinh tế
cao; mô hình trồng cây lâm nghiệp xen cây có múi, hồ tiêu.
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được xác định là nhiệm vụ đột phá
Trong nhiệm kỳ 2020 -2025, phát triển
nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ là một
trong 04 nhiệm vụ đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XI
Đảng bộ tỉnh Đồng Nai. Để cụ thể hóa nội dung này, Ban chấp hành Đảng bộ
tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 110-KH/TU ngày 31/12/2021 về “Phát triển
nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn
với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn
tỉnh Đồng Nai đến năm 2025”. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành các
chương trình, kế hoạch thực hiện giai đoạn 2021 – 2025, như: Chỉ thị về
phát triển nông nghiệp hữu cơ, Chỉ thị về phát triển nông nghiệp ứng
dụng công nghệ cao; Kế hoạch phát triển công nghiệp sinh học ngành nông
nghiệp đến năm 2030; Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển nghiên
cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp; Chương trình
quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) giai đoạn 2021-2025; Chính sách về hỗ
trợ sản xuất an toàn,…
Chiết xuất thảo dược để nghiên cứu ứng dụng thay thế kháng sinh trong nông nghiệp
Tập trung triển khai giải pháp
Để nông nghiệp theo hướng ứng dụng công
nghệ cao thật sự là đòn bẩy đưa ngành nông nghiệp phát triển nhanh và
bền vững, trong thời gian tới cần tập trung triển khai thực hiện một số
giải pháp như sau:
(1) Quy hoạch và phát triển các vùng
sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, định
hướng đến năm 2025: hình thành 300 vùng sản xuất cây trồng với quy mô
gần 92.000 ha (trong đó 92 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ
cao với quy mô 18.830 ha); hình thành 21 vùng nuôi thủy sản với quy mô
862 ha (trong đó 06 vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao với quy mô 140
ha đối với các loại thủy sản chủ lực là cá, tôm); tiếp tục duy trì 07
vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện, phối hợp với Cục Thú y khảo sát và xây
dựng 3 vùng an toàn dịch bệnh đáp ứng tiêu chuẩn OIE phục vụ xuất khẩu.
(2) Triển khai thực hiện có
hiệu quả các chương trình, đề án, dự án phát triển nông nghiệp: Đề án
nghiên cứu khả thi phát triển bền vững nông nghiệp ứng dụng công nghệ
cao của Israel trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, tầm nhìn đến năm
2030; Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu
lại ngành nông nghiệp; Chương trình cơ giới hóa, giảm tổn thất sau thu
hoạch; Chương trình hỗ trợ áp dụng GAP; Chương trình khuyến nông; Chương
trình thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp;...
(3) Đào tạo lao động, nguồn nhân lực
Nâng cao chất lượng nguồn nhân
lực phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và chất lượng đội ngũ
cán bộ khoa học công nghệ ngành nông nghiệp để tạo cơ sở cho việc xây
dựng, hình thành các nhóm nghiên cứu trên một số lĩnh vực công nghệ cao
và trọng điểm của ngành nông nghiệp.
Tăng cường công tác bồi dưỡng
kiến thức, kỹ năng, đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ,
công chức, viên chức để có thể đáp ứng được các yêu cầu của quản lý nhà
nước trong bối cảnh hội nhập và trước xu thế phát triển nông nghiệp công
nghệ cao hiện nay.
Ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với Trường Đại học
Xây dựng các mô hình ứng dụng
các tiến bộ kỹ thuật mới, hiệu quả từ những chương trình dự án gắn với
chương trình thực hành của đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông
thôn trên từng địa bàn cho phù hợp với thực tiễn; khuyến khích và tạo
điều kiện cho doanh nghiệp tham gia tích cực vào công tác đào tạo nghề
và giải quyết việc làm sau khi đào tạo nghề.
(4) Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật
Thực hiện tốt việc nghiên cứu,
tuyển chọn, chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy
trình công nghệ mới vào sản xuất; đặc biệt là công nghệ trong chế biến,
bảo quản sản phẩm. Tập trung nghiên cứu và chuyển giao các giống cây
trồng, vật nuôi thích ứng tốt với biến đổi khí hậu; các kỹ thuật ra hóa,
đậu trái, chăm sóc sức khỏe vật nuôi trong điều kiện thời tiết nhiều
biến động. Lựa chọn các công nghệ phù hợp với trình độ dân trí và trình
độ kinh tế - xã hội của từng vùng miền cụ thể gắn với thị trường. Chuyển
giao các công nghệ phù hợp với từng địa phương, tạo ra chuỗi giá trị
nông sản thực phẩm bền vững. Duy trì các vùng nuôi, các sản phẩm đã
chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP; tiếp tục triển khai xây dựng mới các vùng
trồng, nuôi và các sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ
khoa học kỹ thuật mới, sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao,
chống chịu tốt vào trong quá trình sản xuất. Lấy khoa học và công nghệ
làm khâu then chốt để tạo đột phá, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Nghiên cứu các kỹ thuật, giải
pháp nâng cao quy mô sản xuất để tạo được sản phẩm nông nghiệp công nghệ
cao có số lượng nhiều, chất lượng đồng đều để có thể cạnh tranh trên
thị trường và đem lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất. Từ đó tạo
động lực, thu hút sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp, trang trại,
hợp tác xã, cơ sở sản xuất.
Phân lập vi khuẩn gây bệnh trên vật nuôi
(5) Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ
- Rà soát, hoàn thiện các
chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đầu tư phát
triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên cơ sở cụ thể hóa các quy
định của trung ương và phù hợp với điều kiện nguồn lực của địa phương
nhằm tạo ra sự đột phá trong việc đẩy nhanh ứng dụng công nghệ cao vào
sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, đồng thời tạo môi
trường thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất
nông nghiệp trong thời gian tới nhằm đóng vai trò dẫn dắt, hỗ trợ hợp
tác xã, nông dân phát triển chuỗi sản xuất nông nghiệp.
- Nghiên cứu đề xuất và xây
dựng cơ chế thí điểm để triển khai xây dựng các công trình phụ trợ trên
đất nông nghiệp nhằm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp các khu sản xuất
nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
(6) Tăng cường công tác tuyên
truyền, vận động người nông dân trong việc tham gia ứng dụng công nghệ
cao vào nông nghiệp, từng bước chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa quy trình
sản xuất. Chú trọng, triển khai công tác xúc tiến thương mại đối với
sản phẩm nông nghiệp của tỉnh cũng như các sản phẩm đã được chứng nhận
tiêu chuẩn VietGAP.
Nguyễn Thị Trúc Quyên