Quy trình chăn nuôi vịt siêu thịt VSM6 an toàn, hiệu quả

​Thực hiện chương trình Dự án Khuyến nông Trung ương năm 2021, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Gia cầm VIGOVA triển khai dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi vịt siêu thịt thương phẩm VSM6 an toàn, hiệu quả” tại tỉnh Đồng Nai. Đây là năm thứ hai liên tiếp, dự án triển khai tại tỉnh Đồng Nai. Nhằm trang bị kiến thức về chăn nuôi giống vịt VSM6 đạt hiệu quả, chúng tôi khuyến cáo bà con thực hiện tốt Quy trình chăn nuôi vịt siêu thịt VSM6 như sau:
A. CHUẨN BỊ CHUỒNG TRẠI
1. Yêu cầu chung về chuồng trại nuôi vịt
- Phù hợp với đặc điểm sinh lý của đàn vịt, cách xa khu dân cư, xa đường giao thông chính và các công trình công cộng. Trại cần có tường rào bao quanh, tạo vành đai cách ly. Khu vực xây trại đảm bảo cao ráo, thoáng mát, không bị mưa tạt, gió lùa. Có nguồn nước đảm bảo vệ sinh và đủ dùng. Có nguồn điện đảm bảo thường xuyên. Có diện tích để đảm bảo đúng mật độ nuôi.
- Thực hiện nguyên tắc “cùng vào cùng ra” để đảm bảo việc vệ sinh thú y.
2. Chuẩn bị về sinh chuồng trại trước khi đưa vịt vào nuôi
- Trước 2 tuần: Hoàn thành việc dọn dẹp, xịt rửa vệ sinh chuồng trại, thiết bị, sửa chữa nền chuồng, sân chơi, quây ngăn, bạt che…Tiến hành phun thuốc khử trùng lần 1. Sau đó mở bạt để chống chuồng nuôi.
- Trước 5 ngày xuống giống kiểm tra rà soát lại tất cả các thiết bị xem đã sạch sẽ, đầy đủ chưa, tiến hành rải độn chuồng phun khử trùng lần 2 sau đó mở bạt để chống chuồng.
- Trước 1 ngày xuống giống phun khử trùng lần 3 sau đó mở bạt để trống chuồng.
B. KỸ THUẬT NUÔI DƯỠNG
1. Mật độ nuôi
Tùy theo kiểu chuồng nuôi nhốt là chuồng nền hở, chuồng nền kín hay chuồng sàn mà bố trí mật độ nuôi như sau:
- Từ 0-1 tuần tuổi: 25-30, 30-35, 30-35 (con/m2nền chuồng);
- Từ 2-4 tuần tuổi: 6-10, 15-20, 15-20 (con/m2nền chuồng);
- Từ 5-6 tuần tuổi: 4-5, 7-8, 7-8 (con/m2nền chuồng);
- Lúc 7 tuần tuổi: 3-4, 4-6, 4-6 (con/m2nền chuồng).
2. Nhiệt độ úm
+ Ngày tuổi 1-5: 32-28oC
+ Ngày tuổi 6-14: 28-25oC
+ Từ 15 ngày tuổi nuôi theo nhiệt độ môi trường.
 Quy trình chăn nuôi vịt siêu thịt VSM6 an toàn, hiệu quả_hình 1.jpg
Đàn vịt  tham gia dự án được 33 ngày tuổi tại hộ ông Nguyễn Thanh Toàn, xã Bình Lợi, Huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai

3. Ánh sáng 
- Vịt thương phẩm không đòi hỏi quy trình chiếu sáng nghiêm ngặt như nuôi quy trình nuôi vịt sinh sản. Nuôi vịt thương phẩm theo phương thức nuôi nhốt thường cho vịt ăn tự do cả ngày lẫn đêm để khai thác tối đa khả năng tăng trọng, do đó chúng ta cần thắp sáng sao cho vịt dễ dàng ăn uống.
- Có thể duy trì 1 giờ tối để vịt làm quen khi bị mất điện đột xuất, nếu không vịt sẽ hoảng sợ khi mất điện.
- Sử dụng đèn điện hoặc các nguồn chiếu sáng khác để chiếu sáng bổ sung từ 19h tối đến 6 giờ sáng.
4. Ẩm độ không khí
- Ẩm độ tương đối thích hợp cho vịt từ 60-70%.
- Chuồng trại ẩm ướt sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh đối với vịt.
- Khi độ ẩm không khí cao thì phải giảm mật độ nuôi và bổ sung chất độn chuồng
5. Độ thông thoáng
- Độ thông thoáng giúp cho việc chao đổi không khí chuồng nuôi với môi trường bên ngoài, làm tăng lượng ô xi và đẩy các khí độc ra ngoài.
- Độ ẩm chuồng nuôi cao sẽ làm giảm độ thông thoáng, cần bổ sung thêm chất độn chuồng thường xuyên.
- Hệ thống chuồng mở đang được nuôi phổ biến hiên nay có độ thông thoáng tốt, tuy nhiên khi nuôi vịt con trong 2 tuần đầu cần được che chắn hạn chế gió thổi mạnh vào chuồng, yêu cầu tốc độ gió giai đoạn này không quá 3m/s.
6. Thức ăn
- Lượng thức ăn tiêu thụ bình quân theo tuần tuổi 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 là 35, 100, 186, 195, 210, 220, 225 gram/con/ngày (Mức ăn tham khảo khi nuôi nhốt cho ăn tự do)
Cách cho ăn
- Đối với phương thức nuôi nhốt vịt thương phẩm thức ăn được cung cấp tự do để khai thác tối ưu khả năng sinh trưởng nhằm rút ngắn thời gian nuôi.
- Để vịt có thể thu nhận thức ăn nhiều thì nên đổ thức ăn theo bữa (4-6 lần/ngày), thức ăn trong máng hết mới đổ để đảm bảo thức ăn mới thơm ngon.
- Giai đoạn úm vịt (2 tuần đầu) sử dụng thức ăn hỗn hợp, với giống vịt này nên sử dụng thức ăn hỗn hợp công nghiệp tuy nhiên khi thị trường giá thấp hoặc với các hộ chăn nuôi nhỏ từ tuần tuổi thứ 3 trở đi cũng có thể sử dụng thức ăn đậm đặc phối trộn với lúa, ngô theo chỉ dẫn của nhà sản xuất để làm giảm chi phí thức ăn.
Nước uống
- Nước uống cho vịt con phải sạch sẽ, không tù đọng, không bị nhiễm phèn.
- Không được để vịt nhảy vào máng uống, vì phân vịt làm dơ nước uống.
- Máng uống để vị trí râm mát. Buổi tối khi nhốt vịt trong chuồng, các máng uống được đặt về một bên mé chuồng để hạn chế vịt công nước làm ướt chuồng.
- Với hệ thống chuồng trại, sân chơi, ao bơi khép kín thì hệ thống nước uống được bố trí phần sân giáp với ao bơi để nước không chảy ra sân.
- Với chuồng kín, chuồng sàn cần đầu tư máng uống tự động để tránh ướt chuồng.
7. Khối lượng của vịt thương phẩm theo tuần tuổi
- Lúc 2 tuần tuổi: Từ 600-650g/con;
- Lúc 4 tuần tuổi: Từ 1.600-1.700g/con;
- Lúc 6 tuần tuổi: 2.600-2.750g/con;
- Lúc 7 tuần tuổi: 3.200-3.300g/con.
C. QUY TRÌNH THÚ Y PHÒNG BỆNH
1. Phòng bệnh bằng vắc xin
Lịch trình
Lịch phòng bệnh bắng vắc xin
- Lúc 10 ngày tuổi: tiêm vắc xin H5N1, phòng bệnh cúm gia cầm, liều lượng 0,5ml/con;
- Lúc 14 ngày tuổi: tiêm vắc xin Dịch tả vịt đông khô, phòng bệnh Dịch tả vịt, liều lượng 1 liều/con;
- Lúc 32 ngày tuổi: tiêm vắc xin H5N1, phòng bệnh cúm gia cầm, liều lượng 0,5ml/con;
- Lúc 40 ngày tuổi: tiêm vắc xin Dịch tả vịt đông khô, phòng bệnh Dịch tả vịt, liều lượng 1 liều/con.
Ngoài ra tùy thuộc điều kiện dịch tễ từng nơi mà có thể sử dụng thêm một số loại vaccin khác phòng các bệnh như tụ huyết trùng, viêm gan vịt, Tembusu...
Bảo quản
- Thiết bị bảo quản: Tủ lạnh
- Nhiệt độ bảo quản:  4 – 8oC
- Bảo quản khi vận chuyển: Sử dụng thùng xốp, bên trong bỏ đá.
- Thời gian bảo quản tại trại: Vắc xin dịch tả vịt không quá 45 ngày, vaccin H5N1 không quá 3 tháng.
Cách sử dụng:
- Thời gian chích: 8 – 10 giờ sáng
- Cách pha và liều tiêm: theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Thời gian sử dụng sau khi pha không quá 3 giờ trong điều kiện thùng đá.
- Vị trí chích: dưới da 1/3 trên của cổ.
2. Phòng bệnh bằng thuốc bổ trợ
- Khuyến cáo sử dụng các loại thuốc bổ như B.complex, điện giải, vitamin C, giải độc gan thận, khoáng premix cho vịt ăn hoặc uống theo chu kỳ cứ 2 tuần/1 lần dùng liên tiếp 3-5 ngày liên tục.
- Chú ý: có thể sử dụng men vi sinh trộn thức ăn hoặc pha nước cho vịt uống hằng ngày (không dùng đồng thời với thuốc kháng sinh).
3. Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng
Phun khử trùng các loại phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi: Ô tô, xe trở thức ăn...
Hạn chế khách thăm trại: cần có đồ bảo hộ như quần áo, ủng, dép cho khách khi thăm trại
Phun thuốc khử trùng khu chuồng nuôi
- Sử dụng thuốc khử trùng pha theo hướng dẫn của nhà sản xuất
- Số lần phun trong tuần: 1-2 lần/tuần
- Thời gian phun: trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 14 giờ chiều
- Lượng nước phun: theo hướng dẫn của nhà sản xuất
Vệ sinh chuồng sau mỗi đợt nuôi
- Rửa sạch máng ăn, máng uống sau đó phơi khô.
- Phân và trấu trong chuồng nuôi được xúc đóng bao buộc chặt chuyển về kho phân sau 30 ngày bón cho cây trồng.
- Sau khi dọn sạch phân và trấu thì tiến hành sửa chữa những hư hỏng trong chuồng, sân chơi, máng ăn, máng uống, hệ thống cấp nước.
Chôn hủy vịt
- Vịt được cho vào bao và đổ 3 – 5 kg vôi bột cho mỗi bao rồi cột chặt.
- Hố chôn phải có độ sâu tối thiểu 0,8 m.
- Với trang trại cần đầu tư các lò đốt xác vịt.
Đỗ Thị Bích Ngọc - TT. DVNN
 

Các tin khác

Một cửa điện tử

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Thắng - Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​