​Tái đàn heo - mối ưu tư hiện nay của người chăn nuôi!

Dự báo cuối năm, lượng thịt heo trong nước sẽ thiếu khoảng 200.000 tấn. Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, trong 10 tháng qua, nhập khẩu thịt heo đạt 96.000 tấn.

Tuy nhiên, lượng thịt heo nhập khẩu này chưa bù đắp được lượng thiếu hụt và chủng loại thịt mà người dân thường có nhu cầu tiêu dùng. Giá thịt heo liên tục lập đỉnh mới. Vấn đề tái đàn tiếp tục được đặt ra. Làm thế nào để tái đàn hiệu quả, có nên tái đàn trong lúc này? Là mối quan tâm của người chăn nuôi hiện nay.  

 Trước khi xảy ra dịch tả heo châu Phi, tổng đàn heo của Đồng Nai dao động từ 2,5 đến 2,8 triệu con. Qua đó cung cấp trên 50% sản phẩm chăn nuôi để phục vụ cho thị trường TP.HCM và các tỉnh lân cận. Dịch tả heo châu Phi xảy ra tại Đồng Nai từ ngày 17/4. Đến nay, dịch xảy ra tại 137 xã, phường, thị trấn trên địa bàn 11/11 huyện, thành phố với khoảng 450 ngàn con heo bị tiêu hủy có tổng trọng lượng khoảng 24 ngàn tấn.  Hiện đã có 53 xã công bố hết dịch trên tổng số 119 xã đã qua 30 ngày không tái phát dịch. Toàn tỉnh còn 18 xã có dịch chưa qua 30 ngày. Tổng đàn heo của tỉnh giảm 46%, hiện còn khoảng 1,4 triệu con. Việc tái đàn nhằm cung cấp nguồn thực phẩm cho nhu cầu trong tỉnh và các tỉnh, thành lân cận là nhu cầu cấp bách. Để tái đàn heo đạt hiệu quả cần thực hiện nhiều giải pháp:

Ông Nguyễn Trí Công – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết: “Một trong những biện pháp tốt nhất hiện nay khi chúng ta tái đàn phải biết con giống chất lượng có nguồn gốc. Cái thứ hai là kiểm soát chặt chẽ về vấn đề an toàn sinh học xung quanh chuồng trại. và chúng ta chủng ngừa một cách tuyệt đối trên đàn heo. Tôi nghĩ rằng đây là các biện pháp nếu chúng ta kết hợp tốt hy vọng thành công sẽ cao hơn”.

Ông Nguyễn Trường Giang – Phó Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Đồng Nai cho rằng: “Hướng để tái đàn thành công là các trang trại nâng cao an toàn sinh học. Thời gian qua, các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI làm khá tốt. Cụ thể là đàn heo của họ thiệt hại không nhiều. Các trang trại vừa qua bị dịch hoặc chưa dịch nhưng do áp lực dịch không chăn nuôi trở lại thì bây giờ có thể tái đàn bằng cách là liên kết với các doanh nghiệp bằng hình thức cho thuê hoặc là nuôi gia công cho doanh nghiệp lớn”. 

Quan điểm của tỉnh là tái đàn heo của các doanh nghiệp vì doanh nghiệp có điều kiện về giống, kỹ thuật và cơ sở vật chất có thể thực hiện các biện pháp an toàn sinh học. Hiện nay, tổng đàn nái sau dịch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn khoảng 200 ngàn con, đây là cơ sở để phục vụ cho tái đàn, các doanh nghiệp chính là chủ lực tái đàn phục vụ cho thị trường tiêu dùng trong thời gian tới. Còn đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nếu có đủ các điều kiện thực hiện các biện pháp an toàn sinh học và được sự đồng ý của chính quyền địa phương thì cho phép tái đàn heo. Theo khuyến cáo của ngành chức năng, cơ sở chăn nuôi từng bước nuôi tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng đàn có thể nuôi tại cơ sở. Sau khi nuôi tái đàn 30 ngày phải thực hiện lấy mẫu xét nghiệm. Nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với dịch tả heo châu Phi, khi đó mới tái đàn với số lượng có thể lên đến 100% tổng số heo có thể nuôi tại cơ sở. 

Ông Đỗ Thanh Tú – Hộ chăn nuôi đã tái đàn heo ở huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai chia sẻ: “Theo kinh nghiệm của tôi, người chăn nuôi phải là người nhiệt huyết, phải hiểu cơ chế lây bệnh, phải học hỏi, phải biết lắng nghe thì mới tái đàn thành công”.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là liệu có nên tái đàn heo vào lúc này trong khi dịch tả heo đang còn diễn biến khó lường và chưa có vắcxin phòng ngừa. Con giống đang lên cơn “sốt giá”, hiện tại giá heo giống dao động từ 2 đến 2,2 triệu đồng/ một con, tăng 300 ngàn đồng so với mức giá cao nhất trước đây, chưa kể chất lượng nguồn giống cũng đang là vấn đề cần phải quan tâm hiện nay. Còn giá thức ăn chăn nuôi cũng đang biến động tăng 5-10% so với trước.  Hơn hết, mức giá trên thị trường tại thời điểm heo xuất chuồng nhiều khả năng biến động mạnh:

Theo ông Nguyễn Văn Bương – Trưởng Phòng Kỹ thuật Công ty NEOVIA, Tập đoàn ADM Việt Nam; chi phí đầu vào để nuôi 1 con heo chiếm từ 60-70%. Hiện giờ con giống tăng, thức ăn cũng tăng. Khi bà con tái đàn cũng cẩn thận cân nhắc các yếu tố đầu vào để tái đàn trên heo. 

Theo định hướng phát triển chăn nuôi, Đồng Nai sẽ ưu tiên phát triển trang trại chăn nuôi tập trung, hạn chế dần và tiến tới chấm dứt chăn nuôi nhỏ lẻ. Đồng thời tập trung tái đàn heo có kiểm soát nhằm giảm áp lực thiếu nguồn cung và xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất để phát triển chăn nuôi bền vững. Hơn lúc nào hết, người chăn nuôi cần tính toán cẩn trọng khi quyết định tái đàn trong lúc này!...  

 

Phương Trang

 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​