​Hội nghị về đánh giá kết quả triễn khai nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Vào ngày 13/12/2019, tại Tỉnh Quảng Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả triển khai thực hiện Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn sau 2 năm thực hiện.

Tham dự hội nghị có đại diện các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên môi trường các tỉnh phía nam từ Nghệ An trở vào, Ban kinh tế Trung ương; các Cục, Vụ, Viện trực thuộc Bộ và một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tại hội nghị đã có nhiều báo cáo và tham luận đánh giá về kết quả triển khai thực hiện Nghị định 57/2018/NĐ-CP sau hai năm có hiệu lực; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tại các địa phương trong cả nước; đồng thời đề xuất các chính sách và giải pháp liên quan để Nghị định sớm triển khai thực hiện. 

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay về phía các Bộ đã ban hành các Thông tư, Quyết định nhằm cụ thể hóa các cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện Nghị định 57/2018/NĐ-CP; tuy nhiên đến nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT còn chậm ban hành 02 nhiệm vụ được giao là: Quy định tiêu chuẩn bò thịt, bò sữa và tiêu chí dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hỗ trợ theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP; Bộ Công thương chậm ban hành bổ sung danh mục sản phẩm phụ trợ được hỗ trợ theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP; Bộ Tài nguyên và Môi trường chậm ban hành cơ chế, chính sách thực hiện chủ trương tích tụ, tập trung ruộng đất phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Đối với các địa phương được giao ban hành 05 cơ chế, chính sách; cho đến nay: mới có 20/63 địa phương đã ban hành chính sách đặc thù để hỗ trợ doanh nghiệp; 04/63 địa phương ban hành Quyết định chủ trương đầu tư về danh mục dự án khuyến khích đầu tư; 05/ 63 địa phương ban hành danh mục sản phẩm chủ lực; 06/63 địa phương ban hành định mức hỗ trợ chi tiết; chưa có địa phương nào ban hành cơ chế thúc đẩy tập trung đất đai ( riêng tỉnh Đồng Nai chưa thực hiện nội dung nào trong 5 nhiệm vụ nêu trên).

Với kết quả triển khai còn hạn chế như trên, Hội nghị đã dành được sự quan tâm thảo luận của nhiều đại biểu, tập trung vào các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai Nghị định 57/2018/NĐ-CP tại các địa phương, đó là:

- Một số Bộ chậm ban hành các cơ chế chính sách được giao đễ triển khai thực hiện Nghị định như đã nêu ở trên.

- Một số địa phương có nhu cầu hỗ trợ nguồn vốn từ Trung ương lớn, nhưng thực tế được phân bổ vốn Trung ương rất hạn chế.

- Hiện chưa ban hành Quy trình thẩm định các nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Luật đầu tư công.

- Chưa có chính sách tạo quỹ đất xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ các công đoạn sau thu hoạch; các quy định hướng dẫn về góp vốn quyền sử dụng đất chưa đầy đủ, rõ ràng để người dân yên tâm góp vốn với doanh nghiệp.

- Hệ thống tín dụng nông thôn yếu, thủ tục phức tạp khó cho nông dân và doanh nghiệp nhỏ tiếp cận.

- Các chính sách giúp doanh nghiệp đầu tư vào nông lâm thủy sản còn thiếu tính đồng bộ, còn đơn lẻ, rời rạc; quy mô hỗ trợ hạn hẹp; chất lượng nội dung hỗ trợ không cao; cơ cấu hỗ trợ theo vùng, miền, ngành nghề chưa hợp lý…

Từ những khó khăn và vướng mắc trong thực tế nêu trên, hội nghị đã tập trung thảo luận một số đề xuất một số giải pháp chủ yếu như sau:


- Đối với các Bộ cần sớm ban hành các cơ chế chính sách được giao để các địa phương có căn cứ pháp lý triển khai thực hiện Nghị định.

- Các địa phương khẩn trương ban hành 05 chính sách đã được giao, đây là các hướng dẫn quan trọng để triển khai thực hiện nghị định tại địa phương; về nội dung này một số địa phương đã thực hiện tốt, các địa phương khác cần nghiên cứu tham khảo học tập để sớm ban hành cơ chế chính sách phù hợp tại địa phương mình.

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Nghị định 57/2018/NĐ-CP tới cộng đồng doanh nghiệp để doanh nghiệp biết và chủ động đề xuất dự án thực hiện.

- Đẩy nhanh qua trình tích tụ, tập trung ruộng đất sản xuất nông nghiệp, nâng cao quy mô sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch để khuyến khích mạnh hơn, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư lĩnh vực nông nghiệp.

- Nghiên cứu chính sách bảo hiểm nông nghiệp nhằm hỗ trợ khi gặp thiên tai, rủi ro do thời tiết.

- Tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn, quỹ đầu tư, gắn nghiên cứu với ứng dụng chuyển giao công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

- Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hỗ trợ, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, từng bước hình thành phương thức liên kết sản xuất kinh doanh nông nghiệp- công nghiệp- tiêu thụ sản phẩm tại các địa phương. Hình thành và phát triển hệ thống các tổ chức khoa học công nghệ, gắn kết giữa hệ thống nghiên cứu KHCN nhà nước với doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân.

Nguyễn Hữu Danh

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​