​Lời hẹn với Rừng

Sau 1975, tôi cùng nhiều đồng đội còn sống sót ra khỏi rừng luôn tự hỏi, bao giờ thì những cánh rừng nguyên sinh của Đồng Nai và miền Đông Nam bộ bị bom đạn cùng chất độc Dioxin thiêu rụi kia sẽ hồi sinh?
Khoan hãy nói về sự tàn phá rừng của bom đạn, chỉ nói về rừng bị khai thác để phục vụ chiến đấu. Quả vậy, chiến tranh nói theo nghĩa “vật chất” là phá hoại. Đoàn 814 của chúng tôi như một Tổng cục Hậu cần thu nhỏ của quân đội. Một nhà kho chứa vũ khí, một xưởng may quân nhu… cho đến Khu Đoàn bộ, đều phải đốn hạ cây rừng để xây dựng. Hành quân trong chiến khu Đ qua những suối khe dọc các đường vận tải, có hàng trăm cây cầu lớn nhỏ bằng cây dầu, sao, gõ cho xe vận tải 4,5 tấn chở đạn dược, lương thực đi qua rất…. bình thường. Nó vững chãi đến mức để bộ đội và người dân tin rằng cuộc chiến đấu của ta sẽ thắng lợi hoàn toàn. Vì chúng ta có những cây cầu như một biểu tượng của niềm tin không gì lay chuyển. Tất cả đều từ rừng. Sau 30/4, hỏi về Hội trường Đoàn bộ chứa trên 500 người, lúc đó được nhìn tôi đã choáng ngợp. Nhưng…. không đầy một tháng, dân hai tỉnh Sông Bé và Đồng Nai đã hoàn thành “thu dọn”. Thế đó, trên một trăm năm mới có một cây. Nhưng “phá” thì quá mau lẹ chỉ vài ngày, vài tuần một cánh rừng nguyên sinh trở thành “rừng trắng”…Sau chiến tranh, những năm 1980 - 1983 Đồng Nai đã thu được nhiều bài học bổ ích, thấm thía về phá rừng để trồng cây mỳ và cây lương thực ngắn ngày. Những cây dầu, bằng lăng bốn người ôm được hạ xuống đốt cháy thành than trong mấy ngày để trồng bắp và mỳ. Các cơ quan đơn vị luân phiên đi “khai hoang” làm rẫy. Không đến nỗi quá lâu chỉ sau vài năm người ta kịp nhận ra phá rừng là phá hủy sự sống của con cháu mai sau. Vẫn biết “ ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Nhưng những năm 1987 đến 1990, do phải trả nợ trong chiến tranh, chúng ta đã khai thác rừng lấy gỗ tròn xuất khẩu. Một ngày có hàng trăm xe cần câu nối đuôi nhau chở gỗ từ Mã Đà, Hiếu Liêm đi về các cảng… Nghèo lại chưa giỏi nên phải chịu thiệt đơn thiệt kép. Bù vào đấy, Đồng Nai đã kịp trồng rừng từ những năm 1979-1980. Năm 1981, tôi đến Hạt Kiểm lâm Vĩnh An đã viết được “Ánh trăng rừng tếch” . Ở đó, hàng chục héc ta cây tếch đã giao tán, chứng tỏ cây đã được trồng từ dăm sáu năm rồi. Đồng Nai lúc đó dẫn đầu cả nước về trồng cây gây rừng, hình thành những “cụm xã hội Lâm nghiệp”. Dưới tán rừng là những xóm ấp của người dân phiêu tán sau chiến tranh được cấp đất dựng nhà và trồng rừng. Ngành lâm nghiệp như một bà đỡ “mát tay” khai sinh những cuộc đời mới. Bao kiếp người thất cơ lỡ vận ở các hè phố bên lề xã hội. Thậm chí giựt dọc, giang hồ cả đời không biết cây cuốc, lưỡi liềm là gì. Nay biết phát rừng tỉa  rẫy làm ra hạt bắp củ mỳ nuôi sống bản thân. Biết trồng cây, phủ xanh đất na pan năm xưa như ươm lại cuôc đời. Rồichợ búa, nhà trẻ và trường học “tự nó” mọc lên theo những diện tích được phủ xanh đất trống đồi trọc. Chỉ tính riêng huyện Long Thành đã trồng trên 2.000 ha năm 1980 – 1983. Hạt Kiểm lâm Vĩnh An của Hai Kiên và Lê Thu trồng 920 ha. Phong trào có sức sống lan sang Hiếu Liêm, Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc … Gồm tràm  hỗn giao sao, dầu, cây giá tị (tếch) và xen canh cây lương thực ngắn ngày như mỳ, bắp. Đồng Nai là một mô hình tiêu biểu của cả nước thực hiện Quyết định 135-CP về giao đất giao rừng để người dân cùng Nhà nước quản lý, bảo vệ rừng và làm giàu vốn rừng.
Xin bạn đọc tham khảo vài con số sau để thấy được những thành quả trồng rừng, bảo vệ rừng ở Đồng Nai những năm 2010 đến 2020
 
​Năm 2010
Năm 2020
​Rừng tự nhiên  : 111.634 ha ​Rừng tự nhiên  : 123.693 ha
​Rừng trồng      :   56.248 ha ​Rừng trồng      :   57.634 ha
​Đất trống, khoanh nuôi rừng: 12.450 ha ​Đất trống, khoanh nuôi rừng: 1.140 ha
 
Trồng rừng đáng tự hào, nhưng các nhà lãnh đạo và chuyên môn Lâm nghiệp trăn trở rằng diện tích trồng rừng có đủ bù đắp những thiệt hại về môi trường bị tàn phá do phải khai thác rừng nguyên sinh để xuất khẩu?. Những trăn trở đó lập tức biến thành những biện pháp cấp bách để bảo vệ rừng. Năm 1997, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Một ra lệnh đóng cửa rừng (Đồng Nai đóng cửa rừng trước cả nước hai năm). Kế hoạch thành lập Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai (Khu DTSQ) được thai nghén. Bản chất kế hoạch này nhằm bảo tồn sự đa dạng sinh học của thiên nhiên. Con người sống thuận theo thiên nhiên nhưng không ngừng học hỏi từ thiên nhiên để làm phong phú thêm những “Mô hình vô giá” cho sự phát triển bền vững.
Tháng 6/2011 khi trao Bằng công nhận Khu DTSQ của UNESCO cho Đồng Nai, bà K.Muler Marin đã nói: “các Khu DTSQ được lựa chọn để không ngừng cải thiện chất lượng cuộc sống của con người…” con người được quyền khai thác hợp lý những nguồn lợi từ thiên nhiên để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.
Rừng Đồng Nai với nhiều ưu thế vượt trội về nguồn gen quý hiếm của động thực vật. Gỗ quý có lát hoa, sao, gõ đỏ, vệ tuyền Biên Hòa …chim thú quý với trên 2.800 loài, có loài được ghi trong Danh lục đỏ IUCN (2015) của Thế giới. Thí dụ: Voi, bò Banten, vượn đen má vàng và con min(trâu rừng). Loại này thường xuất hiện  ở vùng giáp ranh Nam Cát tiên ngày nay và Bình Phước. Nói “ngày nay” vì mùa mưa năm 1974 tôi gặp một đàn 6 con, có cả con nghé. Lúc đầu ngỡ trâu của dân, nhưng giao liên bảo trâu rừng thì mới vỡ lẽ. Có con nặng cả tấn, trông rất đồ sộ hơn trâu nhà. Lại như mới đây hôm đi thăm căn cứ TW Cục, cô bé Mai Thi Kiểm lâm kiêm hướng dẫn du lịch cho biết ở Khu này có đồng chí Kiểm lâm phải vứt xe chạy luồn rừng để thoát bò tót truy đuổi. Năm ngoái, một chiến sỹ Kiểm lâm cũng chu đáo dặn tôi khi đi rừng “ Chú đi nhớ về sớm vượt qua nơi bò rừng ra ăn cỏ”. Một tín hiệu đáng mừng về sự bảo tồn cho động vật hoang dã phát triển. Bây giờ nghĩ lại thấy tiếc và xót. Người ta đã có lúc coi bắn được nhiều voi và bò để cải thiện bữa ăn cho bộ đội trong chiến tranh là một thành tích. Nay đương nhiên phải khác. Những ai săn bắn trái phép động vật hoang dã trong Khu DTSQ sẽ bị truy tố trước pháp luật. Một hàng rào điện tử được thiết lập dài trên 60 cây số từ Tân Phú về đến xã Phú Lý huyện Vĩnh Cửu nhằm bảo vệ voi và bò tót đã tỏ rõ hiệu quả. Một phản ứng điện từ đủ để con vật khổng lồ kia dội lại khi nó chạm vào. Và chúng vẫn ở lại “lãnh địa” mà chúng được ưu ái một cách an toàn.
 Lời hẹn với rừng_hình 1.png
Nguồn ảnh: Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai

Đồng Nai lại được thiên nhiên ưu ái, điều kiên địa lý tự nhiên vô cùng phong phú: đồi núi thấp và nghiêng dần về Nam và Đông Nam. Nhiều đồng bằng nhỏ và vừa xen  kẽ sông suối, ao hồ, đầm còn gọi Khu ramsa ngập nước quanh năm. Đó là những điều kiện lý tưởng cho sự phát triển đa dạng của hệ động thực vật quí hiếm. Được phân bố trên cả ba vùng “chiến lược” của Khu DTSQ với tổng diện tích:969.993 ha. Vùng lõi: 173. 073 ha (Vườn QG Nam Cát tiên và Khu BTTN văn hóa Đồng Nai).
Vùng đệm: 350. 995 ha; Vùng chuyển tiếp: 446. 925 ha.
Ba vùng này có những chế độ đặc biệt về chăm sóc, bảo vệ. Thí dụ: vùng lõi và vùng đệm ưu tiên nghiêm ngặt cho việc trồng cây bổ sung: cây bản địa gồm lát hoa, sao dầu, bằng lăng, vệ tuyền, giác đế, tràn v.v…
Vùng chuyển tiếp: ưu tiên loại cây phát triển rừng phòng hộ, có thể trồng hỗn giao cây có bụi tre nứa, tràm phù hợp loại rừng sản xuất.
Sau khi Khu DTSQ được thành lập từ năm 2011 đến những năm 2018-2019, Đồng Nai đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong quản lý bảo vệ rừng, phát triển diện tích rừng có chất lượng. Với trên 3.879 ha trồng cây gỗ lớn bản địa. Mỗi ha nhân với 600 cây, ta có: 232.740.000 cây. Mỗi cây cao từ 6 đến 8 mét, đường kính bình quân 40cm. Con số này còn khiêm tốn so thực tế đạt được. Tôi đi cùng anh em kiểm lâm từ Bản doanh Khu DTSQ đến căn cứ “TW Cục”, sân bay Rang Rang qua chốt Mỹ, trọng điểm 12 ống cóng… không còn nhận ra những cánh rừng napan năm xưa. Thay vào đó, hàng ngàn ha rừng cây sao, dầu khép tán xanh mát mắt. Công sức con người thật đáng khâm phục. Tương thích với chiều cao cây rừng, đời sống của người dân vùng đệm, vùng chuyển tiếp được nâng lên gấp bội. Chợ búa không còn nhận ra đâu là chợ quê nghèo quán lá, bán vài mẹt cá biển ướp đá cùng tiếng rao kèn hơi “pép pép” của xe bán kem chiều muộn từ Sài Gòn lên còn nấn ná. Hàng loạt siêu thị mini mọc lên. Người ta mua từ cây kim đến chiếc ô tô Camry 4.0. Nhà hàng tiệc cưới, tiệm Spa mọc lên san sát. Đám cưới tại nhà hàng Đak Lua, Mã Đà, Định Quán phải đăng ký trước vài ba tuần là bình thường.
Bảo tồn cho phát triển, phát triển phải bảo tồn là một chủ trương đúng đắn, kịp thời đầy cảm hứng. Từ đây, Đồng Nai đề ra nhiều dự án gắn với sản xuất kinh doanh nghề rừng ở vùng đệm và vùng chuyển tiếp:
Dự án bảo tồn và phát triển nguồn gen cây bản địa; Dự án bảo tồn động vật hoang dã; Dự án du lịch sinh thái (Luật DLST - 2017) có sự tham gia của cư dân kết hợp giáo dục về bảo vệ môi trường; Dự án sản xuất chế biến lâm sản bền vững… Đào tạo tay nghề tạo công ăn việc làm và giảm nghèo cho 90.192 lượt lao động. Những mặt hàng thủ công mỹ nghệ bằng gỗ rừng trồng của Đồng Nai được ưa chuộng tại nhiều thị trường khó tính trên thế giới. Điển hình như: Hoa Kỳ, Pháp, Hàn Quốc, Hồng Kông và Đài Loan…hẳn bạn đọc đã từng nghe thị trường EU có lần đã trả lại những lô hàng(của những tỉnh, những công ty) để điều tra nguồn gốc gỗ. Bởi gỗ đó, họ biết được khai thác từ rừng nguyên sinh của nước sở tại. Các nước phát triển coi trọng hàng chất lượng cao, nhưng từ gỗ rừng trồng.Do đó, Đồng Nai coi trọng Dự án sản xuất chế biến lâm sản bền vững. Và đã thu hút được những khoản đầu tư trong và ngoài nước khá ấn tượng cho dự án này:
Thu hút đầu tư trong nước: 28.493,1 tỷ USD; thu hút đầu tư nước ngoài: 1.915,5 tỷ USD. Thu nhập bình quân đầu người đạt 92,27 triệu VND người/năm. Cá biệt có trường hợp đạt trên 100 đến 200 triệu.
Năm 2020 giá trị xuất siêu toàn tỉnh đạt: 4,4 tỷ USD, trong đó sản phẩm từ gỗ đạt 1,68 tỷ USD.
 lhẹn với rừng_hình 2.png
Nguồn ảnh: Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai

Tôi “đi với rừng” Đồng Nai từ những năm 1980, khát cháy cổ trên rừng cỏ tranh, khi cây tràm còn lúp xúp. Bốn mươi sáu năm nhìn lại, rừng Đồng Nai chuyển biến sâu sắc cả về Lượng và Chất. Nói về Lượng: Trên 4000 ha rừng nằm  xen kẽ trong toàn bộ Khu DTSQ được chọn lọc trồng cây bản địa hơn 40 năm đã thành rừng. Còn về Chất: Rõ ràng Lượng đổi thì Chất đổi. Rừng góp phần giảm thiểu đáng kể tác động xấu của biến đổi khí hậu. Thảm thực bì của rừng giữ đất, ngăn thảm họa lũ lụt, chống xói mòn. Rừng là nơi dự trữ nguồn nước được coi như mạch máu của hàng triệu người dân những vùng đồng bằng ở trung và hạ lưu sản xuất, cung cấp lương thực, thực phẩm cho cuộc sống xã hội.  Màu xanh của hàng ngàn ha rừng sinh động hơn mọi trang thành tích khi ta nói về những cố gắng vượt bậc của ngành lâm nghiệp trong việc trồng rừng, bảo vệ rừng như thế nào?
Trang viết trên đây e rằng chỉ mới phần nào đề cập đến những thành tựu về xây dựng và làm giàu vốn rừng ở Đồng Nai sau những chuyến đi xâm nhập của tôi. Nhưng rõ ràng rừng là một nguồn lực vô tận cho cuộc sống. Nguồn nước từ Khu DTSQ Đồng Nai - đúng như tên gọi mang tính bản chất của nó, là một mạch ngầm vô giá cho dòng sông Đồng Nai tạo động lực những vòng quay cho Thủy điện Trị An, nuôi dưỡng những mùa màng bội thu ở hạ lưu và hàng ngàn Khu công nghiệp đang ngày đêm sinh lợi cho đất nước. Lời hẹn với rừng của tôi đã thành hiện thực.Nghĩ càng thấm thía lời dạy của Bác Hồ “Rừng là vàng nếu mình biết bảo vệ và chăm sóc thì rừng rất quý”.
Nhà văn Lê Đăng Kháng - Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đồng Nai
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​