Khi đồng bào dân tộc học nghề để thoát nghèo

​Tiếp tục thực hiện công tác “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2016, Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai bắt đầu triển khai thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh.  Gần 3 năm qua, Trung tâm đã phối hợp với các huyện, thị xã Long Khánh tổ chức được 23 lớp đào tạo nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp, trong đó học viên là người dân tộc thiểu số là 98/603 học viên, chiếm tỷ lệ 16,25%. Các nghề được đào tạo chủ yếu là các nhóm nghề gắn với đời sống sản xuất của bà con đồng bào dân tộc thiểu số và bám sát nhu cầu người học như: Trồng lúa, Chăn nuôi dê.
Học nghề- chìa khóa để thoát nghèo của đồng bào dân tộc
Con đường dẫn vào ấp Bằng Lăng, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc vừa nhỏ, hẹp, vừa lởm chởm đá. Những ngày mưa, mặt đường lầy lội, trơn trượt khiến ngay cả tay lái cừ khôi nhất cũng phải lắc đầu ngao ngán. Bằng Lăng là ấp mới được thành lập đầu năm 2017 của xã Xuân Tâm có diện tích đất tự nhiên khoảng 550 ha. Đây là nơi cư ngụ của khoảng 400 hộ cùng 1.500 nhân khẩu, trong đó có 30% hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Cuộc sống còn nhiều khó khăn, người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề chăn nuôi bò, dê và trồng một số loại cây công nghiệp dài ngày như tiêu, điều. Việc mở một lớp dạy nghề cho học viên là đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây là điều không mấy dễ dàng nhưng để thu hút học viên tham gia và duy trì sỉ số lớp học lại càng không đơn giản.
Khi đồng bào dân tộc học nghề để thoát nghèo_Hình 1.jpeg
Ảnh: Giờ thực hành của lớp dạy nghề chăn nuôi dê xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ
 
Tuy nhiên, lớp dạy nghề chăn nuôi dê cho đồng bào dân tộc thiểu số tại ấp Bằng Lăng, xã Xuân Tâm do Trung tâm Khuyến nông phối hợp với UBND xã tổ chức năm 2017 trên địa bàn ấp Bằng Lăng lại có đến 35 học viên tham dự. Đây là cố gắng rất lớn của những người làm công tác khuyến nông và cán bộ xã, ấp cũng như là nỗ lực đáng ghi nhận của người dân địa phương trên con đường tìm đến kiến thức để có được nghề trong tay. Hộ bà Trần Thị Hằng, người dân tộc Mường cho biết, trước khi tham gia lớp học, gia đình cũng đã tập tành nuôi dê thử với mong muốn thoát nghèo nhưng chưa hiệu quả do dê hay bị bệnh và chậm lớn. Nhưng sau khi tham gia khóa học, nhờ nắm vững kiến thức cơ bản về chăn nuôi dê, đàn dê của gia đình phát triển tốt và nay đã tăng lên 16 con. Những kiến thức đã học không chỉ giúp bà chăm sóc tốt mà còn có thể tự tin phòng trị một số bệnh thông thường cho đàn dê... Theo chia sẻ của bà Hằng, mỗi con dê nuôi trong vòng 6 tháng có thể xuất chuồng với trọng lượng đạt từ 25 - 30kg/con, giá bán từ 70.000 - 100.000 đồng/kg dê hơi. Trong khi đó, chi phí đầu tư nuôi dê thấp, việc chăm sóc dê không quá khó. Có vốn từ việc bán dê, gia đình lại tiếp tục đầu tư chuồng trại và mua thêm con giống mới mong muốn cuộc sống gia đình ngày càng ổn định hơn, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Không chỉ hộ bà Trần Thị Hằng, 34 bà con ở ấp Bằng Lăng được tham gia lớp học nghề chăn nuôi dê do Trạm Khuyến nông huyện Xuân Lộc tổ chức đã học hỏi rât nhiều kiến thức bổ ích về chọn giống, xây chuồng trại, đỡ đẻ, điều trị bệnh, phòng ngừa dịch bệnh, chọn thức ăn, nước uống. Ông Vòn Lị Cỏn, ấp Bằng Lăng, xã Xuân Tâm, Xuân Lộc cũng đã có thu nhập ổn định nhờ nuôi dê và tận dụng nguồn phân dê chăm bón thêm cho vườn tiêu của mình.
Được biết trước đây, ông chăm sóc đàn dê chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên hiệu quả và năng suất rất thấp. Nhưng từ năm 2017, sau khi tham gia lớp học nghề chăn nuôi dê, ông đã nắm vững kỹ thuật chăn nuôi một cách bài bản từ công tác vệ sinh chuồng trại, việc sử dụng đá liếm đến tiêm vắc xin phòng bệnh... cho đàn dê. Từ vài ba con dê ban đầu, đến nay, gia đình ông Vòn Lị Cỏn đã có trong tay hơn 30 con dê sinh sản, cuộc sống thiếu trước hụt sau đã dần ổn định hơn trước.
Nỗ lực của người dạy và người học   
Có thể khẳng định, mô hình nuôi dê là một trong những mô hình được triển khai và mang lại hiệu quả cao trong chương trình đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tháng 5/2018, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục mở lớp đào tạo nghề nuôi dê cho đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ. Cùng với học lý thuyết, việc bố trí nhiều giờ học thực hành giúp cho bà con dễ hiểu, làm được các kỹ thuật chăn nuôi ứng dụng tốt vào thực tiễn sản xuất của mỗi gia đình và địa phương. Với phương thức “cầm tay chỉ việc”, tạo điều kiện để học viên được mắt thấy tai nghe, tay được làm thử. Ngoài ra, các giáo viên luôn quan tâm khích lệ, phát huy khả năng, năng khiếu của mỗi học viên để lớp học luôn có không khí sôi nổi. Lớp học có 30 học viên là người dân tộc Hoa, Chơro,...tại địa phương tham gia. Theo bà Lê Thị Hội, chủ tịch Hội nông dân xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ, tỷ lệ đồng bào dân tộc chiếm khoảng 60% dân cư trên địa bàn xã, chủ yếu sống bằng sản xuất nông nghiệp do vậy những lớp dạy nghề chăn nuôi như thế này có ý nghĩa rất quan trọng với bà con.
Ông Lương Thành Trung, giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho biết, từ năm 2016 đến nay, Trung tâm đã phối hợp với các huyện, thị xã Long Khánh tổ chức được 23 lớp đào tạo nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp, trong đó học viên là người dân tộc thiểu số là 98/603 học viên, chiếm tỷ lệ 16,25%. Các nghề được đào tạo chủ yếu là các nhóm nghề gắn với đời sống sản xuất của bà con đồng bào dân tộc thiểu số và bám sát nhu cầu người học như: Trồng lúa, Chăn nuôi dê. Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các lớp nghề cho đồng bào dân tộc, theo đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” do UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt năm 2016,  ngoài việc hỗ trợ hoàn toàn chi phí đào tạo, dụng cụ học tập, vật tư thực hành, người học là đồng bào dân tộc còn được Trung tâm hỗ trợ thêm tiền ăn, tiền đi lại (với khoảng cách trên 15 km) khi tham gia lớp học. Hiện nay, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng dân tộc thiểu số có nhiều thuận lợi do được sự ủng hộ, tạo điều kiện của lãnh đạo các cấp cũng như sự phối hợp nhiệt tình của cơ quan chức năng, lãnh đạo địa phương luôn chủ động khảo sát điều kiện, nhu cầu học tập chuyển đổi nghề nghiệp của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Mỗi lớp đào tạo nghề ngắn hạn được tổ chức tại địa phương là nỗ lực rất lớn của người dạy và người học. Việc triển khai các lớp dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số  đã tác động tích cực đến việc thay đổi tập quán lạc hậu, giải quyết việc làm tại chỗ cũng như tạo điều kiện hoàn thành chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Khi đồng bào dân tộc học nghề để thoát nghèo_Hình 2.jpeg
Ảnh: Kiến thức từ lớp dạy nghề nuôi dê giúp chị Trần Thị Hằng (dân tộc Mường xã Xuân Tâm) chăm sóc tốt đàn dê của gia đình
Nguyễn Linh (TTKN)

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​