Cảnh báo những cơn mưa lớn đầu mùa sẽ cuốn trôi theo tất cả mọi vật chất hữu cơ từ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, chất thải sinh hoạt trong dân và vật chất trên bờ thuộc lưu vực sông từ thượng nguồn đổ về khu vực sông, hồ nuôi cá, dẫn đến những thay đổi lớn các yếu tố thủy lý hoá của môi trường nước.
Nắng nóng gay gắt, nước hồ Trị An cạn kiệt
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên thời tiết năm 2023 có nhiều diễn biến bất thường, đặc biệt nắng nóng gay gắt đến sớm hơn mọi năm và có xu hướng tăng cao so với trung bình nhiều năm trước đây. Trong những ngày đầu tháng 5, một số địa phương trong tỉnh như thành phố Biên Hòa, hồ Trị An đã xấp xỉ 38-39 oC. Do đang vào chu kỳ cuối mùa khô và tình hình khô hạn kéo dài nên cao trình nước hồ thủy điện Trị An đã cận sát mực nước chết (50 m). So với cùng kỳ năm 2022, mực nước này đã sụt giảm hơn khoảng 8m, đây cũng là mực nước thấp nhất ở hồ thủy điện Trị An trong gần 13 năm qua và xấp xỉ với mức thấp kỷ lục trong năm 2010. Lượng nước giảm sâu khiến không gian sống của cá nuôi bè trên khu vực này bị thu hẹp. Trước tính hình đó, UBND huyện Định Quán đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp huyện chủ trì phối hợp với Chi cục Thủy sản, Khu Bảo tồn thiên nhiên và Văn hóa Đồng Nai cùng các đơn vị liên quan thực hiện tuyên truyền, vận động các hộ nuôi thủy sản lồng bè di dời đến khu vực đã được quy hoạch theo Quyết định số 401/QĐ-UBND ngày 11/2/2020 của UBND tỉnh Đồng Nai.
Hầu hết bè của các hộ dân sinh sống tại xã La Ngà và Phú Ngọc (huyện Định Quán) hiện đã chạm sát đáy
Thời điểm giao mùa luôn tiềm ẩn những biến động bất lợi của thời tiết. Trong những ngày cuối tháng 4 vừa qua trên khu vực tỉnh Đồng Nai đã bắt đầu có mưa chuyển mùa, trong đó có những cơn mưa dông, lốc và gió xoáy giật mạnh. Theo dự báo, số lượng các cơn bão hoạt động trên biển Đông có thể ít hơn trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, cần đề phòng các cơn bão mạnh, trái quy luật, có hướng di chuyển và cường độ phức tạp, khó lường có thể gây ảnh hưởng, thiệt hại cho người nuôi trồng thủy sản. Do đó, các hộ nuôi trồng thủy sản cần chủ động thực hiện các giải pháp sau
Đối với người nuôi thủy sản trên bè
Theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến thời tiết, kết quả quan trắc chất lượng nước ảnh hưởng đến sông hồ tại địa phương, duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra để chủ động ứng phó, phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Sắp xếp neo đậu an toàn để ổn định sản xuất, đảm bảo khoảng cách các cụm lồng bè tại vị trí đặt theo quy định đồng thời tránh nuôi thủy sản gần các khu vực sông, suối là cửa tiếp nhận nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và nước thải đô thị.
Kiểm tra, gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng đảm bảo an toàn cho thủy sản nuôi khi xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa to, giông lốc, bão lũ..; Thả nuôi với mật độ vừa phải hoặc san thưa để tăng sức chống chịu với biến động của thời tiết; Không thả giống trước, trong những tháng cao điểm mùa mưa bão.
Thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe thủy sản nuôi; Thu hoạch thủy sản khi đạt kích cỡ thương phẩm trước mùa mưa bão; Chủ động trang bị và tăng cường sử dụng các loại máy quạt nước, máy phun mưa… nhằm cung cấp Oxy vào những thời điểm nửa đêm và sáng sớm.
Thu gom, xử lý dọn vớt rác, bao bì đựng thức ăn, túi nilon, vệ sinh lưới lồng thông thoáng nhằm sớm phát hiện những biểu hiện bất thường và kịp thời xử lý. Trong đó, thường xuyên kiểm tra pH trước và sau khi mưa; giảm lượng thức ăn cho cá ăn vào những ngày nắng nóng trên 350C; bổ sung Vitamin C hoặc chế phẩm sinh học vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi.
Kiểm tra pH trước và sau khi mưa để kịp thời điều chỉnh
Đối với nuôi thủy sản trong ao
Trong những ngày nắng nóng cần tăng cường quạt nước và nâng mực nước ao tối thiểu từ 1,5-2m để tăng khả năng ổn định nhiệt độ nước trong ao nuôi thủy sản, tránh hiện tượng phân tầng nhiệt độ trong ao nuôi. Thường xuyên kiểm tra bờ, cống ao tránh rò rỉ mất nước đồng thời cấp nước bổ sung cho ao nuôi, có thể làm hệ thống che để giảm chênh lệch nhiệt độ.
Tăng cường sử dụng vi sinh, men tiêu hóa để hỗ trợ đường ruột giúp tôm, cá tiêu hóa tốt thức ăn, làm sạch môi trường nước ao nuôi. Bên cạnh đó, tăng cường sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý nước và đáy ao (như Bacillus spp,...), một số hóa chất diệt khuẩn thuộc danh mục dùng trong thú y thuỷ sản được phép lưu hành (như Chlorine, BKC…) và bổ sung các loại khoáng chất (đối với tôm nuôi) giúp tôm hấp thu tốt thức ăn và tăng cường sức đề kháng, ngừa bệnh gan tụy…
Chủ động gia cố, sửa chữa hệ thống bờ ao, cống, đăng chắn, đặt ống xả tràn, nạo vét kênh mương, phát quang bụi rậm... Bón vôi nông nghiệp xung quanh bờ ao trước khi mưa với lượng khoảng 10 - 15kg/ha. Sau những trận mưa lớn, cần xả bớt nước trên tầng mặt; tiến hành chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh có mật độ cao.
Nguyễn Nguyên