​Dự báo 3 kịch bản tăng trưởng sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến cuối năm 2021

Theo số liệu của Cục Chăn nuôi (thời điểm 01/7/2021): tổng đàn lợn đạt khoảng 27 triệu con (bao gồm lợn con theo mẹ và lợn giống); đàn gia cầm đạt 518,8 triệu con (thời điểm 01/01/2021 đạt 517,7 triệu con; đến thời điểm 01/4/2021 đạt 500,7 triệu con); đàn bò thịt đạt 6,02 triệu con; đàn bò sữa đạt 308,5 ngàn con. Chăn nuôi trâu, bò trong tháng 7 và tháng 8/2021, gặp khó khăn do dịch viêm da nổi cục vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Chăn nuôi lợn đối mặt với những khó khăn khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao (giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm tiếp tục tăng so với tháng 7/2021, dù mức tăng đã giảm khoảng 50% so với mức tăng của các tháng 7/2021), trong khi giá bán lợn hơi giảm, hiện giá thịt lợn hơi giảm về mức dưới 60.000 đg/kg. Đàn gia cầm phát triển ổn định, tuy nhiên, tại một số địa phương đã phát hiện chủng vi-rút cúm gia cầm mới A/H5N8 (lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam); bên cạnh đó giá thịt gà công nghiệp lông trắng tại một số vùng đang xuống thấp, giao động 7-12.000 đồng/kg, gây khó khăn cho người chăn nuôi.
Tình hình sản xuất, cung ứng sản phẩm chăn nuôi được bảo đảm, không gây thiếu hụt cục bộ và đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, một số khu vực tại các thành phố lớn, các tỉnh thực hiện giãn cách xã hội đặc biệt như: thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh... có hiện tượng chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn chủ yếu do nhiều nguyên nhân: các cơ sở giết mổ đóng cửa vì có ca dương tính với Covid, không đảm bảo quy định 3 tại chỗ; các trạm kiểm soát Covid-19 kiểm soát chặt, việc cấp mã QR chậm gây khó khăn trong vận chuyển; việc đóng cửa các chợ truyền thống, chợ đầu mối gây ảnh hưởng mạnh đến tiêu thụ sản phẩm.
Kế hoạch sản xuất chăn nuôi trong năm 2021 đã được Cục Chăn nuôi đề ra: đàn lợn đạt khoảng 27,1 triệu con (tăng 3,6% so với năm 2020); đàn gia cầm đạt khoảng 512,9 triệu con (tăng 3,4%); đàn bò khoảng 6,1 triệu con (riêng đàn bò sữa đạt 395,2 nghìn con, tăng 19,3%); đàn trâu đạt 2,4 triệu con (tăng 2,9%). Sản lượng thịt hơi các loại trên 5,67 triệu tấn (tăng 1,9%); sản lượng sữa tươi 1,2 triệu tấn (tăng 13,5%); sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi đạt gần 21,5 triệu tấn (tăng 5,9%) với năm 2020. Tuy nhiên theo dự báo, những tháng cuối năm 2021, sản xuất chăn nuôi tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thời tiết khí hậu diễn biến bất thường (mùa mưa bão), tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ phát sinh dịch bệnh; đặc biệt là diễn biến rất phức tạp và nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19 làm gia tăng nguy cơ đứt gãy hàng loạt các chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm chăn nuôi.
Dựa vào số liệu chăn nuôi hiện nay, trong điều kiện chăn nuôi ổn định và phát triển thì ước tính đến hết năm 2021, sản lượng thịt các loại có thể đạt 6 triệu tấn. Tuy nhiên, trước tình hình ảnh hưởng của dịch Covid-19 như hiện nay, Cục Chăn nuôi đã xây dựng 03 kịch bản tăng trưởng nhằm phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất, như sau: (01) Phương án cao: cuối quý III và quý IV/2021 các địa phương phục hồi sản xuất chăn nuôi tốt, tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 5,7 triệu tấn, tốc độ tăng sản lượng thịt hơi ở mức 2,54% so với 2020; từ đó tính GTSX đạt tăng trưởng 4,14%. (02) Phương án trung bình: ngành chăn nuôi ổn định, nhưng không đạt kế hoạch: tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 5,5 triệu tấn, tốc độ tăng GTSX là 0,89%. (03) Phương án thấp: ngành chăn nuôi tăng trưởng thấp so với năm 2020 và không đạt kế hoạch: tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 5,4 triệu tấn, tốc độ tăng GTSX là -1,42%. Để điều hành, sản xuất chăn nuôi trong các tháng cuối năm 2021, hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, Cục Chăn nuôi đã xác định, triển khai nhiệm vụ, tập trung mọi nguồn lực hoàn thành tốt 06 nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể:
- Tập trung chỉ đạo đồng bộ các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn, ổn định phát triển chăn nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Đối với các địa phương hiện đang kiểm soát tốt dịch Covid-19, cần tăng cường giải pháp phát triển đàn vật nuôi nhằm duy trì nguồn cung con giống, sản phẩm chăn nuôi để có đủ nguồn cung cấp cho các địa phương đang gặp khó khăn do việc thực hiện giãn cách và phòng chống dịch Covid-19;
- Phối hợp với các địa phương trên cả nước đánh giá nguồn cung và nhu cầu về giống vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi; rà soát, cân đối lại kế hoạch phát triển trong các tháng cuối năm và cả năm 2021 tại mỗi địa phương, từ đó đề xuất giải pháp phù hợp, kịp thời trong công tác chỉ đạo phát triển sản xuất, bảo đảm giữ vững kế hoạch tăng trưởng lĩnh vực chăn nuôi trong năm 2021;
- Phối hợp với Cục Thú y, Trung tâm Khuyến nông QG và các đơn vị có liên quan tăng cường chỉ đạo tiếp tục triển khai mô hình chăn nuôi ATSH, ATBD trên các đối tượng vật nuôi; tăng cường phối hợp trong việc phòng chống dịch bệnh, nhất là DTLCP, bệnh LMLM, cúm gia cầm, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò…
- Tăng cường giám sát quản lý chất lượng vật tư lĩnh vực chăn nuôi, đặc biệt là kiểm soát an toàn thực phẩm. Tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan đặc biệt là khu vực các tỉnh biên giới. Phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan tiến hành xử lý các vụ việc vi phạm về chất lượng giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi; điều kiện sản xuất, kinh doanh lĩnh vực chăn nuôi…
- Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật phòng chống thiên tai cho đàn gia súc, gia cầm trước, trong và khôi phục sản xuất sau mưa lũ trong mùa mưa, bão sắp tới.
- Triển khai công tác chuẩn bị và chủ động trình Bộ xin chủ trương tổ chức Hội nghị trực tuyến “Phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững giai đoạn 2021-2025” (dự kiến trong tháng 9/2021 nếu điều kiện dịch bệnh cho phép); xây dựng kế hoạch, triển khai một số hội nghị về phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ, phát triển chăn nuôi lợn và phát triển chăn nuôi ong bền vững (dự kiến trong Quý IV/2021 tùy điều kiện cụ thể).
Tỉnh Đồng Nai có ngành chăn nuôi phát triển khá mạnh với 2 loại vật nuôi chủ lực là lợn và gà, số lượng đầu heo khoảng 2,4 triệu con (chiếm khoảng 9% tổng đàn lợn cả nước), số lượng gia cầm khoảng 27 triệu con (chiếm khoảng 5,2% tổng đàn gia cầm cả nước), trong đó đàn gà với 23,7 triệu con. Đối với đàn trâu, bò hiện nay có tổng đàn 89.254 con (chiếm khoảng 10% tổng đàn trâu, bò cả nước). Hiện nay, tỉnh đã xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp, nông thôn; kế hoạch phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh để triển khai thực hiện, tập trung sản xuất chăn nuôi 02 loại vật nuôi chính, theo hướng công nghiệp, quy mô sản xuất hàng hóa lớn, ổn định tổng đàn hiện có, quản lý chất lượng đàn nái, đực giống theo tiêu chuẩn, tạo đàn nái, đực giống bố mẹ chất lượng, thực hiện công tác đánh giá, bình tuyển hằng năm để loại thải những con giống bố mẹ không đạt, nhằm tăng năng suất chất lượng; sản xuất chăn nuôi theo quy trình VietGAHP, an toàn dịch bệnh, sử dụng phần mềm quản lý chăn nuôi để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Dự báo 3 kịch bản tăng trưởng sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến cuối năm 2021_hình 1.jpg
Trại heo tại huyện Long Thành

Dự báo 3 kịch bản tăng trưởng sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến cuối năm 2021_Hình2.png
Trại gà công nghiệp tại huyện Vĩnh Cửu
Thùy Dương – CC. CN&TY

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​