​Huyện Tân Phú: Đối mới canh tác theo hướng tập trung nhằm nâng cao giá trị nông sản

Những năm qua, với nỗ lực tạo sự đột phá trong phát triển nông nghiệp đổi mới mô hình canh tác theo hướng tập trung, huyện Tân Phú đã tạo nên những vùng chuyên canh cây – con với chất lượng cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao, tạo thương hiệu riêng cho nông sản địa phương.
Phát triển bền vững với nhiều vùng chuyên canh
Để nông nghiệp phát triển bền vững với những vùng chuyên canh có sản phẩm nông nghiệp chất lượng, mang lại giá trị kinh tế cao, huyện Tân Phú đang hướng đến mục tiêu chung nâng tầm sản phẩm địa phương để phát triển thị trường bền vững, có khả năng xâm nhập các thị trường khó tính theo đường chính ngạch.
Xác định nông nghiệp là lĩnh vực cần đột phá trong phát triển, thời gian qua, công tác chuyển đổi cây trồng trên địa bàn huyện đã đạt những kết quả nổi bật. Các vùng chuyên canh theo hướng sản xuất sạch ngày càng tăng, ý thức gìn giữ sản phẩm, thương hiệu của người dân được nâng cao. Một số vùng chuyên canh có tiếng như vùng trồng các loại cây có múi (bưởi da xanh, cam, quýt) tập trung khu vực các xã Tà Lài, Phú Lộc, Phú Thịnh; vùng trồng sầu riêng tập trung khu vực xã Phú An theo mô hình VietGAP; vùng nuôi tôm càng xanh chuẩn VietGAP tại khu vực xã Trà Cổ.
Đặc biệt, Tân Phú là huyện có diện tích trồng lúa lớn nhất tỉnh với trên 6.000 ha, hiện đang được huyện đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con nông dân trồng lúa theo hướng hữu cơ nhằm tạo thêm thương hiệu lúa sạch, tăng sự phong phú của nông sản cho huyện vùng cao.
Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho vùng nuôi trồng tập trung
Từ việc thiếu vốn, ít kinh nghiệm, tư duy canh tác còn nhiều lạc hậu, manh mún, nhỏ lẻ, chậm ứng dụng khoa học – kỹ thuật, không đáp ứng được yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, những năm gần đây, người nông dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nói chung, huyện Tân Phú nói riêng đã từng bước xoá bỏ tư duy sản xuất lạc hậu. Thay vào đó, dưới sự định hướng của ngành nông nghiệp tỉnh, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, các cơ quan chức năng, sở ban ngành, người nông dân đã chuyển đổi, đổi mới mô hình canh tác theo hướng tập trung nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông sản. Cụ thể, xây dựng chứng nhận và hệ thống truy xuất nguồn gốc cho một số vùng chuyên canh là một trong những mục tiêu mà huyện Tân Phú đang hướng tới nhằm tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm thế mạnh riêng của địa phương. Trong đó, vùng trồng sầu riêng tại địa bàn xã Phú An và vùng nuôi tôm càng xanh tại xã Trà Cổ là những vùng chuyên canh đã tạo được thương hiệu riêng từ nhiều năm nay trên thị trường.
Điều đáng nói, dù là huyện miền núi nhưng Tân Phú lại có sản phẩm thủy sản nổi tiếng về chất lượng và có lợi thế cạnh tranh là sản phẩm tôm càng xanh, được nuôi tập trung tại khu vực xã Trà Cổ, trên diện tích khoảng 54ha, trong đó có trên 30ha nuôi theo mô hình VietGAP. Theo đánh giá của địa phương cũng như các cơ quan chuyên môn, khu vực Trà Cổ có nguồn nước tự nhiên rất phù hợp với nuôi tôm càng xanh nên hơn 20 năm qua, khu vực này đã hình thành vùng nuôi tôm tập trung đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao chất lượng đời sống bà con. Tuy nhiên, hạn chế của bà con nuôi tôm là không đủ nước để nuôi tôm vào mùa khô nên nguồn tôm không thường xuyên, ảnh hưởng tới việc cung cấp hàng cho các doanh nghiệp với số lượng lớn.
Nhằm mục đích cùng nông dân tìm hướng khắc phục những hạn chế trên, huyện đã đề nghị một số sở, ngành liên quan hỗ trợ địa phương xây dựng chứng nhận và hệ thống truy xuất nguồn gốc cho vùng nuôi tôm càng xanh tập trung và triển khai đánh giá hiệu quả kinh tế nuôi tôm vụ 2.
Tổ trưởng Tổ hợp tác thủy sản Trà Cổ Hoàng Văn Bính cho biết, bà con ở Trà Cổ lâu nay luôn nỗ lực áp dụng mô hình nuôi tôm VietGAP để giữ vững thương hiệu, mong sản phẩm được phát triển xa hơn nữa. Tuy nhiên, người nông dân chỉ biết chăn nuôi, không đủ khả năng xây dựng được hệ thống truy xuất nguồn gốc nếu không có sự hỗ trợ từ địa phương cũng như các cơ quan chức năng. Do đó, người dân mong muốn những hỗ trợ sớm được triển khai để sản phẩm tôm càng xanh VietGAP vùng cao có thể vươn xa hơn ra thị trường trong nước, thậm chí xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Cùng với sản phẩm tôm, sản phẩm sầu riêng Phú An cũng đang được huyện đề xuất đến các cơ quan chức năng hỗ trợ các giải pháp xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc để có thể bước ra thị trường nước ngoài bằng con đường chính ngạch với tên Sầu riêng Phú An.
Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú cho biết, sầu riêng Phú An cũng là sản phẩm được sản xuất theo mô hình VietGAP từ khá lâu, đã đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Tuy nhiên, do còn hạn chế về thủ tục truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của thị trường nước ngoài, nên lâu nay sầu riêng Phú An muốn ra được thị trường nước ngoài đều phải qua trung gian thứ ba. Do đó, nếu xây dựng được hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sầu riêng thì sản phẩm của người nông dân làm ra sẽ có kênh tiêu thụ ổn định với giá thành cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Cùng với kế hoạch xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các vùng chuyên canh tập trung có thế mạnh, huyện Tân Phú còn đang hướng tới triển khai các mô hình sản xuất có thế mạnh khác như  hỗ trợ triển khai dự án sản xuất lúa gạo đạt tiêu chuẩn hữu cơ, xây dựng đề tài phục tráng giống lúa Base của đồng bào dân tộc Châu Mạ tại xã Tà Lài…
Có thể khẳng định rằng, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho vùng nuôi trồng tập trung trên địa bàn huyện Tân Phú vừa nâng cao thu nhập cho người nông dân, vừa nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông sản. Từ việc nhỏ lẻ, manh mún, người nông dân đã biết quy hoạch vùng nuôi trồng theo hướng tập trung để có thể dễ dàng hơn trong việc chăm sóc, áp dụng đồng bộ các phương pháp canh tác, thu hoạch, từ đó mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm có chất lượng cao.
Bích Phượng

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​