Những năm qua, Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của ngành lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Nhờ có tiền DVMTR, người nhận khoán bảo vệ, phát triển rừng có thêm nguồn tiền cải thiện phần nào cuộc sống; các đơn vị chủ rừng và quản lý rừng có nguồn tái đầu tư cho công tác bảo vệ, phát triển rừng.
Hiện nay, tổng diện tích rừng được chi trả DVMTR của tỉnh là hơn 156 nghìn ha, ngoài 11 chủ rừng là tổ chức, 06 xã được giao quản lý rừng thì toàn tỉnh có hơn 6 nghìn hộ dân với vai trò là hộ nhận khoán bảo vệ rừng, chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân. Với số lượng tương đối lớn, những năm qua, công tác chi trả tiền DVMTR trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn do địa bàn chi trả chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó, việc chi trả bằng tiền mặt lại hiện hữu nhiều vấn đề bất cập: Tính rủi ro trong quá trình vận chuyển tiền; chi phí cao do số lượng người trực tiếp tham gia chi trả đông, thời gian chi trả kéo dài; dễ gây thất thoát trong quá trình chi trả qua các khâu trung gian, tính minh bạch chưa cao; công tác kiểm tra, giám sát khó khăn, mất nhiều thời gian, nguồn lực... Do vậy, việc triển khai thực hiện hình thức chi trả tiền DVMTR qua tài khoản thay hình thức thanh toán tiền mặt vừa đảm bảo tính công khai, minh bạch, giảm các thủ tục hành chính, thời gian, chi phí đi lại và rủi ro cho cả bên chi trả và bên nhận tiền.

Ứng dụng ViettelMoney trên điện thoại
Từ năm 2019, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã phối hợp cùng Viettel chi nhánh Đồng Nai thực hiện chi trả tiền DVMTR qua tài khoản giao dịch điện tử (ứng dụng ngân hàng số ViettelMoney) đối với các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân nhận khoán bảo vệ rừng. Việc chi trả tiền DVMTR qua tài khoản ViettelMoney đến người dân đã góp phần đơn giản hóa thủ tục, đảm bảo tính công khai, minh bạch, an toàn, giúp thuận lợi hơn khi nhận tiền, tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại. ViettelMoney là một sản phẩm toàn dân, thực sự dễ sử dụng và tiện lợi với mọi người dù ở thành thị hay nông thôn. Đây là một hệ sinh thái với đa dạng nguồn tiền, cho phép người dân thực hiện mọi giao dịch từ chuyển, nạp, rút tiền, thanh toán hóa đơn điện, nước, Internet,... trực tuyến đến các dịch vụ về tài chính như bảo hiểm, tiết kiệm, vay một cách nhanh chóng, dễ dàng chỉ với số điện thoại.
Mở tài khoản và hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng ViettelMoney
Nhiều cộng đồng, hộ dân đã sử dụng số tiền này để tu sửa lại cơ sở hạ tầng như bể chứa nước sạch, đường giao thông thôn, ấp và tùy theo điều kiện từng hộ, từng địa phương, nhiều mô hình kinh tế cũng từ đó được hình thành. Bên cạnh cải thiện nguồn thu nhập, bảo vệ rừng hiện có, người dân còn được các đơn vị chủ rừng sử dụng nguồn tiền DVMTR hỗ trợ thêm điều kiện để tái trồng rừng, sớm đưa các diện tích rừng trống, chưa đủ điều kiện trước đây trở thành diện tích có rừng cung ứng DVMTR. Đây là cơ sở quan trọng để phát triển rừng một cách bền vững.
Việc chi trả tiền DVMTR qua tài khoản ngân hàng, giao dịch điện tử tại một số địa bàn trong tỉnh vẫn còn gặp khó khăn như điều kiện cơ sở hạ tầng về internet, mạng di động chưa đáp ứng, nhận thức của người dân về sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế,… Đây cũng là vấn đề được nhiều đơn vị chủ rừng nêu ra và đề xuất được tiếp tục chi trả bằng tiền mặt để đảm bảo đúng tiến độ thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, vấn đề này cần xem xét, cân nhắc lại để phù hợp với xu hướng chung hiện nay.
Chi trả tiền DVMTR không dùng tiền mặt là chủ trương đúng đắn, phù hợp với sự phát triển của thực tiễn. Trong thời gian tới, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đồng Nai tiếp tục rà soát thêm các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán khác, tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn hình thức phù hợp để triển khai thực hiện hiệu quả, công khai, minh bạch, an toàn hơn việc trả tiền DVMTR không dùng tiền mặt cho người dân trên phạm vi toàn tỉnh.
Huy Hoàng - Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng