Xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu: Trồng quýt theo hướng hữu cơ, nông dân lãi gần 800 triệu đồng

​Thời gian gần đây, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đã được nhiều nông dân nhận thức và hưởng ứng tích cực. Trong thực tế, một số sản phẩm chăn nuôi hữu cơ, sản phẩm rau quả theo hướng hữu cơ trên thị trường nội địa đã được người tiêu dùng đánh giá cao và lựa chọn, tạo thành một xu hướng tiêu dùng thực phẩm chất lượng cao trong xã hội hiện nay.
Trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu, không ít hộ sản xuất đang dần từng bước chuyển đổi, áp dụng trồng trọt theo hướng hữu cơ. Trong đó mô hình trồng quýt theo hướng hữu cơ do hộ gia đình ông Hà Thắng, ấp 4, xã Phú Lý đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua thực hiện mô hình, người nông dân rất phấn khởi vì giảm được chi phí sản xuất, tăng thu nhập gia đình. Đồng thời, bên cạnh mục đích lợi nhuận, mô hình trồng quýt hữu cơ do ông Hà Thắng thực hiện còn hướng tới việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.
Mô hình trồng quýt theo hướng hữu cơ được gia đình ông Hà Thắng, ấp 4  xã Phú Lý áp dụng bắt đầu từ năm 2014, trên tổng diện tích là 02 ha. Vườn  được bao bọc sung quanh bởi suối XaMát, đây là điều kiện tự nhiên thuận lợi trong việc ngăn cách với vùng sản xuất thông thường bên ngoài. Suối XaMát tạo vùng đệm ngăn chặn tốt các nguồn sâu, bệnh hại sâm nhập từ bên ngoài, gây hại cho vườn và đảm bảo sự thoát nước tốt trong mừa mưa lũ.
Chủ vườn sử dụng giống quýt đường (cây ghép), có khả năng thích ứng và sinh trưởng phát triển tốt với điều kiện địa phương và chống chịu các loại sâu bệnh tốt. Đất trồng được cày bừa kỹ, phơi đất khô để tiêu diệt nguồn sâu bệnh hại có trong đất, lên líp để đảm bảo việc thoát nước tốt cho vườn vào mừa mưa, chia khoảng cách, đào hố trồng, bón lót 40 kg phân hữu cơ đã ủ hoai /hố/cây trước khi trồng.
Theo chia sẻ của ông Hà Thắng, ông hạn chế tối đa việc bón phân vô cơ trong quá trình canh tác mà  chủ yếu sử dụng kết hợp phân hữu cơ đã ủ hoai mục, phân cá, phân trùn quế, bánh dầu, để cung cấp dinh dưỡng cho cây. Với nguồn nước giếng khoan, chủ hộ lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết mà điều chỉnh chế độ tưới, đảm bảo việc tưới nước cho cây quýt đủ ẩm trong mùa nắng;  thực hiện tốt việc xẻ mương tiêu, thoát nước tốt trong mùa mưa, không để tình trạng bị ngập úng cho vườn quýt.
Vườn quýt được giữ cỏ mọc trong vườn để giữ ẩm trong mùa nắng, chống rửa trôi các chất dinh dưỡng và chống xói mòn trong mùa mưa, tăng cường đa dạng sinh học, điều hòa lại cân bằng sinh thái trong vườn; Tạo môi trường thuận lợi cho côn trùng có ích sinh sống, khi cắt tỉa cỏ hoặc cỏ tự chết tạo ra một lượng hữu cơ đáng kể cho đất cung cấp lại dinh dưỡng cho cây trồng. Trong canh tác tuyệt đối không dùng thuốc diệt cỏ, khi cần thiết trừ cỏ chỉ sử dụng biện pháp thủ công.
Ông Thắng thường xuyên thực hiện thường xuyên thăm vườn, phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ hữu hiệu, kịp thời. Trường hợp phát hiện có các đối tượng sâu bệnh, gây hại đến mức độ cần phải phun xịt để phòng trừ, chỉ sử dụng thuốc thảo mộc hoặc các loại thuốc vi sinh để phòng trừ. Các loại thuốc tự pha chế như gừng, tỏi, ớt rồi ngâm với rượu để phun xịt; các loại thuốc vi sinh thường sử dụng như: Exin 2.0SC; Nula-Fungi (Trichoderma, nấm xanh, nấm trắng, nấm tím); Nula- BT(Bacillus thuringiensis);
Xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu Trồng quýt theo hướng hữu cơ, nông dân lãi gần 800 triệu đồng_hình 1.jpg
Ảnh: Vườn quýt hữu cơ giúp  ông Hà Thắng, ấp 4  xã Phú Lý thu nhập gần 800 triệu đồng/ha/năm
Với mức đầu tư ban đầu là trên 110 triệu đồng/ha để trồng cây quýt như mô hình trên, chỉ sau ba năm, chủ hộ đã thu lại toàn bộ chi phí  ban đầu và còn được lãi trên 92 triệu đồng /ha. Sang năm thứ tư, vườn cho năng suất ước tính 50 tấn/ha, với giá hiện tại 20.000đồng/kg, trừ chi phí chủ vườn thu lãi gần  800 triệu đồng/ha, đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao hiện nay.
Theo đánh giá của ông Trần Viết Huy, trưởng trạm Khuyến nông Vĩnh Cửu, nông dân đã áp dụng tốt một số bước trong sản xuất theo hướng hữu cơ như: Chủ yếu sử dụng phân hữu cơ hoai mục, phân cá, dịch trùn quế, bánh dầu để cung cấp dinh dưỡng cho cây quýt trong quá trình canh tác, rất hạn chế sử dụng phân bón hóa học; Không dùng thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học, chỉ dùng thuốc vi sinh, thuốc thảo mộc để phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại; Không sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng, thuốc diệt cỏ, giống biến đổi gen, chất bảo quản trong quá trình sản xuất. Đây thực sự là mô hình phát triển bền vững, nâng cao được giá trị đất trên đơn vị diện tích, thân thiện với môi trường tự nhiên, bảo đảm nông sản an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng cao thu nhập cho nông dân, phù hợp với định hướng phát triển của ngành nông nghiệp hiện nay.
Đức Toàn – Nguyễn Linh (TTKN)
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​