​Một giải pháp đạt được 02 mục tiêu

Ngày 01/4/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 524/QĐ-TTg phê duyệt Đề án trồng 01 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025. Quan điểm chỉ đạo của Đề án, xác định phát triển cây xanh có vai trò ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu; phát triển cây xanh cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; phát huy truyền thống trồng cây do Bác Hồ khởi xướng, đưa việc trồng cây xanh trở thành phong trào thi đua, thiết thực, hiệu quả của các cấp, các ngành, trong từng khu dân cư với sự tham gia của tất cả mọi người dân, là hành động thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện chỉ đạo trên, tỉnh Đồng Nai đang tập trung nhiều giải pháp tích cực để tổ chức triển khai thực hiện. Một trong giải pháp đó là, đưa Chương trình trồng 01 tỷ cây xanh vào nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; trong đó, Tỉnh Đồng Nai dự kiến trồng 20 triệu cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 (12 triệu cây xanh trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn; 08 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, đặc dụng và trồng rừng sản xuất).  
Để giải pháp thực hiện được căn cơ, có cơ sở cả về khoa học và thực tiễn, ngày 20/4/2021, Ban Chỉ đạo Nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới tỉnh đã tổ chức Hội thảo  ”Đề xuất tiêu chí trồng cây xanh trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”, để xin ý kiến các sở, ngành, địa phương đã và đang thực hiện nội dung xanh trong Bộ tiêu chí nông thôn mới; các nhà khoa học, chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.  
 Một giải pháp đạt được 02 mục tiêu_Hình 1.jpg
Đồng chí Lê Văn Gọi – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh) phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo
 
Qua Hội thảo, các ngành, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học đều thông nhất cao, thực trạng vừa qua: Nội dung xanh Bộ tiêu chí nông thôn mới trong thực hiện còn nhiều khó khăn, hạn chế: việc xây dựng, hướng dẫn thực hiện nội dung xanh trong các chỉ tiêu, tiêu chí chưa được định lượng cụ thể, rõ ràng, còn mang nặng định tính; việc thực hiện của các địa phương còn úng túng và chưa được đồng đều giữa các khu dân cư, mảng xanh tự nhiên chưa được chăm chút, cắt tỉa, cây trồng mới, thiếu biện pháp hiệu quả để chăm sóc, nhiều tuyến đường ngõ xóm rất hạn chế mảng xanh, cây trồng chưa phong phú, đa dạng, chưa có nhiều giải pháp cụ thể để chăm sóc quản lý cây trồng đảm bảo phát triển ổn định. Công tác xét, công nhận nông thôn mới nâng cao vừa qua, các nội dung về sáng, xanh, sạch, đẹp nói chung, nội dung xanh nói riêng là một trong những vấn đề còn nhiều tồn tại nhất.   
Một giải pháp đạt được 02 mục tiêu_Hình 2.jpg
Đồng chí Nguyễn Hùng Cường - Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Quán phát biểu tại hội thảo

Sau đánh giá, Hội thảo đã thống nhất cao: Cần phải những khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc hiện nay đối với nội dung xanh trong bộ tiêu chí nông thôn mới; thực hiện hiệu quả Chương trình trồng 01 tỷ cây xanh. Giải pháp đưa chỉ tiêu cây xanh vào Bộ tiêu chí nông thôn mới là giải pháp phù hợp, cần thiết, có tính sáng tạo cần được tập trung triển khai sớm. Giải pháp đạt được mục tiêu kép đó là: Vừa thúc đẩy Chương trình nông thôn mới phát triển nhanh, toàn diện, bền vững trên tất cả các mặt; vừa đẩy nhanh hoàn thành Đề án trồng 01 tỷ cây xanh trên địa bàn.    
Một giải pháp đạt được 02 mục tiêu_Hình 3.jpg
Đồng chí Ngô Hữu  Phụng – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cẩm Mỹ phát biểu tại hội thảo

Trên cơ sở đó; góp phần bảo vệ môi trường chung, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của tỉnh nhà. Một số giải pháp dược hội thảo tập trung đặt ra:
1- Trước hết cần hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý nội dung xanh trong Bộ tiêu chí nông thôn mới theo hướng rõ về định lượng, không trùng lắp; giao chỉ tiêu thực hiện Đề án trồng 1tỷ cây xanh thống nhất từ tỉnh đến cấp cơ sở và rõ ràng, cụ thể về hướng dẫn về thực hiện.     
2. Cần xác định để việc trồng cây xanh đạt hiệu quả cao cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và đưa việc trồng cây xanh thực sự trở thành phong trào thi đua thường xuyên, thiết thực, của các cấp, các ngành, trong từng khu dân cư với sự tham gia tích cực của mọi người dân.  
3. Phải thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền để thông tin về vai trò, tác dụng của cây xanh trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, cung cấp giá trị kinh tế, xã hội. Tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức và trách nhiệm các cấp, các ngành, toàn xã hội trong việc bảo vệ và phát triển rừng, trồng cây xanh. Phát động phong trào thi đua “Ngày Chủ Nhật xanh”, “Ngày Chủ Nhật nông thôn mới”, “Trồng thêm một cây xanh là thêm một hành động vì môi trường”, “Màu xanh cho tương lai”… để kêu gọi, vận động toàn dân tham gia trồng cây, trồng rừng, tạo nên phong trào thường xuyên, liên tục, hiệu quả trong toàn xã hội.  
4. Công tác quy hoạch Phải được chú trọng làm tốt ngay từng xã, từng huyện và cả trên địa bàn tỉnh đối với trồng cây xanh và tổ chức thực hiện quản ý nghiêm theo đúng quy hoạch.
 Một giải pháp đạt được 02 mục tiêu_Hình 4.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Văn Quý - Trưởng khoa Lâm học, Phân hiệu Trường Đạo học Lâm Nghiệp trao đổi về những giải pháp thực hiện nội dung xanh trong bộ tiêu chí nông thôn mới

5. Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm việc trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển cây xanh được an toàn, hiệu quả; phải gắn với trách nhiệm chăm sóc, quản lý, bảo vệ, giám sát, đảm bảo diện tích đất thuộc các đối tượng trồng rừng, trồng cây xanh phân tán có chủ quản lý cụ thể, rõ ràng. Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu về trồng, chăm sóc, phát triển cây xanh trồng tập trung và phân tán.    
6. Tăng cường thu hút mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế: Đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng và bảo vệ cây xanh; huy động mạnh vốn từ xã hội hóa, vốn đóng góp hợp pháp của các doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng rừng, trồng cây xanh; thông qua các dự án tài trợ hoặc sáng kiến thành lập quỹ trồng cây xanh của các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, tập đoàn kinh tế và lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế xã hội: Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; các dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp, công sở, làm đường giao thông có hạng mục trồng cây xanh được các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện; các chương trình phát triển kinh tế xã hội khác; các nguồn vốn từ nguồn dịch vụ môi trường rừng, Quỹ bảo vệ môi trường ,….
7. Loài cây trồng phù hợp với mục đích cảnh quan và điều kiện sinh thái, tập quán canh tác của từng địa phương, từng khu vực cụ thể; ưu tiên trồng cây bản địa, thân gỗ, đa mục đích, có giá trị bảo vệ môi trường, tác dụng phòng hộ, cây quý, hiếm, mang bản sắc văn hóa địa phương; hình thành đường băng cản lửa xanh trong công tác bảo vệ rừng; xây dựng kiến trúc không gian xanh, nhằm tăng mảng xanh và sử dụng hiệu quả về không gian.  
8. Khu vực trồng: Trồng trên đất vườn nhà, hành lang giao thông, ven sông, kênh, mương, bờ vùng, bờ thửa, nương rẫy; trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, trang trại, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, các công trình tín ngưỡng và các công trình công cộng khác...; kết hợp phòng hộ trong khu canh tác nông nghiệp và các mảnh đất nhỏ phân tán; các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, đất bị suy thoái, sa mạc hóa, bãi thải khai thác khoáng sản và đất chưa sử dụng khác. Cây xanh trong rừng tập trung: Cây bản địa có phân bố tự nhiên trong hệ sinh thái của rừng đặc dụng; các loài cây có bộ rễ sâu bám chắc, ưu tiên cây bản địa, sinh trưởng được trong điều kiện khắc nghiệt và có khả năng chống chịu tốt của rừng phòng hộ; trồng các loài cây có năng suất, chất lượng cao, khuyến khích sử dụng các giống cây sản xuất bằng mô, hom, kết hợp trồng cây gỗ nhỏ mọc nhanh và cây gỗ lớn dài ngày của rừng sản xuất.
Một giải pháp đạt được 02 mục tiêu_Hình 5.jpg
Đồng chí Lê Văn Gọi - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời phỏng vấn tại Hội thảo 

Sau Hội thảo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh chủ trì cùng các ngành liên quan, hoàn chỉnh nội dung, báo cáo xin ý kiến Ban Chỉ đạo tỉnh tại cuộc họp sắp tới đối với việc điều chỉnh, bổ sung, hướng dẫn thực hiện nội dung xanh trong các bộ tiêu chí nông thôn mới của tỉnh, theo hướng lồng ghép với việc thực hiện Đề án trồng 01 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo tính lý luận, thực tiễn; Ban Chỉ đạo tỉnh báo cáo xin ý kiến UBND tỉnh để thực hiện trong năm 2021.   
Hoàng Sơn- VPĐP CTNTM

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​