​Hội nghị trực tuyến phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò

Để triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu bò trên phạm vi cả nước; ngày 27/5/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò. Dự Hội nghị có đồng chí Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan; Tại điểm cầu tỉnh Đồng Nai, có đồng chí Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các Sở ngành, địa phương và đơn vị liên quan cùng tham dự.
Theo báo cáo của Cục Thú y: Bệnh VDNC lần tiên được phát hiện và mô tả tại Zambia vào năm 1929, sau đó dịch bệnh đã lây lan và lưu hành ở hầu khắp các châu lục. Đến nay, bệnh VDNC là dịch bệnh địa phương tại hầu hết các nước Châu Phi. Từ năm 2012, bệnh đã lây lan nhanh sang khu vực Trung Đông, Đông Nam Châu Âu, Ban - căng, biên giới Á - Âu, Nga và Kazzakhstan.
Bệnh VDNC trên trâu, bò lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam vào tháng 10/2020; đến ngày 25/5/2021, dịch bệnh đã xảy ra tại 2.306 xã của 32 tỉnh, thành phố, với tổng số 60.176 con gia súc mắc bệnh,  với 9.539 con gia súc chết và tiêu hủy. Hiện nay, cả nước có 1.416 ổ dịch chưa qua 21 ngày tại 201 huyện của 27 tỉnh, thành phố với 48.465 con gia súc mắc bệnh và 7.027 con gia súc chết và tiêu hủy. Dịch bệnh hiện đang xảy ra nặng nhất ở các tỉnh: Hà Tĩnh (208 xã, 17.420 trâu, bò mắc bệnh, trong đó có 2.541 con chết, tiêu hủy), sau đó đến tỉnh Quảng Bình (112 xã, 8.571 gia súc bệnh, 921 gia súc chết, tiêu hủy), Nghệ An (323 xã, 7.296 con gia súc bệnh, 1.559 gia súc chết, tiêu hủy), Thanh Hóa (314 xã, 6.575 gia súc bệnh, 1.329 gia súc chết, tiêu hủy).
Nguy cơ dịch bệnh VDNC tiếp tục phát sinh và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao do: Thời tiết thay đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho các vật chủ trung gian truyền bệnh phát triển (ruồi, muỗi, ve, mòng,...); một số địa phương chưa triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; chưa thực hiện nghiêm việc công bố dịch và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; chưa có kế hoạch, chưa bố trí kinh phí phòng, chống dịch, đặc biệt là kinh phí mua vắc xin và tổ chức tiêm phòng bệnh VDNC; tỷ lệ tiêm phòng vắc xin VDNC thấp, trong khi cần tối thiểu 21 ngày sau tiêm phòng vắc xin mới có đáp ứng miễn dịch phòng bệnh có hiệu quả.
Phát biểu Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phùng Đức Tiến đề nghị: UBND các tỉnh/thành phố cần tập trung các nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Luật Thú y và văn bản hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; khẩn trương có bố trí kinh phí mua vắc xin để tổ chức tiêm phòng, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu trên 80% số gia súc thuộc diện tiêm; mua thuốc diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng tại các địa phương có nguy cơ cao; tổ chức giám sát, phát hiện sớm, kịp thời xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan; kiện toàn hệ thống thú y các cấp, tăng cường tuyên truyền đến chủ vật nuôi về sự nguy hiểm và thiệt hại nếu dịch bệnh xảy ra, hướng dẫn chủ vật nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh; Cục Thú y tiếp tục tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu khẩn cấp vắc xin phòng chống bệnh VDNC; đào tạo, tập huấn phòng chống dịch và cử các đoàn công tác đến các địa phương có dịch bệnh, địa phương có nguy cơ cao để đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, hỗ trợ triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; Cục Chăn nuôi có hướng dẫn các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học;…
Tỉnh Đồng Nai có ngành chăn nuôi phát triển khá mạnh với 2 loại vật nuôi chủ lực là heo và gà, số lượng đầu heo khoảng 2,4 triệu con, số lượng gà khoảng 23,7 triệu con. Đối với đàn trâu, bò hiện nay có tổng đàn 89.254 con (trong đó: 86.119 con bò, 3.135 con trâu), chăn nuôi nông hộ 71.854 con, chiếm tỷ lệ 80,5% tổng đàn, với 8.548 hộ nuôi nhỏ lẻ. Nhìn chung, số lượng đàn trâu, bò rất ít (chiếm khoảng 1,03% đàn trâu bò cả nước), hầu hết là chăn nuôi nông hộ, thường không quan tâm đến các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh Viêm da nổi cục trâu, bò trên địa bàn tỉnh thời gian tới; ngoài việc tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp nêu trên theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh đang tập trung bố trí kinh phí tổ chức tiêm phòng vắc xin để chủ động phòng dịch cho đàn trâu, bò; đồng thời, tổ chức thực hiện lấy mẫu giám sát lưu hành của mầm bệnh, phát hiện và xử lý kịp thời không để dịch lây lan.
 Hội nghị trực tuyến phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò_hình 1.jpg
Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Đồng Nai
Quang Tuyên – KHTC Sở
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​