Kết quả bước đầu xây dựng các chuỗi liên kết cung ứng thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

​Chuỗi an toàn thực phẩm được hiểu là “thực hiện liên kết theo chuỗi” từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo hướng an toàn, là một “hành động tập thể” theo một quy trình sản xuất chung của một loại sản phẩm được kiểm soát các yếu tố đảm bảo an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, thu hoạch, bảo quản, sơ chế, chế biến và thương mại; được thiết lập dựa trên yêu cầu của thị trường về khối lượng và chất lượng sản phẩm.
Chuỗi liên kết sản xuất theo hướng an toàn sản phẩm còn nhằm giúp truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, đánh giá và xác định được nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm từ đó giúp người sản xuất, các doanh nghiệp khắc phục và hạn chế các tồn tại, sai lỗi để sản phẩm có chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm là yêu cầu bắt buộc của người tiêu dùng.
 Kết quả bước đầu xây dựng các chuỗi liên kết cung ứng thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai_hình 1.jpg
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản phát biểu chỉ đạo tại lớp tận huấn triển khai, xác nhận, quảng bá và truy xuất sản phẩm chuỗi liên kết cung ứng thực phẩm an toàn.
 
UBND tỉnh Đồng Nai đã quan tâm và chỉ đạo kịp thời việc thực hiện triển khai liên kết chuỗi cung ứng sản phẩm nông thủy sản an toàn. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 14 dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đang triển khai giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân với tổng diện tích là 5.753,2 ha và với 4.952 hộ tham gia. Các loại cây trồng tham gia dự án cánh đồng lớn (10 loại cây trồng): Ca cao, cà phê, điều, bắp, mía, tiêu, khoai mì, lúa, sầu riêng, chôm chôm. Đồng Nai là tỉnh tham gia chuỗi nhận diện và truy xuất nguồn gốc  thịt heo, thịt gà vào Tp Hồ Chí Minh: có 802 trang trại tham gia với số lượng trên 37 ngàn con heo, 100 ngàn con gà/tuần. Và đặc biệt, thực hiện Quyết định 3073/QĐ-BNN-QLCL ngày 27/12/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về phê duyệt Đề án “xây dựng mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên phạm vi toàn quốc”; đến nay trên địa bàn tỉnh đã xây dựng hình thành các chuỗi tiêu thụ sản phẩm trứng gà, thịt heo, thịt gà, sản phẩm chế biến từ thịt, sữa tươi và sản phẩm chế biến tữ sữa bò, sản phẩm nấm mèo nấm rơm được kiểm soát an toàn thực phẩm và đã gắn biển xác nhận sản phẩm an toàn cho 201 điểm bày bán sản phẩm tại hệ thống siêu thị BigC, Lotte, Co.op Mart, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Vũng Tàu, Bình Thuận và tại các sạp bán thịt heo, rau các chợ Tân Phú, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc và thị xã Long Khánh). Cụ thể:
+  Chuỗi trứng gà: Cơ sở Lâm Thanh Đức, Công ty TNHH SX TM DV Vương Huỳnh, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam.
+  Chuỗi thịt gà, thịt heo: Công ty TNHH Chăn nuôi Long Bình; Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Bình Minh; Công ty TNHH San Hà; Công ty TNHH Anh Hoàng Thy, Công ty TNHH Thành Danh, Côn ty TNHH Hương Vĩnh Cửu.
+ Chuỗi sản phẩm thịt heo (giò, chả, xúc xích, pate, jambon): Công ty TNHH TMDV Quốc tế Bigc Đồng Nai.
+ Chuỗi sản phẩm nấm: Doanh nghiệp tư nhân Nấm Nguyện và Công ty TNHH Thực phẩm Ánh Nhi, Công ty THHH thế giới Dinh dưỡng, HTX nông nghiệp xanh, HTX thương mại dịch vụ Vinh Phúc.
+ Chuỗi sản phẩm từ sữa bò: Công ty cổ phần chăn nuôi bò và chế biến từ sữa Đồng Nai
+ Chuỗi liên kết tiêu thụ thịt heo không có chất cấm và rau quả không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại các chợ: trên địa bàn huyện Tân Phú, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc và thị xã Long Khánh.
Bước đầu các doanh nghiệp, nông dân đã nhận thức được chỉ có liên kết với nhau mới sản xuất, kinh doanh bền vững lâu dài được. Các chủ dự án cánh đồng lớn đã chủ động, tích cực tổ chức triển khai thực hiện, thông qua việc hỗ trợ cho nông dân trồng mới, phát triển diện tích vùng nguyên liệu, hướng dẫn thu hoạch và tổ chức thu mua sản phẩm cho nông dân; bước đầu các dự án cho thấy hiệu quả cho cả doanh nghiệp và nông dân, giúp nông dân ổn định sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã thì duy trì ổn định vùng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và có khả năng để mở rộng quy mô diện tích và sản lượng.
 Riêng đối với các chuỗi liên kết được kiểm soát an toàn thực phẩm và xác nhận sản phẩm an toàn tại các điểm bày bán thì doanh thu tăng và các điểm bày bán ngày càng được mở rộng do các doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm cùng loại, mở rộng được thị trường phân phối, tiêu thụ sản phẩm, người dân tin tưởng sản phẩm an toàn được nhà nước kiểm soát (theo số liệu báo cáo của các doanh nghiệp thì sản lượng tăng trên 20% so với trước chưa tham gia chuỗi an toàn thực phẩm). Số liệu điều tra của chương trình hỗ trợ quốc tế chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu ISG thì người tiêu dùng sẵn sàng chi thêm 15 đến 20% giá để mua được sản phẩm an toàn.
Chuỗi sản phẩm an toàn giúp giảm được đầu mối trung gian trong cung cấp nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và trong thu mua sản phẩm nên có cơ sở để giảm giá thành; giúp các bên tham gia chuỗi tự kiểm soát với nhau về chất lượng sản phẩm; đồng thời là động lực để yêu cầu các cơ sở sản xuất ban đầu trồng trọt, chăn nuôi sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt.
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​