​Kết quả thực hiện Chương trình quốc gia khống chế bệnh Dại giai đoạn 2017 - 2021 và kế hoạch thực hiện 2022 - 2030

Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại giai đoạn 2017-2021 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 13/02/2017. Sau 05 năm triển khai thực hiện; ngày 28/9/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại giai đoạn 2017 - 2021, góp ý dự thảo Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2022 - 2030 và Mít tinh Ngày Thế giới phòng, chống bệnh Dại. Tham dự và đồng chủ trì Hội nghị có đồng chí Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đồng chí Đỗ Xuân Tuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế; cùng các bộ, ngành, đơn vị liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Y tế; các tổ chức quốc tế (FAO, WHO, US CDC, HIS, WCS,...); các Viện, trường, doanh nghiệp có liên quan; các cơ quan truyền thông và Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố. Tại điểm cầu tỉnh Đồng Nai, có đồng chí Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Y tế, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và đơn vị liên quan cùng tham dự.
Theo Quyết định số 193/QĐ-TTg, Chương trình quốc gia bao gồm các nội dung chính như: Về mục tiêu chung nhằm khống chế bệnh Dại trên đàn chó nuôi và trên người vào năm 2021 nhằm tiến tới loại trừ bệnh Dại. Mục tiêu cụ thể: Trên 95% số xã, phường, thị trấn lập được danh sách hộ nuôi chó; Tỷ lệ chó nuôi được tiêm vắc xin Dại đạt trên 85% tổng đàn; Trên 70% số tỉnh không có ca bệnh Dại trên chó trong 02 năm liên tiếp; Giảm 60% số tỉnh nguy cơ cao bệnh Dại trên người; Giảm 60% số người tử vong vì bệnh Dại vào năm 2021 so với số ca mắc bệnh Dại trung bình giai đoạn 2011 - 2015. Đồng thời, triển khai thực hiện chương trình thông qua 12 giải pháp: quản lý chó nuôi; tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó; điều trị dự phòng sau phơi nhiễm cho người bị chó cắn; hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách của Nhà nước; thông tin, tuyên truyền; nâng cao năng lực của hệ thống giám sát bệnh Dại; điều tra và xử lý ổ dịch Dại trên động vật; nâng cao năng lực chẩn đoán, xét nghiệm bệnh Dại; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển chó; nâng cao năng lực chuyên môn trong phòng, chống bệnh Dại; xây dựng vùng an toàn bệnh Dại và nghiên cứu khoa học.
Tổng kết, đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: tổng đàn chó của cả nước trung bình mỗi năm là trên 7,5 triệu con, được nuôi tại trên 4,9 triệu hộ gia đình. Có 7 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An và Gia Lai) với tổng đàn chó lớn (trung bình trên 200.000 con chó/năm), trong đó, tỉnh Nghệ An có tổng đàn chó lớn nhất cả nước với trung bình trên 525.000 con chó/năm, sau đó đến Hà Nội (gần 432.000 con), Thanh Hóa (gần 383.000 con); 7 tỉnh có tổng đàn chó dưới 40.000 con (Đà Nẵng, Phú Yên, Kon Tum, Đống Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng và An Giang), trong đó Đà Nẵng có tổng đàn chó thấp nhất cả nước, trung bình gần 23.000 con/năm.
Bệnh Dại ở động vật: giai đoạn từ năm 2017 - 8/2021, có 41 tỉnh, thành phố báo cáo phát hiện và xử lý tổng cộng 15.082 con chó (chiếm khoảng 0,04% tổng đàn) và 06 con bò, bê nghi mắc bệnh Dại; trung bình mỗi năm xử lý 3.016 con vật, dao động từ 1.294 con (năm 2021) đến 3.979 con (năm 2019). Trên người, ghi nhận 378 người tử vong vì bệnh Dại tại 52/63 tỉnh, thành phố; trung bình mỗi năm có 76 người tử vong, giảm 15% so với giai đoạn 2012 - 2016 (438 người tử vong tại 48/63 tỉnh, thành phố, trung bình mỗi năm có 88 người tử vong).
Đánh giá chung thực hiện chương trình, về cơ bản tất cả các nội dung và giải pháp trong Chương trình quốc gia đã được các cơ quan Trung ương và địa phương tổ chức triển khai kịp thời, đạt hiệu quả; mục tiêu chung của Chương trình quốc gia đã đạt được; các mục tiêu cụ thể cũng cơ bản đáp ứng yêu cầu và đạt được các kết quả nổi bật như: (01) Không xuất hiện ổ dịch bệnh Dại nghiêm trọng ở động vật; (02) Năng lực giám sát, điều tra, xử lý ổ dịch bệnh Dại được tăng cường rõ rệt; (03) Tỷ lệ đàn chó được tiêm vắc xin phòng bệnh Dại tăng từ 38,5% lên 49,2%; (04) đã có 38 xã/phường an toàn bệnh Dại; (05) Thay đổi quan điểm của chính quyền các cấp, tập trung, tăng cường chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống bệnh Dại; (06) Giảm 68 người tử vong vì bệnh Dại so với giai đoạn 2012 - 2016; (07) Tăng nhận thức của người dân về bệnh Dại, tăng 21% số người bị chó cắn tự giác đi điều trị dự phòng; (08) Giảm 30% số tỉnh có nguy cơ cao về bệnh Dại và tăng 20% số mẫu xét nghiệm chủ động trên người, động vật; (09) Phối hợp liên ngành đã chặt chẽ hơn giữa y tế và thú y cùng với các ban ngành khác so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, các mục tiêu cụ thể của Chương trình quốc gia giai đoạn 2017 - 2021 đặt ra quá cao, trong khi điều kiện thực tiễn, nhận thức của cộng đồng, nhất là chủ nuôi chó còn nhiều hạn chế; thiếu sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền các cấp, cũng như việc đầu tư chưa thỏa đáng cùng với sự thay đổi của tình hình dịch bệnh Covid -19 khiến cho việc tổ chức triển khai đầy đủ, có hiệu quả các nhiệm vụ của Chương trình 2017 - 2021 đã đề ra.
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 7397/KH-UBND ngày 28/7/2017 về việc thực hiện “Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại giai đoạn 2017-2021”. Kết quả đạt được như: công tác tuyên truyền thông qua nhiều hình thức (hội nghị, sơ kết, tổng kết, đĩa CD, poster; tuyên truyền trực tiếp khi thống kê đàn, cấp phát sổ tiêm phòng, tập huấn; truyền thanh cấp huyện, xã; website, Đài Phát thanh và Truyền hình; tuyên truyền qua các Hội, đoàn thể) góp phần nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng chống bệnh Dại ở động vật, trách nhiệm chủ nuôi chó quản lý và đưa chó đi tiêm phòng vắc xin Dại; nhận thức của cộng đồng về phòng, chống bệnh Dại. Tổ chức thống kê 01 lần/quý lồng ghép với kê khai hoạt động chăn nuôi định kỳ theo quy định. Hàng năm, tổ chức tiêm phòng vắc xin bệnh Dại định kỳ 01 đợt chính vào tháng 9-10 và hàng tháng tiêm phòng bổ sung, tỷ lệ tiêm phòng vượt mức bình quân của cả nước (mức bình quân cả nước 49,2%), cụ thể như: năm 2017 đạt 57,07%; 2018 đạt 66,81%; 2019 đạt 90,54%; 2020 đạt 76,35%; 2021- chưa tiêm đợt chính). Công tác xây dựng và duy trì cơ sở an toàn bệnh Dại: 5 phường thuộc thành phố Biên Hòa được chứng nhận an toàn dịch bệnh, đạt theo yêu cầu kế hoạch và tiếp tục thực hiện các biện pháp duy trì an toàn dịch bệnh với bệnh Dại. Tổng đàn chó mèo trên địa bàn tỉnh biến động khoảng 96.000 - 107.000 con, chủ yếu người dân nuôi giữ nhà, trông coi vườn, trại; Hiện tại, xu hướng phát triển hình thức nuôi chó, mèo làm cảnh, thú cưng và dự báo sẽ phát triển trong thời gian tới, đặc biệt tại khu vực đô thị. Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh không xuất hiện ổ dịch bệnh Dại trên chó mèo. Dự báo giai đoạn 2022 - 2030, khi ý thức người dân ngày càng nâng cao, công tác phòng chống dịch bệnh ngày càng được chú trọng thì nguy cơ xảy ra dịch bệnh Dại có xu hướng giảm.
Để triển khai thực hiện Chương trình quốc gia khống chế bệnh Dại giai đoạn 2022 - 2030; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phùng Đức Tiến nhấn mạnh 07 kết quả đạt được và 07 hạn chế của giai đoạn 2017 - 2021, trong đó lưu ý vấn đề tiêm phòng vắc xin cho đàn chó mèo còn đạt mức thấp, với 49,2% và vẫn xảy ra người chết vì bệnh Dại. Để giải quyết các tồn tại của giai đoạn 2017 -2021, Chương trình thực hiện giai đoạn 2022 - 2030 đặt ra 4 mục tiêu cụ thể ở động vật (Quản lý số hộ nuôi chó, mèo, số chó, mèo nuôi đạt trên 70% đối với giai đoạn 2022 - 2025 và đạt trên 90% đối với giai đoạn 2026 - 2030; Tổng đàn chó, mèo nuôi được tiêm phòng vắc xin Dại đạt 70% so với tổng đàn đối với giai đoạn 2022 - 2025 và đạt 80% đối với giai đoạn 2026 - 2030; Số tỉnh, thành phố thực hiện giám sát chó, mèo mắc, nghi mắc đạt trên 70% đối với giai đoạn 2022 - 2025 và đạt trên 90% đối với giai đoạn 2026 – 2030; Xây dựng thành công thêm ít nhất 10 vùng ATDB Dại cấp huyện hoặc vùng liên huyện (có thể của 1 hoặc nhiều tỉnh, thành phố) và ít nhất 10 cơ sở ATDB Dại cấp xã, phường. Duy trì 100% các vùng, cơ sở ATDB Dại trong giai đoạn 2017 - 2021); 06 mục tiêu cụ thể trên người (100% các huyện có điểm tiêm chủng công lập vắc xin Dại và huyết thanh kháng Dại cho người; 100% các tỉnh thực hiện truyền thông nguy cơ và nâng cao nhận thức cụ thể về bệnh Dại ở cộng đồng/trường học; 100% số người tiêm vắc xin phòng Dại do động vật cắn được báo cáo, thông qua hệ thống báo cáo quốc gia; 90% số người bị động vật cắn bị được điều trị dự phòng đủ sau phơi nhiễm; Đến năm 2025, không còn tỉnh nguy cơ cao về bệnh Dại trên người và đến 2027 không còn tỉnh có nguy cơ bệnh Dại trung bình trên người; Đến năm 2025, giảm 50% số người bị tử vong do bệnh Dại so với giai đoạn 2017 - 2021 và phấn đấu không còn người tử vong vì bệnh Dại vào năm 2030). Đồng thời, đề ra 14 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện đạt mục tiêu đề ra, trong đó tập trung: công tác tuyên truyền về bệnh Dại, tổ chức tiêm phòng vắc xin Dại, quản lý đàn chó mèo, xử lý vi phạm,…đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm và tập trung hơn nữa, sự vào cuộc cả hệ thống chính trị tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Dại nhằm đạt được mục tiêu đề ra, loại trừ bệnh dại, phấn đấu không còn người tử vong vì bệnh Dại vào năm 2030.

Kết quả thực hiện Chương trình quốc gia khống chế bệnh Dại giai đoạn 2017 - 2021 và kế hoạch thực hiện 2022 - 2030_hình 1_.jpg

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Phùng Dức Tiến và Thứ trưởng Bộ Y tế - Đỗ Xuân Tuyên chủ trì Hội nghị tại điểm đầu cầu Trung ương

Kquả thực hiện Chương trình quốc gia khống chế bệnh Dại giai đoạn 2017 - 2021 và kế hoạch thực hiện 2022 - 2030_Hình 2.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai – Võ Văn Phi, cùng các đại biểu tại điểm đầu cầu tỉnh Đồng Nai


Quang Tuyên
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​