​Tiếp tục Gặt hái được những thành quả tốt từ Chương trình OCOP

Đồng Nai, cùng với Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mỗi xã một sản phẩm, viết tắt (Chương trình OCOP). Với tinh thần “Hành động địa phương, hướng đến toàn cầu”, Chương trình trên địa bàn, năm 2021, một năm gặp không ít những khó khăn. Song cùng với sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự nỗ lực của các sở, ngành, địa phương và các chủ thể Chương trình OCOP đã cơ bản thực hiện tốt theo mục tiêu đề ra: Hoạt động tuyên truyền, tập huấn tiếp tục được tổ chức sâu rộng, phong phú cả về nội dung và hình thức: Truyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (Báo hình, nói, viết) các cấp: Tỉnh, huyện, thành phố, cơ sở xã, phường, thị trấn; trên các trang websize, pano, sổ tay, tờ rơi, …; tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ cấp xã, các hội,  đoàn, Hội cơ sở, đoàn thể, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ sản xuất, kinh doanh.

Tập huấn Chương trình OCOP, tại xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu

Hoạt động tuyên truyền, tập huấn đã tiếp tục tạo sự lan tỏa mạnh mẽ của Chương trình, giúp cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, đặc biệt các chủ thể trực tiếp tham gia, nhận thức đầy đủ, sâu rộng hơn về Chương trình; thúc đẩy rõ nét phát triển sản phẩm, dịch vụ OCOP, phát huy tiềm năng, lợi thế  và giữ gìn, nâng cao giá trị văn hóa từng địa phương và trên địa bàn, góp phần  phát triển kinh tế, xã hội chung của tỉnh. Chuẩn hóa và phát triển sản phẩm, được thực hiện đồng bộ trên các mặt, phù hợp với lợi thế, điều kiện sản xuất từng địa phương và yêu cầu thị trường: Phát động và tổ chức thi “Thiết kế nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp cho các sản phẩm”. Kết quả 06 tác giả với 06 ý tưởng được công nhận; trong đó, 01 tác giả đạt giải nhì, 05 tác giả đạt giải ba; áp dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật vào phát triển sản phẩm thuộc các lĩnh vực Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp. Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen các loài lan một lá (Nervila); bảo tồn và phát triển nguồn gen loài Thần xạ hương (Luvunga scandens) tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai”; bảo tồn và phát triển nguồn gen loài Trà Phú Hội (Camellia sinensis (L.) O. Kunzt.) tại huyện Nhơn Trạch. Thực hiện khảo sát đối với khoảng 150 tổ chức trên địa bàn tỉnh, nhằm thu thập thông tin để đánh giá nhu cầu xây dựng và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo kế hoạch số 4023/KH-UBND ngày 10/4/2020 của UBND tỉnh về việc triển khai hoạt động áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025.
Kết quả, trong năm đã có 55 sản phẩm, được đánh giá, phân hạng đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, vượt 10% so chỉ tiêu; trong đó, có 38 sản phẩm 3 sao, 17 sản phẩm 4 sao; từ 31 Chủ thể tham gia; gồm: doanh nghiệp chiếm 33%, Hợp tác xã và Tổ hợp tác chiếm 25%, đặc biệt hộ gia đình chiếm 42%, thể hiện sự thu hút sâu rộng của Chương trình. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 100 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó: có 01 sản phẩm tiềm năng 05 sao; 35 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 64 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao.

Các chủ thể nhận giấy chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2021.

Cùng với phát triển sản phẩm, hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm cũng được thực hiện kịp thời và khá phong phú: Tổ chức, tạo điều kiện cho các chủ thể OCOP tham gia xúc tiến thương mại tại các hội chợ, hội thảo; kết nối đưa sản phẩm OCOP vào giới thiệu và bán tại hệ thống các siêu thị BigC, Lotte Mart, CoopMart, Khu du lịch Bửu Long, Khu Du lịch Thác Đá Hàn; đưa sản phẩm OCOP vào bán tại các sàn thương mại điện tử như Voso.vn, Smartgap.vn; siêu thị BigC Bà Rịa – Vũng Tàu, tại cửa hàng Trung tâm Xúc tiến Thương Mại Nông nghiệp Hà Nội. Tham gia triển lãm sản phẩm OCOP tại Quảng trường Bạch Đằng, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; Hội nghị tổng kết Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 do Trung ương tổ chức tại Hà Nội. Trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP trong Chương trình “Họp mặt Xuân Hữu nghị năm 2021” tại Khu du lịch Bửu Long và Hội nghị thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị nông sản - Tận dụng cơ hội xuất khẩu từ các FTA thế hệ mới tại Khách sạn Golden Lotus tỉnh. Xây dựng, đưa vào hoạt động 03 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cấp tỉnh tại Trụ sở Hội Nông dân tỉnh; Khu du lịch Bửu Long thành phố Biên Hòa và Khu du lịch Thác Đá Hàn huyện Trảng Bom đạt 100% so với kế hoạch... Chương trình, dự án khởi nghiệp với OCOP, cũng được triển khai thực hiện khá rõ nét: Năm 2021, với Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2021 do TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP” tỉnh Đồng Nai. Kết quả có 23 dự án dự thi trong đó có 07 dự án vào vòng sơ khảo, 3 dự án được chọn vào vòng thuyết trình khu vực; Cuộc thi Tìm kiếm ý tưởng/dự án phụ nữ khởi nghiệp năm 2021 do Hội LHPN tỉnh tổ chức với chủ đề “Phụ nữ Đồng Nai khởi nghiệp đồng hành cùng sản phẩm OCOP”, có 32 dự án/ ý tưởng dự thi, trong đó có 15 dự án vào vòng bán kết và chung kết xếp hạng (01 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 9 giải Khuyến khích) với tổng giá trị giải thưởng hơn 98 triệu đồng.
Kết quả trên cho thấy, Chương trình OCOP đã và đang từng bước góp phần, tác động và thúc đẩy rõ nét việc mở rộng sản xuất; nhất là, ở từng khu vực nông thôn trên địa bàn, khuyến khích được các loại hình kinh tế tham gia; Chương trình đã có tác động trong phát triển sản xuất nông nghiệp, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về nguyên liệu và lao động ở các địa phương. Nhiều sản phẩm đã phát huy được chuỗi giá trị, chất lượng sản phẩm, từng bước hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm OCOP. Song song, đã dần hình thành đội ngũ lao động có tay nghề cao, nâng cao sự cạnh tranh cho các cơ sở sản xuất, các sản phẩm nông thôn thích ứng với quá trình hội nhập kinh tế trong nước và hội nhập quốc tế; góp phần nâng cao mức sống người dân, phát huy, quảng bá truyền thống văn hóa địa phương.

Gian hàng sản phẩm OCOP Đồng Nai, tham gia Hội chợ tại Thành phố Hà Nội.   

Bên cạnh những kết quả tích cực và có ý nghĩa đạt được, Chương trình OCOP, còn những khó khăn, tồn tại, cần được tập trung tháo gỡ: Còn số người dân, chủ thể tham gia Chương trình, chưa thực sự nhận thức sâu, rõ về vai trò, ý nghĩa, lợi ích của  Chương  trình, chưa mạnh dạn đầu tư cho quy trình sản xuất, quy trình quản lý chất lượng, nên quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, còn hạn chế trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh, nhất là kiến thức về thị trường; sản phẩm còn những hạn chế, chưa tạo sự thu hút mạnh mẽ đối với thị trường, như: mẫu mã, bao bì, nhãn hiệu, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ; ứng dụng các khoa học kỹ thuật, …. Thiếu nguồn nhân lực cao đáp ứng cho Chương trình. Bên cạnh đó, Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 và cơ chế, chính sách kèm theo, hiện Trung ương chưa ban hành; do đó, vừa khó khăn cho tỉnh nói riêng và các địa phương cả nước nói chung trong chỉ đạo tổ chức thực hiện, vừa hạn chế việc khuyến khích các chủ thể tham gia Chương trình.
Để phát huy tốt kết quả đạt được trong thời gian qua và Chương trình OCOP tiếp tục được phát triển đi vào chiều sâu thời gian tới, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra, từng bước xây dựng hình ảnh, thương hiệu sản phẩm OCOP Đồng Nai đứng vững và có sức quảng bá mạnh mẽ trên thị trường trong và ngoài nước. Số nhiệm vụ, giải pháp cần được tiếp tục tập trung thực hiện thời gian tới:
1. Trước hết, tiếp tục đổi mới các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn thực hiện về Chương trình OCOP theo hướng linh hoạt, phù hợp về phương thức, thiết thực, cụ thể về nội dung; nhất là, các nội dung: Nguyên tắc của OCOP, bộ tiêu chí đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP, cơ chế chính sách của Nhà nước liên quan;  đặc biệt, về cách thức phát triển, đề xuất ý tưởng các sản phẩm, khởi đầu chu trình thực hiện Chương trình của cộng đồng; xây dựng, phát hành bản tin OCOP; xây dựng bảng Pano tuyên truyền OCOP; tuyên truyền qua đài phát thanh và truyền hình; xây dựng kịp thời phim giới thiệu về sản phẩm OCOP, giới thiệu quảng bá về điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; tuyên truyền trên các website chuyên ngành, Tạp chí du lịch Việt Nam, báo Công thương...; để tinh thần tự cường, sáng tạo của Chương trình luôn là sự dẫn dắt suốt trong hành trình thực hiện Chương trình.
2. Tiếp tục hỗ trợ, nâng cấp, hoàn thiện về sản phẩm OCOP đã đạt và phát triển các sản phẩm mới tham gia Chương trình OCOP theo hướng: Gắn chặt các tiêu chí sản phẩm với yêu cầu khắt khe thị trường, yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình khởi nghiệp OCOP, thực hiện tốt các cuộc thi khởi nghiệp về OCOP trong tất cả các đối tượng; nhất là lực lượng thanh niên “Thanh niên nông thôn sáng tạo khởi nghiệp với Chương trình OCOP”; để lựa chọn được những dự án xuất sắc nhất, định hướng tham gia Chương trình OCOP, kêu gọi sự đầu tư của các doanh nghiệp hỗ trợ phát triển ý tưởng khởi nghiệp. Xây dựng và thực hiện các dự án phát triển sản phẩm trọng điểm theo chuỗi giá trị hướng theo khai thác thế mạnh sản phẩm của từng địa phương, đẩy mạnh việc ứng dụng các khoa học kỹ thuật cao hoạt động phát triển sản phẩm và xây dựng phát triển nhóm sản phẩm OCOP về du lịch, du lịch cộng đồng; để tiếp tục có nhiều hơn nữa những sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP thứ hạng cao trong tất cả các ngành hàng.
3.Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm, như: Kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm OCOP, hỗ trợ các chủ thể đưa sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Đồng Nai và các sàn thương mại điện tử khác, các siêu thị trong và ngoài tỉnh, tiếp tục thực hiện đầu tư các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP phù hợp tại trong và ngoài tỉnh, trong đó khẩn trương đầu tư và đưa vào sử dụng Showroom trưng bày giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Nai; tổ chức tốt gian hàng chung tỉnh Đồng Nai tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh, các hội nghị, hội thảo xúc tiến thương mại; hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh; giúp sản phẩm OCOP của tỉnh thực sự có sức quảng bá sâu rộng; sức cạnh tranh mạnh và bền vững trên thị trường
4. Ngoài việc vận dụng, thực hiện hiệu quả các chính sách thuộc các chương trình liên quan trong phát triển sản phẩm OCOP; cùng các địa phương, đề nghị Trung ương sớm ban hành Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 và hệ thống cơ chế chính sách liên quan, để thuận lợi cho tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo và khuyến khích các chủ thể tích cực tham gia Chương trình.
5. Gắn chặt giữa Chương trình với việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tập huấn tạo đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ lao động tay nghề cao; bồi dưỡng, các tổ chức kinh tế và hộ sản xuất, người lao động về các ngành nghề liên quan; đảm bảo đáp ứng tốt nguồn nhân lực cho Chương trình. Kịp thời, tham quan, học tập kinh nghiệm, cách thức thực hiện hay, hiệu quả Chương trình OCOP tại những địa phương trong và ngoài nước. Thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng, góp phần tạo động lực tinh thần dẫn dắt phong trào.
Với những kết quả nền đạt được; đặc biệt, là những mô hình, cách làm hay, hiệu quả, trong thực hiện Chương trình những năm đầu vừa qua; cùng với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ của các cấp, các ngành, sự tham gia tích cực của toàn xã hội, sự sáng tạo trong thực hiện thời gian tới. Tin tưởng rằng Chương trình OCOP, sẽ có nhiều hứa hẹn hơn nữa với những sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP thứ hạng cao và có mặt ở nhiều thị trường trong và ngoài nước, với tinh thần của Chương trình “Hành động địa phương, hướng đến toàn cầu”.                                      
Hoàng Sơn

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​