Từ năm 2014 đến cuối năm 2022, Đồng Nai không có ổ dịch bệnh Dại nào xảy ra trên chó, mèo và không có trường hợp người tử vong do bệnh Dại. Tuy nhiên đến cuối năm 2022, xuất hiện ca Dại trên địa bàn tỉnh, đó là 01 trường hợp người tử vong do bệnh Dại tại phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa. Theo đó từ tháng 3 đến tháng 4 năm 2023 xảy ra 03 trường hợp chó cắn người và chó được xác định bị mắc bệnh Dại tại xã Bình Lợi, huyệnVĩnh Cửu; xã Tây Hòa và xã Sông Trầu huyện Trảng Bom. Các trường hợp bệnh Dại xảy ra từ tháng 12/2022 đến tháng 03/2023 trên địa bàn 3 huyện/thành phố cho thấy mầm bệnh có thể đã lưu hành âm thầm trên đàn chó mèo ở diện rất rộng. Trước tình hình bệnh Dại tại các tỉnh trên cả nước đang diễn biến phức tạp trên người và động vật, cùng với việc công tác tiêm phòng hiện nay còn chậm nên nguy cơ tiếp tục phát sinh dịch bệnh Dại chó, mèo trong thời gian tới là rất cao.
Cán bộ Thú y Đồng Nai tiến hành thu bệnh phẩm chó chết nghi mắc bệnh Dại
Ngay sau khi phát hiện ca bệnh Dại đầu tiên tại TP. Biên Hòa, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai đã chủ động xin ý kiến cấp trên và phối hợp với các địa phương triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm xử lý dứt điểm ca bệnh và ngăn chặn sự lây lan mầm bệnh trong đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh. Ngoài việc tăng cường công tác giám sát và xử lý ổ dịch Dại trên động vật, kịp thời chia sẻ thông tin phối hợp liên ngành y tế- thú y để chủ động phòng chống lây nhiễm sang người, công tác tiêm phòng vắc xin Dại được khẩn trương thực hiện, nhất là công tác tiêm phòng bao vây ổ dịch. Chi cục chủ động liên hệ nguồn vắc xin Dại từ các doanh nghiệp hỗ trợ miễn phí và cấp phát cho các địa phương tiến hành tiêm phòng trên diện rộng, kết quả tiêm được 56.604 con chó, mèo. Đồng thời, công tác truyền thông đến người dân được tăng cường, đa dạng hình thức (báo, đài truyền hình, phát thanh, tờ rơi, khẩu hiệu…) với các nội dung chủ yếu: thông tin kịp thời về tình hình dịch bệnh, về sự nguy hiểm của bệnh Dại cũng như các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên người và động vật, đặc biệt chú ý truyền thông về việc không chữa bệnh Dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận; tuyên truyền và vận động người dân đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và tiêm phòng vắc xin Dại kịp thời (người bị động vật lên cơn dại cắn, cào như chó, mèo, ….); người dân chủ động tiêm ngừa vắc xin Dại cho vật nuôi trong gia đình như chó, mèo, … và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người ở các khu vực công cộng, tránh để trường hợp chó cắn người gây hậu quả nghiêm trọng; truyền thông về lợi ích của việc tiêm vaccine phòng bệnh Dại cho động vật để tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin lên ít nhất 70% tổng đàn…
Chó, mèo nuôi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chủ yếu là để giữ nhà, trông coi vườn, trại, làm cảnh và đang có xu hướng gia tăng hình thức nuôi chó, mèo làm cảnh, thú cưng, tập trung nhiều tại các khu vực đô thị (thành phố Biên Hòa, Long Khánh, Long Thành, Trảng Bom). Trong khoảng thời gian từ cuối năm 2022 đến nay, tình hình các ca Dại xuất hiện bất thường và có diễn biến phức tạp trên diện rộng. Nguyên nhân chủ yếu do công tác quản lý đàn chó còn lỏng lẻo, chưa áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, mèo theo quy định, công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống bệnh Dại còn hạn chế, chưa phong phú và không thường xuyên; người nuôi chó còn chủ quan, lơ là không tiêm phòng vắc xin bệnh Dại cho chó mèo, không chấp hành việc đăng ký, nuôi nhốt chó nên còn tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm phổ biến dẫn đến cắn trọng thương, chết nhiều người, gây bức xúc trong xã hội. Nguyên nhân khác là do thời gian ủ bệnh ở chó, mèo có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng, có thể lâu hơn và kết thúc bằng cái chết, có nhiều trường hợp cá thể mèo hoang phát triển thành đàn với số lượng lớn và mang mầm bệnh Dại lây lan cho những cá thể chó, mèo nuôi thả rông, đặc biệt những cá thể mèo hoang này chết thì ít được quan tâm chết do Dại. Ngoài ra tình hình vi rút Dại còn lưu hành trên động vật, việc đi lại, vận chuyển giữa các tỉnh, thành phố đặc biệt là vận chuyển chó mèo chưa được kiểm soát khiến bệnh Dại dễ lây lan.
Theo báo cáo của Cục Thú y, từ đầu năm 2023 đến nay chó nghi mắc bệnh Dại đã được báo cáo tại 21 tỉnh, thành phố; đặc biệt có 18 người chết vì bệnh Dại tại 13 tỉnh, thành phố. Đặc biệt trong thời gian gần đây, số người tử vong do bệnh Dại có chiều hướng giảm ở các tỉnh nguy cơ cao, ngược lại có xu hướng gia tăng ở các tỉnh nguy cơ thấp và xuất hiện ở một số tỉnh mới. Nguy cơ dịch bệnh Dại tiếp tục xảy ra và gây bệnh trên người trong thời gian tới là rất cao. Vì vậy ngành Thú y khuyến cáo người dân khi nuôi chó, mèo:
- Đăng ký việc nuôi chó, mèo với chính quyền địa phương; nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình; đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường; chó, mèo khi đưa ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm và có người dắt đề phòng cắn người;
- Tiêm vắc xin phòng Dại cho chó, mèo theo quy định; tối thiểu 1 lần trong năm;
- Khi phát hiện có dấu hiệu bất thường, phải nhốt cách ly chó, mèo bệnh để theo dõi và báo cho nhân viên thú y cấp xã, chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y nơi gần nhất.
Nguyễn Thị Pha My-CC. CN&TY