Ngày 30/03/2023, tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Sở Công Thương - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với Cục phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất trong nước ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại.
Đại diện Sở Công Thương phát biểu khai mạc hội nghị
Tham dự Hội nghị, có hơn 50 đại biểu đến từ các sở, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo Phát triển kinh tế tỉnh Đồng Nai, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Lãnh đạo Cục phòng vệ thương mại phát biểu chào mừng hội nghị
- Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các cán bộ của Cục phòng vệ thương mại giới thiệu 3 chuyên đề với những nội dung cơ bản, có liên quan đến phòng vệ thương mại, cụ thể gồm:
- Tổng quan về các biện pháp phòng vệ thương mại trong hệ thống pháp luật phòng vệ thương mại Việt Nam và WTO, trong đó về cơ sở pháp lý để thực hiện là Pháp luật quốc tế và pháp luật của Việt Nam, cụ thể:
Đại diện Cục phòng vệ thương mại giới thiệu tổng quan về PVTM
+ Về pháp luật phòng vệ thương mại (PVTM) quốc tế, có: quy định của WTO với GATT 1994 và các hiệp định chi tiết (hiệp định chống bán phá giá; hiệp định chống trợ cấp và các biện pháp đối kháng; hiệp định về các biện pháp tự vệ); quy định của hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia là thành viên, gồm: hiệp định đa phương, hiệp định song phương, với tổng số 17 hiệp định đã ký kết, tham gia.
+ Về pháp luật PVTM của Việt Nam, gồm có: Luật quản lý ngoại thương năm 2017; Nghị định số 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý ngoại thương; Thông tư số 37/2019/TT-BCT của Bộ trưởng bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp PVTM; các Thông tư hướng dẫn thực hiện các biện pháp PVTM tại các hiệp định FTA, trong đó về Pháp luật PVTM Việt Nam có cập nhật một số điểm mới so với quy định của WTO như: Miễn trừ áp dụng biện pháp PVTM; biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM, đồng thời thường xuyên rà soát các biện pháp PVTM theo định kỳ.
Về các điều kiện áp dụng biện pháp PVTM, bao gồm: đối với biện pháp chống bán phá giá, gồm: hàng nhập khẩu bị bán phá giá; gây thiệt hại/ đe doạ gây thiệt hại đáng kể; mối quan hệ nhận quả. Đối với biện pháp chống trợ cấp, điều kiện áp dụng, gồm: Hàng nhập khẩu được trợ cấp; gây thiệt hại/ đe doạ gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước; mối quan hệ nhân quả. Đối với biện pháp tự vệ, điều kiện áp dụng gồm: Hàng nhập khẩu tang đột biến; gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước; mối quan hệ nhân quả.
Đại diện Cục PVTM giới thiệu về tình hình thực hiện các biện pháp PVTM
Tính đến tháng 12 năm 2021, các nước thành viên WTO đã tiến hành tổng số 7548 vụ điều tra PVTM, gồm: 6489 vụ về điều tra chống bán phá giá; 651 vụ việc chống trợ cấp; 408 vụ về tự vệ, thuộc 19 nhóm ngành hàng khác nhau, trong đó các mặt hàng và sản phẩm liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp gồm; thuỷ sản, đồ gỗ, v.v..
Tại Việt Nam, đến nay đã bị một số quốc gia như: Hoa Kỳ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Úc, EU, Philippines áp dụng PVTM đối với hang hoá xuất khẩu của Việt Nam, với tổng số 228 vụ, gồm: Chống bán phá giá có 126 vụ; chống trợ cấp có 23 vụ; tự vệ có 46 vụ; chống lẩn tránh có 33 vụ, trong đó: Hoa Kỳ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Úc là những nước có số vụ áp dụng PVTM nhiều đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong thực hiện PVTM, các cơ quan chính phủ cần phải thực hiện các nhiệm vụ, cụ thể gồm: Theo dõi, hỗ trợ ngành sản xuất kháng kiện để bảo vệ thị trường xuất khẩu; giải trình về các cáo buộc thị trường đặc biệt; theo dõi, hỗ trợ ngành sản xuất kháng kiện để bảo vệ thị trường xuất khẩu; xây dựng phương án yêu cầu bồi thường, đề bù, trả đũa; tham gia cung cấp thông tin dữ liệu; giải trình các vấn đề về chính sách.
Cơ quan đầu mối về PVTM ở Việt Nam là Cục phòng vệ thương mại, thuộc Bộ Công Thương.
Tại hội nghị, các chuyên gia của Cục PVTM - Bộ Công Thương đã trả lời, hướng dẫn cụ thể đối với từng ý kiến trao đổi của các Doanh nghiệp.
Nguyễn Văn Đều- Phòng Kế hoạch Tài chính