Ngày 23/6/2023, Thanh tra tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Hội nghị triển khai Luật Thanh tra năm 2022, ông Nguyễn Ngọc Thắng- Chánh Thanh tra tỉnh chủ trì Hội nghị, cùng tham dự hội nghị có các đồng chí Phó Chánh Thanh tra tỉnh và khoảng 250 đại biểu đại diện cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố Long Khánh và Biên Hòa.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe Thạc sĩ Phạm Thị Phượng – Phó trưởng phòng Tuyên truyền pháp luật, Vụ pháp chế - Thanh tra Chính phủ giới thiệu khái quát chung về Luật Thanh tra năm 2022, theo đó: Luật Thanh tra năm 2022 gồm có 8 chương và 118 điều, cụ thể:
Ông Nguyễn Ngọc Thắng –Chánh Thanh tra tỉnh chủ trì Hội nghị
- Chương I: Những quy định chung, gồm 8 điều (từ Điều 1 đến Điều 8). Chương này quy định về phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ, mục đích, nguyên tắc hoạt động thanh tra, chức năng của cơ quan thanh tra, trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong công tác thanh tra, kiểm tra; trách nhiệm phối hợp giữa cơ quan thực hiện chức năng thanh tra với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
- Chương II: Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, gồm 29 điều (từ Điều 9 đến Điều 37). Chương này gồm 8 mục: Mục 1 quy định về Thanh tra Chính phủ; Mục 2 quy định về Thanh tra Bộ; Mục 3 quy định về Thanh tra Tổng cục, Cục; Mục 4 quy định về Thanh tra tỉnh; Mục 5 quy định về Thanh tra sở; Mục 6 quy định về Thanh tra huyện; Mục 7 quy định về cơ quan thanh tra ở Cơ quan thuộc Chính phủ; Mục 8 quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
- Chương III: Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành: gồm 06 điều quy định về Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành; tiêu chuẩn bổ nhiệm vào các ngạch Thanh tra viên, Thanh tra viên chính, Thanh tra viên cao cấp; miễn nhiệm thanh tra viên; trang phục, thẻ thanh tra.
Bà Phạm Thị Phượng -Vụ pháp chế, Thanh tra Chính phủ giới thiệu những điểm mới của Luật Thanh tra 2022
- Chương IV: Hoạt động thanh tra, gồm 58 điều. Chương này gồm 7 mục, Mục 1 gồm 14 điều quy định chung về xây dựng, ban hành Định hướng chương trình thanh tra; xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra; hình thức thanh tra; thời hạn thanh tra; gia hạn thời hạn thanh tra; trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra hành chính; trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành; căn cứ ra quyết định thanh tra; trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra; bảo đảm kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động thanh tra; xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người tiến hành thanh tra; xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra; thanh tra lại; hồ sơ thanh tra; Mục 2 quy định về chuẩn bị thanh tra; Mục 3 quy định về tiến hành thanh tra trực tiếp ; Mục 4 quy đinh về kết thúc cuộc thanh tra ; Mục 5 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của người tiến hành thanh tra ; Mục 6 quy định về quyền và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong hoạt động thanh tra; Mục 7 quy định về Giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra.
- Chương V: Thực hiện Kết luận thanh tra, gồm 05 điều quy định về Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan thanh tra trong việc ban hành kết luận thanh tra; trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước; trách nhiệm của đối tượng thanh tra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra; xử lý vi phạm trong thực hiện kết luận thanh tra.
- Chương VI: Phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra, gồm 05 điều quy định về trách nhiệm phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra; trách nhiệm của Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán nhà nước; trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra và Trưởng kiểm toán khu vực, chuyên ngành; tham khảo ý kiến trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; trách nhiệm của cơ quan điều tra.
- Chương VII: Điều kiện bảo đảm hoạt động của cơ quan thanh tra, gồm 02 điều quy định về kinh phí hoạt động của cơ quan thanh tra nhà nước; chế độ, chính sách đối với Thanh tra viên; đầu tư hiện đại hóa hoạt động thanh tra.
- Chương VIII: Điều khoản thi hành, gồm 05 điều quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra của thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, cơ quan cơ yếu Chính phủ; tổ chức, hoạt động thanh tra nội bộ; sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến thanh tra; hiệu lực thi hành; quy định chuyển tiếp.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng được nghe báo cáo viên giới thiệu về những điểm mới của Luật Thanh tra năm 2022, trong đó có một số điểm quan trọng như: Tổng cục, Cục thuộc Bộ được thành lập cơ quan Thanh tra chuyên ngành; Ủy ban nhân dân tỉnh có quyền thành lập Thanh tra sở; Quy định rõ thời gian ban hành kết luận Thanh tra; Quy định các tiêu chuẩn bổ nhiệm ngạch các ngạch thanh tra và bỏ quy định cộng tác viên thanh tra; Quy định về các trường hợp miễn nhiệm thanh tra; Bổ sung các điều kiện bảo đảm hoạt động của cơ quan thanh tra nhà nước; Quy định về sự phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra; Sửa đổi nội dung giám sát hoạt động Đoàn thanh tra; Bỏ chế định thanh tra nhân dân.
Các đại biểu nghe báo cáo viên trình bày chuyên đề tại Hội nghị
Luật Thanh tra năm 2022 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2023. Đến nay, Thanh tra Chính phủ đã chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương xây dựng và hoàn chỉnh dự thảo, trình Chính phủ ban hành 02 Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Thanh tra năm 2022.
Nguyễn Văn Đều