​Khai thác thủy sản và các giải pháp thực thi về nghề, ngư cụ cấm khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Với tiềm năng là một tỉnh có hệ thống hồ đập và sông ngòi khá phong phú. Toàn tỉnh có 17 hồ chứa và trên 60 con sông, kênh lớn nhỏ; đặc biệt là 02 con sông lớn là sông Đồng Nai và La Ngà ảnh hưởng và chi phối rất lớn đến điều kiện thủy văn của tỉnh. Khu vực phía Nam của tỉnh (huyện Nhơn Trạch, Long Thành) bị ảnh hưởng mặn do thủy triều đưa nước từ biển Đông qua hệ thống sông Nhà Bè, sông Lòng Tàu, sông Thị vải và sông Đồng tranh, tạo nên một bức tranh về đa dạng sinh thái và nguồn lợi thủy sản.
Tuy nhiên trong những năm trở lại đây, trên các thủy vực tự nhiên ở Đồng Nai, số lượng nghề, ngư cụ khai thác thủy sản có tính chọn lọc thấp chiếm tỷ lệ khá lớn, tình trạng khai thác con non, khai thác trong mùa sinh sản làm cho nguồn lợi thủy sản không kịp tái tạo và dần mất đi, gây ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy sản. Khu hệ cá lưu vực sông Đồng Nai đang bị khai thác quá mức và ngày càng suy giảm nghiêm trọng. Sự suy giảm khu hệ cá diễn ra cả về thành phần loài cũng như số lượng cá thể, trong đó số lượng cá thể giảm đến mức báo động.
Trước các vấn đề trên, tỉnh Đồng Nai đã thực hiện các biện pháp như: quy định cấm, hạn chế, không cho phát sinh thêm các nghề, ngư cụ khai thác gây tác động đến nguồn lợi thủy sản như te các loại, đăng dớn, lưới bao chà, lưới giã cào, lưới mùng kéo bãi, câu kiều tại khu vực hồ Trị An, lồng xếp, đáy (cấm phát sinh mới trên các khu vực rừng ngập mặn Long Thành - Nhơn Trạch, sông Đồng Nai); có các chính sách về hỗ trợ giao đất làm nhà cho các trường hợp người dân khai thác, nuôi trồng thủy sản khuyến khích người dân lên bờ chuyển đổi nghề nghiệp giảm áp lực khai thác nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như môi trường ở các thủy vực trên địa bàn tỉnh.
Ngày 15 tháng 11 năm 2019, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT kèm theo danh mục các nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản vùng nội địa bao gồm te, đáy, đăng, lồng xếp và ngày 08 tháng 3 năm 2019; Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản trong đó tại khoản 5, khoản 6, Điều 27, quy định mức xử phạt hành chính đối với hành vi sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự là khá lớn như: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, đồng thời xử phạt bổ sung: tịch thu ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản, tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản từ 03 tháng đến 06 tháng. Nhằm đảm bảo tính răn đe của Pháp luật trong việc thực thi nghề, ngư cụ cấm trong khai thác thủy sản.
Như vậy, nếu xét về tính pháp lý để áp dụng các quy định về nghề, ngư cụ cấm cũng như biện pháp xử lý về các hành vi này là đã đủ phương thức để đảm bảo thực hiện nhưng vấn đề an sinh xã hội cho người dân chưa đủ thuyết phục vì chưa có chính sách, lộ trình thực hiện để người dân chuẩn bị tâm lý chuyển đổi nghề, ngư cụ.
Theo thống kê quản lý, toàn tỉnh có khoảng 1.837 phương tiện, ngư cụ tham gia khai thác thủy sản, tập trung vào 3 thủy vực chính là hồ Trị An  (khoảng 1.238 phương tiện dao động theo năm), sông Đồng Nai (156 phương tiện) và vùng ngập mặn Nhơn Trạch - Long Thành (443 phương tiện) trong đó số lượng cá nhân hoạt động khai thác bằng các ngư cụ cấm chiếm khoảng 46% (852/1837) tổng số lượng cá nhân đăng ký hoạt động.
Nhằm có các biện pháp phù hợp giúp cho ngư dân chuyển đổi nghề khi phải chấm dứt sử dụng nghề, ngư cụ cấm khai thai thác thủy sản theo chủ trương  chính sách của Nhà nước đó là chia sẻ khó khăn cho ngư dân đồng thời có các giải pháp để thực thi tốt các quy định của Pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tỉnh Đồng Nai đã xây dựng Đề án “Thực hiện chuyển đổi nghề cho ngư dân bị ảnh hưởng theo Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025” được Ủy ban nhân dan tỉnh ban hành theo Quyết định số 3804/QĐ-UBND ngày 20/9/2021. Theo đó Đề án đề xuất các biện pháp thực hiện đồng bộ, cụ thể:
- Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 30/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai về quy định chế độ hỗ trợ ngư dân chấm dứt sử dụng nghề, ngư cụ cấm khai thác thác thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Theo đó các hộ ngư dân đã hoạt động bằng các nghề, ngư cụ cấm: te, đăng, đáy, lồng xếp Có Giấy phép khai thác thủy sản trên các thủy vực của tỉnh Đồng Nai hoặc có hợp đồng khai thác thủy sản trên khu vực hồ Trị An (từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2019) khi chấm dứt sử dụng nghề ngư cụ cấm được hỗ trợ một phần chi phí đầu tư ngư cụ ban đầu, ứng với mỗi loại ngư cụ có mức hỗ trợ cụ thể và phù hợp thực tế trên địa bàn tỉnh như ngư cụ te: 14 triệu/ngư dân; Ngư cụ đăng: 17,5 triệu/ngư dân; Ngư cụ lồng xếp (lợp xếp): 35 triệu/ngư dân; Ngư cụ đáy: 40 triệu/ngư dân.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản, vận động người dân chủ động chuyển đổi nghề không hoạt động khai thác bằng các nghề, ngư cụ cấm theo quy định.
- Thực hiện rà soát, giới thiệu các ngành nghề phù hợp với người dân cũng như phù hợp xu hướng nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương để người dân lựa chọn chuyển đổi nghề. Trong đó, các ngành nghề nông nghiệp được khuyến khích đào tạo cho ngư dân gồm: nghề nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt. Với nhóm ngành phi nông nghiệp, khuyến khích học các nghề du lịch, công nhân sơ chế, đóng gói, chế biến thực phẩm, nông sản, tiểu thủ công nghiệp…
- Tăng cường công tác thanh kiểm tra giám sát các hoạt động khai thác bất hợp pháp trên các thủy vực, kênh rạch đặc biệt là các vùng nước trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện tốt Kế hoạch 6519/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh ngày 11/6/2021 về triển khai thực hiện các quy định về cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc; nghề ngư cụ cấm để khai thác thủy sản và công tác bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025, cụ thể ngoài việc các đơn vị, Uỷ ban nhân dân các huyện lập các đoàn kiểm tra thuộc địa bàn quản lý sẽ có các đợt kiểm tra liên ngành giữa các sở, ngành địa phương và sự tham gia của lực lượng công an tỉnh, địa phương hỗ trợ việc thực thi kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về sử dụng nghề, ngư cụ cấm chất nổ, xung điện, chất độc.
Khai thác thủy sản và các giải pháp thực thi về nghề, ngư cụ cấm khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai_hình 1.jpg
Một buổi tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi nghề, ngư cụ cấm tại Thị trấn Vĩnh An, Vĩnh Cửu

Với tình hình chung về sự suy giảm nguồn lợi thủy sản trên cả nước nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng, việc tăng cường công tác bảo tồn nguồn lợi thủy sản là việc làm cấp thiết hiện nay, để làm tốt công tác này thì thực hiện đồng bộ các giải pháp là cần thiết: khai thác thủy sản đi đôi với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nâng cao nhận thức của người dân khai thác thủy sản về bảo tồn nguồn lợi, nghiên cứu theo dõi và có biện pháp tác động ngăn chặn kịp thời các nguyên nhân gây ra sự suy giảm nguồn lợi, thả tái tạo giống thủy sản theo đặc trưng thủy sản từng khu vực nhằm phục hồi nguồn lợi tự nhiên, đề xuất và quản lý tốt các khu vực bảo vệ nghiêm ngặt, khu vực phụ hồi sinh thái, khu vực khai thác có thời hạn,….
Hoàng Nga - Chi cục Thủy sản
 
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​