​Nền nông nghiệp có nhiều chuyển biến nhờ ứng dụng công nghệ cao

Diện mạo nền nông nghiệp tỉnh Đồng Nai những năm qua có sự thay đổi lớn nhờ đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, với thế hệ nông dân mới đầy sáng tạo, mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất, hình thành những khu trang trại, cánh đồng lớn có giá trị vượt trội.
Thực hiện đặt hàng nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ
Việc nghiên cứu, triển khai và ứng dụng khoa học công nghệ có đóng góp không nhỏ trong phát triển lĩnh vực nông nghiệp. Để làm được điều này, những năm qua, tỉnh Đồng Nai đã tích cực thực hiện đặt hàng các đề tài nghiên cứu về nông nghiệp, từ đó chuyển giao, ứng dụng công nghệ trong thực tiễn. Kết quả, nhiều đề tài nghiên cứu đã phát huy được hiệu quả.
Từ năm 2017-2019, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai đã đặt hàng và ký kết hợp đồng nghiên cứu, chuyển giao 30 đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh và 42 đề tài cấp huyện. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn chiếm số lượng nhiều nhất với 10 dự án, đề tài cấp tỉnh và 11 đề tài cấp cơ sở. Các đề tài này tập trung chủ yếu vào việc nghiên cứu, phát triển lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh như khảo nghiệm các giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao; ứng dụng công nghệ vào khâu bảo quản, chế biến để tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp…
Ngoài ra, trong số các đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ đã được nghiệm thu trong giai đoạn năm 2017-2019 có 6 đề tài nổi bật thì 5 trong số đó thuộc về lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Cụ thể, dự án thể hiện rõ tính hiệu quả nhất sau khi chuyển giao là dự án Nghiên cứu chuyển đổi diện tích nuôi trồng thủy sản không hiệu quả sang nuôi cá chẽm tại khu vực nước lợ Long Thành, Nhơn Trạch.
Từ cuối năm 2021, Tỉnh ủy Đồng Nai đã ban hành chủ trương về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.
Phát triển kinh tế bền vững
Tại các địa phương, được sự chỉ đạo, quan tâm của chính quyền, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất, hình thành những khu trang trại, cánh đồng lớn có giá trị vượt trội. Trưởng phòng Kinh tế TP. Long Khánh (UBND TP. Long Khánh) Nguyễn Bích Hạnh cho biết, việc ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất được UBND Thành phố quan tâm, nhất là trong trồng trọt, chăn nuôi. Trong trồng trọt, TP. Long Khánh đã sử dụng các biện pháp thích hợp để xử lý cây chôm chôm ra hoa sớm; kỹ thuật thâm canh cây lúa, bắp, rau kết hợp với sử dụng giống mới, chất lượng tốt, chọn lọc lai ghép một số loại cây trồng, vật nuôi có ưu điểm tại địa phương để nâng cao năng suất, sản lượng.
Hiện nay, TP. Long Khánh đã hình thành và phát triển 17 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực với tổng diện tích 408,4ha. Các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) được đẩy mạnh áp dụng. Thành phố đã cấp 24 mã vùng trồng trên các loại cây chôm chôm, sầu riêng, mít, chuối, thanh long và 7 cơ sở đóng gói. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện hồ sơ cấp 9 mã vùng trồng sầu riêng cho 176/283 hộ dân.
Trong chăn nuôi, theo bà Nguyễn Bích Hạnh, có nhiều cơ sở đã ứng dụng công nghệ cao như mô hình chăn nuôi trong chuồng lạnh, mô hình làm mát trong chăn nuôi heo sinh sản, mô hình sử dụng đệm lót sinh học, xử lý nước thải, chất thải bằng biogas hoặc các hệ thống xử lý đảm bảo môi trường. Việc áp dụng các giống vật nuôi mới, tốt đạt trên 90%. Quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) được áp dụng rộng rãi. Các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đã trang bị hệ thống dây chuyền giết mổ treo gia súc, gia cầm hiện đại để đảm bảo kiểm soát an toàn thực phẩm trong quá trình giết mổ. TP. Long Khánh hiện có 36 trang trại được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh, 32 trang trại được chứng nhận VietGAHP…
Theo UBND huyện Vĩnh Cửu, ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp là một trong những chiến lược trọng điểm của huyện trong thời gian qua. Từ nay đến năm 2030, huyện dự kiến triển khai 15 dự án nông nghiệp công nghệ cao. Để hiện thực hóa mục tiêu, huyện đã quy hoạch quỹ đất để phát triển với diện tích gần 750ha thuộc các xã Trị An, Bình Lợi… Trong đó, có 5 dự án nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm chất lượng phục vụ cho chế biến, xuất khẩu.
Tương tự, trong bối cảnh đô thị hóa nhanh, quỹ đất nông nghiệp bị thu hẹp, tại các huyện Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Thống Nhất… cũng đang đẩy mạnh nhân rộng các mô hình nông nghiệp đô thị công nghệ cao. Điểm chung của các mô hình nông nghiệp đô thị công nghệ cao là các sản phẩm sản xuất ra theo hướng sạch, áp dụng quy trình nông nghiệp tốt, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và mức độ an toàn của sản phẩm. Các mô hình gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, công nghiệp chế biến, đảm bảo môi trường sinh thái.
Vũ Hoàng
 
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​