Sản xuất thử nghiệm giống lúa tím chất lượng cao trên địa bàn huyện Long Thành

​Vụ Đông Xuân năm 2019 - 2020, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đã thực hiện hai điểm trình diễn sản xuất thử nghiệm giống lúa tím chất lượng cao tại xã Long An và Long Phước, huyện Long Thành trên diện tích 0,5 ha. Việc thử nghiệm nhằm đánh giá sự thích nghi của giống lúa tím với các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và canh tác tại Đồng Nai cũng như so sánh các ưu, nhược điểm của giống lúa tím này với các giống lúa có chất lượng cao khác đang sản xuất phổ biến tại Đồng Nai trong những năm gần đây. Từ đó xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác tối ưu cho sự phát triển của giống lúa này để nông dân có thể sản xuất trên diện rộng khi giống lúa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận.
Sản xuất thử nghiệm giống lúa tím chất lượng cao trên địa bàn huyện Long Thành_hình 1.jpg 
Điểm trình diễn sản xuất thử nghiệm giống lúa chất lượng cao (lúa tím) do Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai thực hiện
Sau hơn 3 tháng, đến nay lúa đã bước vào thời kỳ thu hoạch. Theo kết quả ghi nhận, năng suất lúa tím thấp hơn so với đối chứng là các giống lúa chất lượng cao khác đang sản xuất tại địa phương. Cụ thể, năng suất lúa tím: 4,1 -4,95 tấn, lúa OM 4900, OM 7347, OM 6162, Đài thơm tám: 6,0 - 7,5 tấn lúa khô/ha. Tuy nhiên, chất lượng gạo lúa tím vượt trội so với các giống lúa này nên có giá bán cao gấp 2 lần, lãi suất mang lại vẫn cao hơn so với đối chứng 3 - 8 triệu đồng/ha.
Qua sản xuất thử nghiệm tại vụ Đông Xuân trên địa bàn cho thấy, giống lúa tím này thích ứng với điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng tại Đồng Nai nên sinh trưởng và phát triển tốt, ít nhiễm sâu bệnh. Giống lúa tím có thời gian sinh trưởng 98 ngày, thân cây hơi cao và mềm nên dễ bị đổ ngã nếu sạ dày và bón dư đạm.
- Giai đoạn mạ: Thân cây và lá có màu tím nhạt, gốc có màu tím đậm;
- Giai đoạn đẻ nhánh và đòng: Khi cây lúa phát triển, lá và thân chuyển dần sang màu xanh đặc trưng của cây lúa, phần gốc và tai lá vẫn giữ nguyên màu tím đậm;
- Giai đoạn trổ và chín: Thân cây và lá vẫn màu xanh, bông lúa lúc mới trổ có màu trắng xanh, khi phôi phát triển và hình thành hạt gạo thì hạt lúa chuyển dần từ tím nhạt qua màu tím đậm, khi chín hạt lúa lại chuyển dần sang màu tím nhạt. Bông lúa dài nhưng đóng thóc thưa và hạt nhỏ nên năng suất không cao.
- Hạt gạo màu tím, khi nấu có hương thơm dịu, cơm dẻo và ngọt. Theo phân tích của các nhà chuyên môn: hạt gạo từ lúa tím có hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu vi chất, vi lượng, các vitamin A, B, canxi, kẽm, sắt, chất xơ, Omega, oryzanol,…
Do chất lượng gạo có những ưu điểm vượt trội, tốt cho sức khỏe nên đáp ứng được thị hiếu ngày càng nâng cao hiện nay. Tuy nhiên, giống lúa này chưa được nhiều người biết đến và cũng chưa hiểu hết giá trị dinh dưỡng của gạo nên khâu tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, giống lúa này cho năng suất không cao, thân cây lúa hơi cao và mềm nên không thích hợp bón nhiều phân đạm và dễ bị đổ ngã trong điều kiện mùa mưa.
Vì vậy, để nhân rộng mô hình, tăng diện tích sản xuất giống lúa tím, cần có các chính sách hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, liên kết giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm khi mà giống lúa chưa được phổ biến và người tiêu dùng chưa biết được hết giá trị dinh dưỡng của gạo.
Khi sản xuất giống lúa tím này thì nên chọn loại đất tốt, cải tạo phèn trước khi sạ; lưu ý mật độ sạ vừa phải, không bón dư đạm và nên bón tăng Kali để giúp thân cây lúa cứng hơn, tăng khả năng kháng sâu bệnh và hạn chế bị đổ ngã; nên sản xuất theo hướng hữu cơ để nâng cao chất lượng cũng như an toàn của sản phẩm, đáp ứng thị hiếu của nhu cầu cuộc sống ngày càng nâng cao.
Chất lượng sản phẩm tốt, sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn,kết hợp các chính sách liên kết, hỗ trợ giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm là những yếu tố giúp giá trị sản phẩm được nâng cao. Từ đó lợi nhuận trên diện tích sản xuất càng tăng, dẫn đến tăng cao hiệu quả sản xuất lúa tím này và cũng giúp người tiêu dùng có được sản phẩm an toàn, chất lượng và tốt cho sức khỏe.
Lê Thị Hồng

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​