​Thị trường xuất khẩu sản phẩm nông sản Việt Nam tiếp tục được mở rộng

Theo báo cáo tổng kết ngành Nông nghiệp năm 2019, toàn ngành đã tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tháo gỡ các rào cản, mở rộng thị trường xuất khẩu và khuyến khích tiêu dùng nội địa; tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung cầu, liên kết chuỗi giá trị, quảng bá nông sản hàng hóa... nên thị trường tiêu thụ nông sản có nhiều chuyển biến tích cực, giá trị xuất khẩu sản phẩm nông lâm thủy sản tiếp tục tăng trưởng. Thặng dư thương mại đạt mức cao 10,4 tỷ USD.

* Nông sản mở rộng xuất khẩu vào nhiều thị trường khó tính 

Trong năm qua đã mở cửa các thị trường mới đối với nhiều sản phẩm xuất khẩu, như xoài vào Mỹ; nhãn xuất khẩu vào Úc; măng cụt, sữa vào Trung Quốc; vải thiều vào Nhật Bản... Điểm nổi bật trong công tác xúc tiến thương mại quốc tế là ngành Nông nghiệp và PTNT đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong phối hợp với các cơ quan liên quan, các vị Đại sứ để tháo gỡ khó khăn vướng mắc tại thị trường Trung Quốc, Mỹ theo hướng chuyển mạnh sang chính ngạch (với những quy định mới khắt khe hơn, quy củ hơn, gắn với truy xuất nguồn gốc nông sản và chứng nhận mã số vùng trồng); Hoa Kỳ đã công nhận Việt Nam tương đương về kiểm soát an toàn thực phẩm với cá tra, giảm thuế nhập khẩu cá tra, tôm từ nước ta vào Mỹ hầu hết ở mức 0%, mở ra triển vọng lớn để các doanh nghiệp tiếp tục xuất khẩu vào Mỹ. Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch 9 loại quả tươi gồm: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt; hiện đang tiến hành đàm phán, đề nghị mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch cho 7 loại trái cây tiếp theo: Sầu riêng, chanh leo, bơ, bưởi, dừa, na, roi; sản phẩm tổ yến, khoai lang, thạch đen. Đã phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán, thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc xây dựng tổ chức thành công các hoạt động kết nối doanh nghiệp, giao lưu, giới thiệu quảng bá, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông sản (gạo, rau quả, thủy sản, chè,...). Đối với lĩnh vực thủy sản, Trung Quốc đã chấp nhận nhập khẩu chính ngạch 48 loài thủy sản sống, 128 loại sản phẩm thủy sản sơ chế, chế biến của 650 doanh nghiệp từ Việt Nam. 

Triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế, đàm phán và ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau trong kiểm dịch, bảo vệ thực vật, vệ sinh ATTP. Đến nay, nhiều rào cản về thị trường nông sản xuất khẩu được tháo gỡ kịp thời; Đồng thời, phía Việt Nam tăng cường cung cấp thông tin chính thống về nông sản sạch, an toàn và quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn tiên tiến đến các thị trường nhập khẩu để người tiêu dùng nước ngoài hiểu rõ và tin cậy hơn nông sản Việt Nam. 

Nhờ vậy, thị trường tiêu thụ sản phẩm được mở rộng, xuất khẩu nông sản tăng cao. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2019 ước đạt 41,3 tỷ USD, tăng 3,2% so với năm 2018; trong đó, các mặt hàng nông sản chính ước 18,4 tỷ USD, giảm 5,3%; thuỷ sản 8,6 tỷ USD, tăng 2,7%; lâm sản và đồ gỗ ước đạt 11,2 tỷ USD, tăng 19,2%. Thặng dư thương mại đạt mức cao 10,4 tỷ USD, tăng 19,3% so với năm 2018. Tiếp tục duy trì 08 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD, trong đó có 04 mặt hàng có kim ngạch trên 03 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều). 

* Tỉnh Đồng Nai áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm để phục vụ xuất khẩu 

Sản xuất nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đang có sự chuyển dịch theo hướng chuyên canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật và liên kết hợp tác giữa sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị; Trong lĩnh vực trồng trọt, nhiều nông dân đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất nông sản đảm bảo chất lượng có nhiều sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm khá đa dạng gồm: rau, xoài, chôm chôm, chuối, ổi, sầu riêng, bưởi, mãng cầu, thanh long, dưa lưới, tiêu...;

 Đến nay tổng diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP là 1.253,767 ha (tăng 680,30 ha so với năm 2018); cấp mới chứng nhận đủ điều kiện ATTP về sản xuất (rau, trái cây) cho 6 cơ sở và 11 Công ty sơ chế rau, củ quả trong lĩnh vực nông nghiệp với diện tích 530 ha; duy trì diện tích 210 ha ca cao đạt chứng chỉ UTZ  và 282 ha cà phê đạt tiêu chuẩn 4C; toàn tỉnh có 10 sản phẩm có nhãn hiệu: xoài La Ngà, bưởi Tân Triều, rau Trường An, sầu riêng Long Khánh, chuối Thanh Bình, tiêu Xuân Lộc, tiêu Thanh Bình, điều Donafood, rau mầm Hoàng Anh, gạo sạch Tân Bình Lục; đã xây dựng chỉ dẫn địa lý với bưởi Tân Triều và chôm chôm Long Khánh; 100% diện tích trồng mới và tái canh đã sử dụng các giống mới, giống có chất lượng cao; tỷ lệ bình quân các khâu cơ giới hóa trên cây trồng đạt khoảng 84%, trong đó 100% diện tích đất trồng lúa đã được sử dụng các loại máy móc, thiết bị để làm đất; có khoảng 50 -70% diện tích cấy trồng tùy loại ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM);  

Để phục vụ xuất khẩu trái cây đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế: Trong năm 2019 đã cấp 5 mã số vùng trồng (PUC) (1 PUC trên cây xoài, 4 PUC trên cây chôm chôm), tăng 51,3 ha so với năm 2018. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh cấp được 85 PUC với tổng diện tích 7.858 ha. Trong đó: Cấp 73 mã số vùng trồng với diện tích khoảng 6.130 ha xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc; 12 mã số vùng trồng PUC: 70,3 ha xoài xuất đi Australia, 43,25 ha chôm chôm xuất đi USA với tổng diện tích 133,05 ha.

Thanh Tâm -PTNT

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​