​Hội nghị Tổng kết năm 2021 và triển khai Kế hoạch năm 2022 ngành Nông nghiệp và PTNT

Ngày 29/12/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị Tổng kết năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 ngành Nông nghiệp và PTNT. Tham dự Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT – Lê Minh Hoan; Các Bộ ngành Trung ương, các cơ quan trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố, Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh/thành phố và một số Hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu biểu. Tại điểm cầu tỉnh Đồng Nai, có đồng chí Võ Văn Phi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các Sở ngành, địa phương và đơn vị liên quan cùng tham dự.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm 2021 là một năm toàn ngành vượt qua sóng gió và nỗ lực đương đầu, thích ứng linh hoạt với khó khăn, thách thức từ thiên tai, dịch bệnh, thị trường nông sản toàn cầu bị đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng để đạt được nhiều thành công mới. Ngành đã đạt và vượt hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra; nhiều chỉ tiêu hoàn thành xuất sắc, khẳng định vai trò trụ đỡ, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho lao động xã hội trong bối cảnh ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh Covid-19. Qua đó, nhấn mạnh 08 nội dung đạt được:
Kết quả đạt được các chỉ tiêu năm 2021: (1) Tốc độ tăng trưởng VA toàn ngành khoảng 2,85 - 2,9% (Chính phủ giao 2,78%); (2) Tổng kim ngạch xuất khẩu 48,6 tỷ USD (Chính phủ giao 42 tỷ USD); (3) Trên 68,2% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (Chính phủ giao 62%) và 213 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (Chính phủ giao 193 đơn vị); (4) Số xã đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới đạt 76% (Chính phủ giao 75%); (5) Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%, chú trọng nâng cao chất lượng rừng (Chính phủ giao 42%).
Cơ cấu lại ngành nông nghiệp đi vào thực chất, hiệu quả hơn; quy mô và trình độ sản xuất được nâng cao, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy các lợi thế từng vùng, miền, chuyển dịch theo hướng hiện đại. Đồng thời, tiếp tục tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt để thúc đẩy phát triển và cơ cấu lại ngành… với các giải pháp đồng bộ, đã tạo đà duy trì tốc độ tăng trưởng GDP với mức tăng 2,85%, trên hầu hết các lĩnh vực.
Thị trường tiêu thụ nông sản tiếp tục phát triển, thị trường trong nước được mở rộng hơn; kịp thời giải quyết các vướng mắc, áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo để thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu trong điều kiện khó khăn do nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy từ ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt mức cao kỷ lục trên 48,6 tỷ USD, có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD, trong đó có 06 mặt hàng có kim ngạch trên 03 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo, cao su).
Tổ chức liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới phù hợp với thị trường, sản xuất hàng hóa lớn; nhiều mô hình liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi được triển khai nhân rộng. Năm 2021, thành lập mới 1.250 HTX nông nghiệp, nâng tổng số lên 78 Liên hiệp HTX NN, 19.100 HTX NN; thành lập mới và trở lại hoạt động 1.640 doanh nghiệp, nâng tổng số lên trên 14.400 doanh nghiệp nông nghiệp.
Ứng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy cả 3 trục sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Nhiều sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng khoa học công nghệ cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến như: tôm, cá tra, sản phẩm gỗ…; nhiều nhà máy chế biến công suất lớn với công nghệ hiện đại đã đi vào hoạt động và đang phát huy hiệu quả. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tập trung thực hiện kết hợp tài nguyên bản địa, văn hóa truyền thống với ứng dụng khoa học công nghệ tạo sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng, mẫu mã bao bì đẹp, truy xuất nguồn gốc; đến hết năm 2021 phân hạng và công nhận 5.320 sản phẩm OCOP, tăng 1,66 lần so với năm 2020. Nghiệm thu và công bố, công nhận 54 giống cây trồng, vật nuôi; 80 tiến bộ kỹ thuật mới, quy trình kỹ thuật mới; ban hành, công bố 09 QCVN, 106 TCVN và lũy kế đến nay có 1.220 TCVN và 232 QCVN.
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục phát triển, tăng cả về số lượng và chất lượng. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Chương trình giai đoạn 2021 - 2025. Hết năm 2021, có 5.614 xã (68,2%) đạt chuẩn NTM, bình quân đạt 17 tiêu chí/xã; có 213 đơn vị cấp huyện thuộc 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; có thêm 03 tỉnh, thành phố với 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM (Thái Bình, Cần Thơ, Hải Dương), đang hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ công nhận cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới.
Hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp và từng bước hiện đại hóa, đồng bộ, nâng cao chất lượng phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất, đời sống dân sinh, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Năm 2021, tỷ lệ giải ngân khá, đạt 86,7%, hoàn thành 246/288 dự án triển khai trong kế hoạch trung hạn 2016 - 2020. Bộ đã phê duyệt được chủ trương đầu tư 127/129 dự án khởi công mới, còn 02 dự án nhóm A đã thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Công tác phòng chống thiên tai tiếp tục được chủ động triển khai, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược; trong đó chú trọng hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT. Đã hoàn thành rà soát 443 văn bản, đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế 96 văn bản; trình Chính phủ ban hành 10 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 Quyết định, ban hành theo thẩm quyền 20 văn bản quy phạm pháp luật.
Trên cơ sở các kết quả đạt được và tồn tại hạn chế năm 2021, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đề ra mục tiêu: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành khoảng 2,8 - 2,9%; Tốc độ tăng giá trị sản xuất NLTS trên 2,9 - 3%; Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 49 tỷ USD; Tỷ lệ che phủ rừng ổn định mức 42% và nâng cao chất lượng rừng; Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 73%; 235 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; Thành lập mới 1.500 HTX nông nghiệp; cả nước có 21.000 HTX nông nghiệp, trong đó trên 13.650 HTX nông nghiệp xếp loại tốt, khá. Đồng thời, đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện năm 2022. Cụ thể:
Một là, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa của từng vùng miền; đồng bộ hóa các giải pháp và chương trình, kế hoạch hành động phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Hai là, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.
Ba là, phát triển kết cấu hạ tầng; tăng cường quản lý tài nguyên, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng, bảo vệ tốt và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên hiện có; đẩy mạnh thực hiện Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”, góp phần bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Chú trọng phát triển thủy lợi và nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng các phương án ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, bão lũ, sạt lở; xây dựng và triển khai đề án tổng thể về sắp xếp, di dời, bố trí lại dân cư vùng chịu ảnh hưởng thiên tai. Tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch đầu tư công năm 2022.
Bốn là, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi nông nghiệp số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn ngành. Chú trọng đào tạo, huấn luyện hình thành đội ngũ nông dân thế hệ mới có kiến thức kinh tế nông nghiệp, kỹ năng làm ruộng thích ứng với nền nông nghiệp xanh và xu thế thị trường; gắn nhiệm vụ đào tạo với các cơ sở giáo dục, đào tạo, các viện trường. Xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp giảm phát thải, sản xuất nguyên liệu đầu vào các ngành hàng nông nghiệp.
Năm là, tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính quản lý ngành nông nghiệp và tổ chức sự nghiệp công lập từ trung ương tới địa phương tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo các Nghị quyết số 18-NQ/TW và số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương. Tổ chức triển khai thực hiện Nghị định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp PTNT được ban hành. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, khơi thông các nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Làm tốt công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh Đồng Nai – Võ Văn Phi đã có ý kiến phát biểu và nhấn mạnh một số nội dung như: Tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019, về đích trước 02 năm so với mục tiêu ban đầu tỉnh đặt ra. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm 50,8% tổng số xã (120 xã). Ước thực hiện năm 2021 toàn tỉnh có thêm 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, vượt chỉ tiêu nghị quyết Tỉnh ủy đề ra; tỉnh đã sắp xếp và hình thành các vùng sản xuất tập trung đối với các cây trồng chủ lực của tỉnh như tiêu, xoài, sầu riêng, chôm chôm, bưởi với quy mô trên 50 ngàn ha, chiếm khoảng 31% so với tổng diện tích quy hoạch xây dựng cánh đồng lớn của tỉnh; 14 vùng nuôi thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP với các đối tượng nuôi chủ lực là cá, tôm với diện tích gần 402 ha, chiếm khoảng 26% diện tích các vùng sản xuất; có trên 30% trang trại chăn nuôi nằm trong vùng tập trung và 7 vùng  An toàn dịch bệnh tại các địa phương có quy mô chăn nuôi lớn, góp phần phục vụ xuất khẩu thịt gà chế biến qua thị trường Nhật Bản; toàn tỉnh có 108 mã số vùng trồng với diện tích trên 23.000 ha xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, Úc, New Zealand. Dự ước giá trị sản xuất nông lâm thủy sản năm 2021 đạt 45,2 ngàn tỷ đồng, tăng 3,02% so với năm 2020, tốc độ tăng trưởng Nông lâm thủy sản đạt 3% (cao hơn bình quân chung của cả nước) trong đó chăn nuôi vẫn là ngành chiếm tỷ trọng cao và đóng góp quan trọng vào tốc độ của ngành, với giá trị sản xuất ước đạt 24,2 ngàn tỷ đồng, tăng 4,3%. Đồng thời, kiến nghị một số nội dung: sớm ban hành cơ sở pháp lý để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025: Quyết định phê duyệt Chương trình, các Bộ tiêu chí, các đề án, dự án thành phần, hướng dẫn thực hiện nhất là đề án kiện toàn hệ thống Văn phòng Điều phối các cấp; có giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu nông sản; hướng dẫn thực hiện một số vướng mắc trong lĩnh vực lâm nghiệp, đặc biệt các vướng mắc trong việc triển khai xây dựng Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; quản lý đất lâm trường.
Hội nghị Tổng kết năm 2021 và triển khai Kế hoạch năm 2022 ngành Nông nghiệp và PTNT _hình 1.jpg
Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính, Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT – Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Phùng Đức Tiến dự Hội nghị
 
Hội nghị Tổng kết năm 2021 và triển khai Kế hoạch năm 2022 ngành Nông nghiệp và PTNT _hình 2.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai – Võ Văn Phi và các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Đồng Nai
 

Quang Tuyên
 
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​