Huyện Cẩm Mỹ: Phát triển cây sầu riêng theo hướng VietGAP

​Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trong quá trình sản xuất, sau gần 15 tháng thực hiện dự án, giữa tháng 7-2018, sản phẩm sầu riêng của Tổ hợp tác cây sầu riêng xã Nhân Nghĩa (huyện Cẩm Mỹ) đã được Công ty Cổ phần giám định và khử trùng FCC chứng nhận đạt tiểu chuẩn VietGAP trên diện tích 17,4 ha. Đây là tiền đề và là cơ sở để huyện Cẩm Mỹ triển khai nhân rộng mô hình, thực hiện dự án cánh đồng lớn sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm sầu riêng, hướng đến xây dựng thương hiệu sầu riêng Cẩm Mỹ và phát triển cây sầu riêng của địa phương theo hướng an toàn, bền vững.
Chứng nhận VietGAP cho 17,4 ha sầu riêng sạch
Theo Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp bền vững (đơn vị thực hiện dự án), Dự án sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP của huyện Cẩm Mỹ được triển khai thực hiện thí điểm tại 8 hộ trồng sầu riêng thuộc Tổ hợp tác cây sầu riêng ấp Cam Tiên, xã Nhân Nghĩa trên diện tích 17,4 ha. Sau gần 15 tháng triển khai, với việc áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, vườn sầu riêng của các hộ tham gia mô hình sinh trưởng và phát triển tốt, ít bị nhiễm sâu bệnh hại. Đặc biệt, năng suất các hộ tham gia mô hình đạt từ 18-20 tấn/ha, cao hơn so với sản xuất đại trà 10%; chi phí thuốc bảo vệ thực vật giảm 15-20%; hiệu quả kinh tế tăng 15% so với sản xuất đại trà.
Theo các hộ trồng sầu riêng thuộc dự án, khi tham gia sản xuất theo quy trình VietGAP, đòi hỏi bà con nông dân phải ghi nhật ký sản xuất, chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép, phun đúng liều theo khuyến cáo…Bên cạnh đó, dự án thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật định kỳ, hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hệ thống tưới nước tiết kiệm.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, Trưởng ban VietGAP của Tổ hợp tác cây sầu riêng Nhân Nghĩa, cho biết so với phương pháp sản xuất truyền thống trước đây, trong giai đoạn đầu thực hiện dự án, nhà vườn đã gặp một số khó khăn như: phải áp dụng đúng quy trình kỹ thuật và sản xuất nghiêm ngặt; xây dựng kho chứa phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; sử dụng đồ bảo hộ lao động…đặc biệt là phải ghi chép nhật ký sản xuất hàng ngày. Tuy nhiên, nhờ sự hướng dẫn tận tình của cán bộ kỹ thuật, nhà vườn đã áp dụng đúng theo quy trình sản xuất VietGAP và thay đổi thói quen canh tác theo kiểu truyền thống trước đây.
“Nhờ áp dụng đúng quy trình nên năng suất vườn sầu riêng của bà con nông dân không ngừng tăng lên, nhiều vườn năng suất đạt từ 25-30 tấn/ha; với giá bán trung bình tại vườn từ 45.000-50.000 ha, lợi nhuận thù về đạt khoảng 600-700 triệu đồng/ha”, ông Hiếu vui mừng chia sẻ.
Là 1 trong 8 hộ tham gia dự án, ông Đinh Văn Mong, ấp Cam Tiên, xã Nhân Nghĩa cho biết, gia đình có 7 ha sầu riêng khoảng 5-10 năm tuổi. Trước đây, khi trồng bằng giống cũ, năng suất khá thấp chỉ khoảng 10 tấn/ha. Tuy nhiên, từ khi chuyển qua trồng bằng các giống mới như: Ri6, Chín hóa, hạt lép…năng suất vườn sâu riêng của ông đã tăng lên trên 25 tấn/ha.
Huyện Cẩm Mỹ Phát triển cây sầu riêng theo hướng VietGAP_hình 2.JPG
Ảnh: Trao chứng nhận VietGAP cho 8 hộ tham gia dự án
“Khi tham gia thực hiện dự án sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời tham gia vào dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, nhà vườn chúng tôi ngoài việc được hướng dẫn các quy trình kỹ thuật, nhà vườn còn được hỗ trợ 30% hệ thống tưới tiết kiệm, nên giảm được chi phí rất nhiều và  cũng yên tâm hơn về đầu ra”, ông Mong phấn khởi cho hay.
Huyện Cẩm Mỹ Phát triển cây sầu riêng theo hướng VietGAP_hình 1.JPG
Ảnh: Vườn sầu riêng của ông Đinh Văn Mong, ấp Cam Tiên, xã Nhân Nghĩa được sản xuất theo quy trình VietGAP
Nhân rộng mô hình hướng đến phát triển cây sầu riêng bền vững
Cùng với các địa phương khác như Long Khánh, Xuân Lộc, Tân Phú…cây sầu riêng là cây trồng thế mạnh của huyện Cẩm Mỹ. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Mỹ, toàn huyện có tổng diện tích trồng sầu riêng khoảng gần 1.500 ha, tập trung nhiều tại các xã Xuân Bảo, Nhân Nghĩa, Long Giao…trong đó riêng xã Nhân Nghĩa có diện tích khoảng 300 ha.
Ông Lê Hoài Nam, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Mỹ, cho biết thời gian gần đây, nhờ giá sầu riêng tăng cao và ổn định, nên diện tích cây sầu riêng của huyện đã tăng mạnh. Từ cuối năm 2016 đến nay, diện tích cây sầu riêng của địa phương đã tăng gần 300 ha. Đặc biệt tại các xã trước cây không phát triển cây trồng nay thì nay nông dân cũng chuyển đổi qua trồng sâu riêng như: Xuân Đông, Xuân Tây, Sông Ray.
Trước yêu cầu phát triển “nóng” cây trồng này, huyện cũng đã khuyến cáo bà con thận trọng khi phát triển ồ ạt nhằm tránh cung vượt cầu; phát triển dựa trên quy hoạch nông nghiệp của huyện; áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến để nâng cao chất lượng và năng suất…
Cũng theo ông Nam, với diện tích 17,4 ha được chứng nhận VietGAP so với tổng diện tích trồng sầu riêng của huyện là gần 1.500 ha thì con số này còn khá khiêm tốn. Vì thế, thời gian tới, trên cơ sở quy trình trồng sầu riêng VietGAP của dự án, huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan nhân rộng mô hình, triển khai thực hiện dự án cánh đồng lớn sầu riêng nhằm phát triển cây sầu riêng theo hướng sạch, an toàn, xây dựng thương hiệu sầu riêng Cẩm Mỹ, qua đó góp phần phát triển bền vững cây trồng này.
Đồng Nai là tỉnh có diện tích cây sầu riêng khá lớn khoảng trên 4.100 ha. Sản phẩm sầu riêng của tỉnh cũng được đánh giá cao về chất lượng. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nhờ giá sầu riêng tăng cao và ổn định, nhiều nhà vườn đã mở rộng diện tích. Thậm chí, tại một số địa phương không có điều kiện thuận lợi để phát triển cây trồng này, nông dân cũng đưa cây sầu riêng vào trồng đại trà. Việc tăng “nóng” diện tích cây sầu riêng sẽ dẫn đến cung vượt cầu, giá giảm mạnh, điều này từng xảy ra trên một số cây trồng trước đây. Vì vậy, sản xuất theo quy trình sạch, an toàn sẽ là yêu cầu bắt buộc, đồng thời tuân thủ quy hoạch phát triển nông nghiệp của địa phương. Đây cũng là định hướng của huyện Cẩm Mỹ trong quy hoạch phát triển cây sầu riêng nhằm đưa cây trồng thế mạnh này của huyện phát triển theo hướng bền vững hơn.
Để duy trì và nhân rộng mô hình trồng sầu riêng theo hướng VietGAP, UBND tỉnh đã phê duyệt dư án cánh đồng lớn liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm sầu riêng xã Nhân Nghĩa, với diện tích 50 ha và 32 hộ tham gia.
TS. Bùi Xuân Khôi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp bền vững, cho biết hiện đơn vị đang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng hồ sơ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “sầu riêng Cẩm Mỹ”.
 Thanh Cảnh
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​