​Ngành chế biến Gỗ Đồng Nai đang cần giải pháp cho hướng đi mới

 Đồng Nai hiện có 199.981 ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp, chiếm 1/3 diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh; ngoài ra, trên địa bàn còn có gần 40.000 ha cây cao su và cây trồng phân tán, cây vườn nhà là một tiềm năng lớn về nguồn cung cấp nguyên liệu gỗ. Bên cạnh đó, Đồng Nai có các làng nghề chế biến gỗ truyền thống, với nguồn nhân lực có kinh nghiệm, tay nghề sản xuất các đồ mộc gia dụng, cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu, các chính sách kêu gọi, thu hút đầu tư của tỉnh. Đặc biệt, vị trí địa lý, Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, vùng kinh tế phát triển năng động bậc nhất của cả nước và có các tuyến giao thông huyết mạch cả: Đường bộ, đường thủy, hàng không, nối Nam Trung bộ, Tây nguyên với các tỉnh phía Nam. Với đặc điểm, tiềm năng trên, có thể nói, Đồng Nai có một thuận lợi lớn để phát triển ngành chế biến, thương mại gỗ, lâm sản bền vững, hiệu quả, hiện đại và hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế.         
 Ngành chế biến Gỗ Đồng Nai đang cần giải pháp cho hướng đi mới_hình 1.jpg
Đ/C Lê Văn Gọi – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị kết nối doanh nghiệp chế biến gỗ với vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.  
 
Tỉnh thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên từ năm 1997. Trong suốt nhiều thập kỷ qua, lâm nghiệp Đồng Nai luôn được phát triển theo hướng thực hiện có hiệu quả mục tiêu quản lý, bảo vệ và phát triển rừng toàn diện, bền vững, hài hòa các mục tiêu: Kinh tế - xã hội - môi trường; gắn kết các hoạt động bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, phát triển rừng, khai thác các nguồn lợi từ rừng, chế biến và thương mại lâm sản; gắn bảo vệ và phát triển rừng với ổn định dân cư trong các lâm phận theo quy hoạch, với phát triển kinh tế xã hội, giữ gìn an ninh trật tự và xây dựng nông thôn mới ở địa phương, đã góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.  
 Thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 18/2007/QĐ-TTg ngày 05/02/2007, ngành chế biến và xuất khẩu gỗ Đồng Nai đã đạt được những thành tựu to lớn, khích lệ trên tất cả các mặt: Sản phẩm phát triển ngày càng đa dạng, phong phú, phù hợp hơn với thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong đó, tập trung vào các mặt hàng gia dụng phục vụ xuất khẩu (cửa, bàn ghế, giường, tủ quần áo và một số mặt hàng nội thất khác); ngoài ra còn có các mặt hàng: dăm gỗ, viên gỗ nén, palet...) tiêu thụ cho các doanh nghiệp nước ngoài. Thị trường tiêu thụ, từ chỉ tập trung tái xuất khẩu sang một nước thứ ba, đến nay các sản phẩm gỗ chế biến của tỉnh đã có mặt trên 120 nước và vùng lãnh thổ toàn thế giới với nhiều doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu. Các thị trường chủ yếu như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Canada, Úc và các nước trong cộng đồng EU. Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 gần 1,70 tỷ USD bằng 13% kim ngạch xuất khẩu gỗ cả nước. Doanh nghiệp và cơ sở sản xuất: Đồng Nai hiện có là 810 cơ sở, doanh nghiệp chế biến gỗ, với: 275 doanh nghiệp (12 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), 535 cơ sở, hộ gia đình kinh doanh; trong đó, đã có số doanh nghiệp có qui mô vừa và lớn hoạt động trong Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp (32 doanh nghiệp); các doanh nghiệp trong hoạt động, đa số đầu tư, ứng dụng công nghệ tiên tiến, sản xuất sản phẩm đồ mộc có chất lượng, mẫu mã đáp ứng được thị trường đa dạng trong và ngoài nước.
 
 Ngành chế biến Gỗ Đồng Nai đang cần giải pháp cho hướng đi mới_hình 2.jpg
Chế biến gỗ công nghệ cao - Công ty Trách nhiệm Hữu hạn một thành viên   Phú Tài Khu Công nghiệp Tam Phước - huyện Nhơn Trạch.
 
Về Nguồn nguyên liệu gỗ và lâm sản cung ứng cho các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh: Gỗ từ rừng trồng, gỗ vườn nhà, cây trồng phân tán, gỗ cao su thanh lý được khai thác từ trong và ngoài tỉnh, chiếm tỷ lệ cao, khoảng 1.300.000 m3/năm chiếm 74.28 % (trong tỉnh 260.000m3, chiếm tỷ lệ 20%).
Song song những kết quả đạt được, Ngành Chế biến gỗ Đồng Nai, hiện đang có không ít những hạn chế, khó khăn đặt ra:
- Việc bảo đảm nguồn nguyên liệu có chất lượng và hợp pháp còn hạn chế:  chất lượng gỗ không đồng đều; sự liên kết hợp tác giữa người trồng rừng và nhà sản xuất chế biến gỗ chưa nhiều và chặt chẽ, nên doanh nghiệp khó chủ động được nguồn nguyên liệu; giá cả không ổn định. Nguồn nguyên liệu trong nước chủ yếu là gỗ nhỏ, chu kỳ khai thác ngắn đa số được lấy từ rừng chưa có chứng chỉ FSC. Nguồn nguyên liệu nhập khẩu, giá nguyên liệu thường biến động, không nắm rõ được nguồn gốc cũng như chất lượng.
- Qui mô sản xuất nhỏ lẻ phân tán, hầu hết các cơ sở, doanh nghiệp chế biến gỗ vừa và nhỏ, hoạt động đan xen trong các khu dân cư, số doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp rất thấp (gần 4%). Vấn đề thu thập thông tin, xử lý tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý môi trường, cháy nổ, an ninh trật tự đối với các cơ sở chế biến gỗ và lâm sản, cũng đang là vấn đề khó khăn, nan giải của các cơ quan quản lý nhà nước.
 Ngành chế biến Gỗ Đồng Nai đang cần giải pháp cho hướng đi mới_hình 3.jpg
Doanh nghiệp tư nhân Bình Giang sản xuất gỗ xuất khẩu hoạt động ngoài khu, cụm công nghiệp - phường Tân Hòa - thành phố Biên Hòa.
 
- Các doanh nghiệp nhỏ còn chủ yếu sản xuất gia công cho các doanh nghiệp lớn, sản phẩm xuất khẩu phải sử dụng thương hiệu của các doanh nghiệp có uy tín nên thường bị ép về giá, bất lợi trong quá trình đàm phán ký hợp đồng.
- Lao động trong các cơ sở chế biến gỗ chủ yếu là lao động phổ thông, trình độ nghề và năng suất lao động thấp, chưa đảm bảo việc nhận chuyển giao và ứng dụng các công nghệ vào sản xuất; thiếu hụt lớn nguồn lao động tay nghề cao; công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành chế biến gỗ chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức.
Để khắc phục những khó khăn, hạn chế trên, tạo đà cho ngành chế biến gỗ Đồng Nai đã có bước phát triển mới, bền vững trong giai đoạn tới, tương xứng với tiềm năng, lợi thế trên địa bàn. Một số giải pháp cần được sớm tập trung thực hiện đối với ngành chế biến gỗ Đồng Nai:
Với mục tiêu chung tỉnh Đồng Nai xác định: “Phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản tiếp tục là một ngành kinh tế mũi nhọn và đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Phát triển chế biến gỗ và lâm sản theo hướng gắn với thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh cao; đầu tư chiều sâu chế biến sản phẩm tinh, đổi mới mạnh công nghệ thiết bị; gắn chế biến với đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu trong tỉnh, trong vùng, góp phần ổn định đời sống cho người dân trồng rừng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường của tỉnh”.  
1. Trước hết cần chủ động nguồn gỗ nguyên liệu cho sản xuất chế biến: Rà soát quy hoạch cụ thể về vùng nguyên liệu, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trồng rừng nguyên liệu trong nước và liên kết trồng, tập trung trồng rừng theo phương thức thâm canh cây gỗ lớn, thực hiện hiệu quả Chương trình trồng 01 tỷ cây vì một Việt Nam xanh của Chính phủ, nhằm đáp ứng yêu cầu các mặt về cung ứng nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ cả về chất lượng và hồ sơ pháp lý.
2. Quan tâm sớm thực hiện quy hoạch Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp tập trung cho ngành chế biến gỗ, đảm bảo về hạ tầng điều kiện sản xuất, kinh doanh, không gây ô nhiễm môi trường đối với hoạt động này thời gian tới.
3. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng các trung tâm giao dịch gỗ để đảm bảo cung cấp nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, ổn định cho các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn cả nguồn trong nước và nhập khẩu. Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, từ khâu giống, trồng đến chăm sóc rừng. Đổi mới công nghệ chế biến, thiết kế mẫu mã sản phẩm, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.
4. Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao cho ngành chế biến gỗ; tăng cường liên kết, phối hợp giữa doanh nghiệp và các trung tâm đào tạo, để có hình thức đào tạo phù hợp, hiệu quả; coi công tác đào tạo lao động, coi nguồn nhân lực là vấn đề cấp thiết hiện nay và là thành công của mọi thành công.
5. Tiếp tục phát huy tốt vai trò của hiệp hội gỗ Đồng Nai, để tăng cường sự liên kết, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm quản lý hoạt động và tìm kiếm mở rộng thị trường…,  giữa các cơ sở, doanh nghiệp; góp phần đảm bảo hoạt động của ngành chế biến gỗ nói chung và từng cơ sở nói riêng luôn ổn định, bền vững.   
Các vấn đề trên được đồng bộ giải quyết; cùng với việc tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án “Sản xuất, chế biến lâm sản bền vững đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”; là kỳ vọng cho sự phát triển nhanh, bền vững của ngành chế biến gỗ, lâm sản Đồng Nai.        
Hoàng Sơn - VPĐP NTM tỉnh
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​