Huyện Xuân Lộc: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao

​Là một trong những địa phương trọng điểm về phát triển nông nghiệp của tỉnh, đồng thời cũng là huyện nông thôn mới đầu tiên của cả nước, để phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiện tại huyện Xuân Lộc đang tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng
Ông Hồ Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho biết, xác định tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm đưa ngành nông nghiệp của huyện phát triển theo hướng bền vững. Trên cơ sở Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” của Trung ương và của tỉnh, UBND huyện đã xây dựng các kế hoạch nhằm cụ thể hóa các nội dung, định hướng phát triển của đề án, đồng thời đề ra mục tiêu và giải pháp của từng lĩnh vực phù hợp với mục tiêu xây dựng nông thôn mới của địa phương. Trong đo, tập trung vào các nội dung trọng tâm như: Quy hoạch sản xuất nông nghiệp; Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; Ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất; Nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu…
Theo UBND huyện, đến nay đã có 85% diện tích cây lâu năm, cây ăn trái của huyện sử dụng giống mới; 100% diện tích cây hàng năm (khoảng trên 40,3 ngàn ha) được sử dụng giống mới. Đặc biệt, để “nâng chất” các sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương, huyện Xuân Lộc đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp. Đến nay đã có 4 sản phẩm  là hồ tiêu, chuối, rau, xoài được chứng nhận GlobalGAP; 3 sản phẩm được chứng nhận VietGAP, gồm: mãng cầu na, bưởi, nấm.
Bà Lê Thị Hiệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Xuân Lộc cho biết, đến nay huyện Xuân Lộc đã có 8 sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, trong đó có các sản phẩm chủ lực như: hồ tiêu, xoài, trứng gà…Hiện tại, 6 nhãn hiệu hàng hóa khác và 9 nhãn hiệu tập thể cũng đang được địa phương phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ hoàn thiện hồ sơ để trình Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận. 
Ngoài ra, huyện cũng đang tập trung thực hiện 6 dự án chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ đã được UBND tỉnh phê duyệt trên các cây trồng như: cà phê, sầu riêng, lúa, bắp, rau, tiêu, chôm chôm và đang trình 2 dự án khác trên cây xoài và cây bắp.
“Nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ phù hợp, chú trọng xây dựng thương hiệu nông sản mà thu nhập của nông dân không ngừng được nâng lên. Giá trị sản phẩm thu hoạch trung bình năm 2017 của huyện Xuân Lộc đạt trên 129 triệu đồng/ha đất canh tác”, bà Hiệp cho biết thêm.
Gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu
Phát huy thành quả của huyện nông thôn mới đầu tiên của cả nước, thời gian qua, huyện Xuân Lộc đang tập trung “nâng chất” các tiêu chí nông thôn mới theo Bộ tiêu chí nông nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh. Đến nay, huyện Xuân Lộc đã có 5 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, gồm: Xuân Định, Xuân Thọ, Xuân Hiệp, Xuân Phú, Suối Cát và tiếp tục là địa phương dẫn đầu của tỉnh về xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đặc biệt, trong đó nhiều tiêu chí khó cũng đạt tỷ lệ khá cao như: tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 90%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 51 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo kéo giảm xuống mức 0%...
Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Hồ Văn Hà, cho biết kết quả này mới chỉ là bước đầu, một số chỉ tiêu, tiêu chí đạt được trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu vẫn chưa thực sự bền vững. Do vậy trong thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo các xã tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí đạt được. Trong đó tập trung phát huy những tiềm năng, thế mạnh vốn có của địa phương nhằm xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu với những đặc thù và hình thái riêng. Năm 2018, Xuân Lộc phấn đấu sẽ có thêm từ 1-2 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Cũng theo ông Hồ Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện, để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu bền vững thì kinh nghiệm được rút ra là quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới phải lồng ghép các mục tiêu, định hướng trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp; người dân luôn đóng vai trò chủ thể, còn nhà nước chỉ thực hiện các nhiệm vụ “mồi” để khai thác nguồn lực trong dân và khơi dậy tính chủ thể trong dân.
Xác định “nâng chất” nông thôn mới thì trọng tâm vẫn là nâng cao thu nhập cho người dân. Vì vậy, huyện Xuân Lộc tiếp tục tổ chức nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, hỗ trợ và khuyến khích nông dân đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, khoảng 73% diện tích cây trồng của huyện cho thu nhập từ 120-500 triệu đồng/ha/năm. Riêng một số mô hình sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao đều cho giá trị thu hoạch trên 1 tỷ đồng/ha/năm như: Mô hình sản xuất phân hữu cơ và trồng rau, quả sạch của Trang Trại Việt tại xã Xuân Trường; Mô hình trồng chuối của Công ty Global Farm tại xã Xuân Bắc; Mô hình trồng hoa lan, bưởi da xanh tại xã Bảo Hòa; Mô hình trồng xoài Thái, xoài Đài Loan của hợp tác xã Suối Lớn, xã Xuân Hưng…
​Ngày 13-3, Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh và UBND huyện Xuân Lộc về việc xây dựng huyện Xuân Lộc để nghe ý kiến đóng góp cho đề cương đề án xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về “sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững” giai đoạn 2018 – 2020. Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam, cho biết Xuân Lộc là 1 trong 4 huyện được Trung ương chọn thực hiện thí điểm mô hình huyện nông thôn mới kiểu mẫu tiêu biểu của cả nước (gồm: huyện Xuân Lộc của Đồng Nai, huyện Nam Đàn của tỉnh Nghệ An, huyện Hải Hậu của Nam Định và huyện Đơn Dương của tỉnh Lâm Đồng). Kết quả thực hiện cũng như những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện của 4 huyện này sẽ là cơ sở để đến năm 2020, Chính phủ ban hành bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.
Riêng đối với huyện Xuân Lộc là phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp kiểu mẫu theo hướng hiện đại, bền vững. Phấn đấu đến năm 2020, nông sản của Xuân Lộc ít nhất phải đạt tỷ lệ 60% sản phẩm sạch, 10% đạt chuẩn GlobalGAP.
 
Huyện Xuân Lộc Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao_Hình 1.JPG
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam tham quan mô hình sản xuất rau, quả an toàn của Công ty TNHH Trang trại Việt, tại xã Xuân Trường.
 
Thanh Cảnh

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​