THÔNG TƯ MỚI VỀ PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH TRÊN THUỶ SẢN

   ​Tiếp sau hội nghị sơ kết công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản diễn ra vào tháng 5/2014;   

   ​Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Thông tư 17/2014/TT-BNNPTNT hướng dẫn công tác phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản nuôi có hiệu lực từ tháng 8 năm nay. Thông tư này thay thế nội dung các thông tư 36/2009 và 52/2012 được Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành trước đây.
   Theo đó, các quy định về phòng bệnh và chống dịch bệnh được hướng dẫn cụ thể như sau:
   1/ Công tác phòng bệnh: qui định trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về việc xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản; nội dung kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản; giám sát dịch bệnh thủy sản; thông tin, tuyên truyền, tập huấn về dịch bệnh thủy sản. Bên cạnh đó, trách nhiệm của chủ cơ sở sản xuất, nuôi trồng cũng được thể hiện trong công tác này.
   2/ Công tác chống dịch bệnh: ngoài trách nhiệm của cơ quan quản lý thì chủ các cơ sở nuôi thủy sản, nhân tố đóng góp không nhỏ trong việc chống dịch hiệu quả cũng được qui định rõ trách nhiệm.
   Theo đó, cơ sở nuôi thủy sản cần phải:
   - Khai báo dịch bệnh: chủ cơ sở nuôi, người phát hiện thủy sản mắc bệnh, chết nhiều do bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, lây lan nhanh trên phạm vi rộng có trách nhiệm báo cho cơ quan có thẩm quyền để kịp thời tổ chức chống dịch theo quy định.
   - Tổ chức chống dịch: chủ cơ sở nuôi, tổ chức, cá nhân có liên quan nơi có dịch phải thực hiện xử lý thủy sản mắc bệnh bằng một trong các hình thức sau:
   + Thu hoạch thủy sản trong ổ dịch: chủ cơ sở phải thông báo với trạm thú y thủy sản gần nhất về mục đích sử dụng, các biện pháp xử lý, kế hoạch thực hiện và biện pháp giám sát việc sử dụng thủy sản mắc bệnh; Không được sử dụng thủy sản mắc bệnh làm giống, thức ăn tươi sống cho thủy sản khác; Chỉ vận chuyển thủy sản đến các cơ sở mua bán, chế biến và cơ sở này phải đảm bảo và chịu trách nhiệm về an toàn dịch bệnh trong quá trình sơ chế, chế biến.
   + Điều trị thủy sản mắc bệnh theo hướng dẫn của cơ quan quản lý thú y thủy sản của địa phương và chỉ sử dụng các loại thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.
   + Khử trùng sau thu hoạch, tiêu hủy thuỷ sản mắc bệnh và ổ dịch:
   Chủ cơ sở thực hiện khử trùng nước trong bể, ao, đầm; khử trùng công cụ, lồng nuôi, lưới; xử lý nền đáy, diệt giáp xác và các vật chủ trung gian truyền bệnh bằng hóa chất được phép sử dụng sau khi thu hoạch hoặc tiêu hủy thủy sản, đảm bảo không còn mầm bệnh, dư lượng hóa chất và đảm bảo vệ sinh môi trường.
   Chủ cơ sở không được xả nước thải, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; không vứt thủy sản mắc bệnh, chết, nghi mắc bệnh ra môi trường.
 
Nguyễn Nguyên
Chi cục Thuỷ sản Đồng Nai
 
 

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​