​Cách nhận biết, biện pháp phòng và điều trị bệnh Viêm da nổi cục trên gia súc

Theo báo cáo của Cục Thú y, tính từ tháng 10/2020 đến nay, cả nước đã xảy ra 950 ổ dịch bệnh Viêm da nổi cục, tại 917 xã thuộc 151 huyện của 25 tỉnh, thành phố. Tổng số trâu, bò mắc bệnh là 22.397 con, trong đó đã tiêu hủy là 1.761 con.
Hiện tại, mặc dù tỉnh Đồng Nai chưa phát hiện gia súc bị mắc bệnh Viêm da nổi cục nhưng theo khuyến cáo của Cục Thú y, địa phương vẫn cần tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt quá trình mua bán, vận chuyển trâu, bò từ các tỉnh khác vào địa bàn và đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người chăn nuôi nâng cao hiểu biết và nhận thức để phòng ngừa dịch bệnh xuất hiện và lây lan; tăng cường áp dụng các biện pháp chủ động phòng chống dịch nhằm hạn chế tối đa thiệt hại cho người chăn nuôi gia súc trên địa bàn.
1. Nguyên nhân và đường lây truyền bệnh viêm da nổi cục
a. Nguyên nhân gây bệnh
Vi rút gây bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) thuộc giống Capripoxvirus-genus, họ Poxviridae-family. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, nổi các nốt sần trên da, bệnh có thể dẫn đến những thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, đặc biệt là khi bệnh xâm nhập vào khu vực chưa có bệnh.
Trâu, bò mắc bệnh, năng suất sữa giảm mạnh và gây viêm vú thứ phát, gây vô sinh, sảy thai, bất dục ở bò đực giống, giảm tăng trọng và da bị tổn thương vĩnh viễn. Thời gian phục hồi kéo dài và gia súc bị ảnh hưởng nghiêm trọng có thể không lấy lại được sức sản xuất như trước khi bị nhiễm bệnh.
b. Đường lây truyền
Đường lây truyền của bệnh Viêm da nổi cục khá đa dạng: Do côn trùng hút máu ( một số loài ruồi và muỗi, hoặc bọ ve); Do tiếp xúc trực tiếp; Do thức ăn, nước uống, dụng cụ mang mầm bệnh; Lây truyền qua nhau thai cũng đã được báo cáo, bê con sinh ra bị tổn thương trên da; Bê con đang theo mẹ có thể bị nhiễm bệnh qua sữa, hoặc do tổn thương da ở núm vú (hiếm gặp do kháng thể mẹ truyền sang); Lây truyền qua kim tiêm bị ô nhiễm trong quá trình điều trị hoặc trong quá trình tiêm phòng; Lây truyền qua đường giao phối tự nhiên hoặc qua thụ tinh nhân tạo; Sữa non/sữa từ bò bị nhiễm bệnh là một nguy cơ.
  Cách nhận biết, biện pháp phòng và điều trị bệnh Viêm da nổi cục trên gia súc_hình 1.jpg
Con đường truyền lây bệnh viêm da nổi cục

2. Dấu hiệu lâm sàng
a. Những triệu chứng lâm sàng
Tỷ lệ mắc bệnh rộng từ 3 – 80%, tỷ lệ chết thường thấp 1- 5%, nếu thành dịch thì tỷ lệ chết có thể >20%; Tất cả các độ tuổi bò đều có nguy cơ mắc bệnh viêm da nổi cục; Bò sữa, bò đang tiết sữa và bò non, bê con có biến chứng nặng hơn bò thịt trưởng thành. Thời gian ủ bệnh từ 2 đến 5 tuần; Sốt do nhiễm trùng nhưng không biểu hiện rõ; Gia súc non là đối tượng dễ mắc nhất; Các cục phát triển nhanh trên toàn thân; Các nốt nổi lên, hình tròn, rắn chắc thường thấy ở đầu, cổ, bầu vú, mông; Giảm sản lượng sữa, ăn kém, hạn chế nhai lại.
 cách nhận biết biện pháp phòng và điều trị bệnh Viêm da nổi cục trên gia súc_hình 2.jpg
Trên da bò xuất hiện các nốt sần, nổi cục

b.Bệnh tích lâm sàng
Bệnh tích đặc trưng là nổi cục và vùng nổi cục; Dưới da viêm nổi cục, xơ hoá; Xuất hiện ở khắp màng nhầy đường tiêu hóa (dạ cỏ, ruột); Viêm xuất huyết ở màng phổi và nốt trong phổi; Xuất huyết ở lá lách, gan, thận, tim;    Xuất huyết não, màng não.


 cách nhận biết biện pháp phòng và điều trị bệnh Viêm da nổi cục trên gia súc_hình 3.jpg
Vết loét ở chỗ các nốt sần sau điều trị

3. Phòng bệnh
Để phòng ngừa bệnh viêm da nổi cục hiệu quả, cần căn cứ vào 5 điểm mấu chốt sau đây:
-Nhận thức cao và phát hiện bệnh sớm.
-Hạn chế hoặc cấm hoàn toàn việc vận chuyển gia súc giữa các vùng.
-Tiêu huỷ gia súc bệnh.
-Tiêm phòng toàn đàn.
-Kiểm soát các vector truyền bệnh.
a.Tiêm vắc xin phòng bệnh
-Chương trình tiêm phòng khả thi khác nhau tùy theo các vùng địa lý và phương thức chăn nuôi, đây là một biện pháp kiểm soát lây lan duy nhất.
-Đối với những cá thể sống sau khi mắc bệnh thì khả năng miễn dịch gần như là suốt đời.
-Những bê sinh ra từ bò mẹ đã khỏi bệnh hoặc sử dụng vắc xin thì được miễn dịch với bệnh trong thời gian 6 tháng.
b.Kiểm soát và loại trừ mầm bệnh
Để kiểm soát và loại trừ mầm bệnh cần tiến hành tổng thể các biện pháp như sau: Khoanh vùng dịch; Tiêm phòng vaccine cho gia súc; Kiểm soát côn trùng: Phát quang bụi rậm, phun đuổi côn trùng…; Kiểm soát vận chuyển và di chuyển gia súc; Cách ly gia súc bệnh và can thiệp điều trị; Khử trùng, tiêu hủy và xử lý sản phẩm có liên quan, chất thải chăn nuôi…; Khử trùng và tiêu độc chuồng nuôi, khu vực xung quanh khu chăn nuôi.
c.Định kỳ phun khử trùng chuồng trại
-Phun khử trùng, sát trùng thường xuyên (1 – 2 lần/tuần) bằng: Hóa chất sử dụng để diệt vi rút VDNC bao gồm ether (20%), chloroform, formalin (1%), phenol (2% trong 15 phút), sodium hypochlorite (2 – 3%), hợp chất iodine (pha loãng 1:33), Virkon (2%), hợp chất amoni bậc bốn (0,5%) ...
-Vi rút có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 650C trong 30 phút, 550C trong 2 giờ, nhạy cảm với môi trường a xít; tồn tại ở pH 6,6 – 8,6 trong 5 ngày ở nhiệt độ 370C. 
 Bích Ngọc (TTDVNN tỉnh)
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​