Thu nhập tiền tỷ đồng từ mô hình nuôi dê theo hình thức ký gửi

​Sở hữu số lượng đàn dê “khủng” trên 1,2 ngàn con, với nguồn thu nhập trung bình hàng năm trên 1 tỷ đồng, mô hình nuôi dê của anh Đỗ Văn Hoàn, ngụ ấp 7, xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom) được xem là mô hình chăn nuôi dê lai lớn nhất tỉnh Đồng Nai. Đặc biệt, nhờ chăn nuôi theo hình thức “ký gửi” và bao tiêu sản phẩm chăn nuôi cho nông dân, đến nay đã có hàng trăm hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Trang trại nuôi dê lớn nhất tỉnh Đồng Nai
Sinh ra và lớn lên tại xã Nhân Thắng, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, năm 22 tuổi, anh Đỗ Văn Hoàn quyết định “Nam tiến” để lập thân, lập nghiệp. Trên hành trình đó, anh đã chọn mảnh đất Sông Trầu làm quê hương thứ 2 của mình. Nhận thấy điều kiện nơi đây thích hợp với việc nuôi dê, anh đã mạnh dạn gom toàn bộ số tiền tích góp được để chọn mua những con dê Bách thảo tốt nhất gây dựng trang trại của mình.
Thu nhập tiền tỷ đồng từ mô hình nuôi dê theo hình thức ký gửi _Hình 2.JPG
Với trên 1,2 ngàn con, trại dê của anh Hoàn được xem là trại dê lai lớn nhất tỉnh Đồng Nai.

Để có được mô hình chăn nuôi thành công như ngày hôm nay, anh Hoàn đã trải qua muôn vàn khó khăn thủa đầu lập thân, lập nghiệp. “Xa quê với hành trang là số vốn ít ỏi dành dụm được, đầu tư chăn nuôi nhưng một mảnh đất cắm dùi cũng không có nên mình đã phải lần lượt thuê đến 11 căn nhà để nuôi dưỡng mơ ước của mình. Bên cạnh đó, đầu vào và đầu ra lúc đó cũng tương đối khó khăn, thịt dê thời điểm đó chưa được thị trường ưa chuộng như hiện nay, nên khó khăn chồng chất khó khăn”, anh Hoàn nhớ lại.
Thế nhưng bằng nỗ lực của mình, từ 30 con dê giống ban đầu, sau 5 năm chăn nuôi, trang trại của anh đã có khoảng 300 con dê lớn, nhỏ khác nhau. Có được ít vốn trong tay, anh đã mạnh dạn đầu tư mua thêm đất đai mở rộng chăn nuôi và phát triển trang trại lên 2ha. Đến nay, sau gần 15 năm gắn bó với nghề chăn nuôi dê, hiện đàn dê đã phát triển lên đến trên 1,2 con, lúc cao điểm số dê trong trại của anh lên đến gần 2 ngàn con.
Không dừng lại ở đó, để cải thiện chất lượng đàn dê giống, anh đã mạnh dạn đưa giống dê Boer về cho lai tạo với giống dê Bách thảo của Việt Nam. Ưu điểm của giống dê lai là hay ăn, nhanh lớn, ít bệnh tật và có trọng lượng lớn hơn hẳn giống dê Bách thảo ở địa phương. Qua đó giúp các hộ chăn nuôi cải thiện thu nhập, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Để có đầu ra ổn định, anh đã lặn lội đến các tỉnh thành như Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu… để tìm đầu ra cho sản phẩm. Mặt khác anh còn mở một số nhà hàng đặc sản thịt dê để góp thêm một kênh tiêu thụ cho người chăn nuôi. Qua đó giảm khâu trung gian, tăng lợi nhuận cho cả chuỗi liên kết.
Liên kết chăn nuôi theo hình thức “ký gửi”
Có được đàn dê giống trong tay, để mở rộng chăn nuôi, anh Hoàn đã tìm đến những hộ nghèo, hộ gặp khó khăn tại địa phương để vận động họ cùng liên kết chăn nuôi dê với mình theo hình thức “ký gửi”. Khi tham gia mô hình này, các hộ chỉ bỏ công chăm sóc chứ không phải đầu tư khoản chi phí mua giống. Khi dê cái đẻ được một cặp dê con, họ sẽ được chia theo tỷ lệ 50/50, tức là người chăn nuôi được một con và anh Hoàn được một con. Sau 3 năm triển khai mô hình liên kết chăn nuôi theo hình thức “ký gửi” này, đã có khoảng 100 hộ tại địa phương tham gia. Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi cũng được anh bao tiêu toàn bộ đầu vào và đầu ra của sản phẩm.
“Nếu một hộ nuôi khoảng 50 con dê, sau khi trừ hết mọi chi phí sẽ cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Một số tiến lớn với những hộ khó khăn và đặc biệt lớn đối với những hộ là hộ nghèo của địa phương”, anh Hoàn nhẩm tính.
Thành công của mô hình đã giúp hàng trăm hộ nghèo, hộ khó khăn tại địa phương vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. “Trước đây, cuộc sống khá khó khăn, thu nhập chỉ nhờ vào ít sào vườn tạp của gia đình, thời gian còn lại mình phải đi làm thuê. Thế nhưng từ khi tham gia mô hình nuôi dê, cuộc sống của gia đình anh đã ổn định hơn. Mỗi năm mình nhận nuôi khoảng 3 đợt, mỗi đợt 50 con dê vỗ béo để lấy thịt. Sau khoảng 4 tháng chăn nuôi, sau khi trừ mọi chi phí, mình cũng thu được khoảng 60 triệu đồng mỗi đợt”, anh Đoàn Chí Linh, ngụ ấp 8, xã Sông Trầu chia sẻ.
Theo anh Hoàn, việc xét đối tượng tham gia nuôi dê theo hình thức “ký gửi” khá đơn giản, chỉ cần là những hộ có nguồn lao động và chịu khó làm ăn là anh giải quyết cho ngay mà không cần thế chấp bất cứ thứ gì. Chính vì vậy mà ngày càng có nhiều hộ tham gia liên kết chăn nuôi. “Tôi giải ngân còn nhanh hơn ngân hàng. Mình đến quan sát trực tiếp thấy gia đình có công lao động, chuồng trại bảo đảm là tôi sẵn sàng phân phối dê giống cho các hộ nuôi”, anh Hoàn chia sẻ thêm.
Ông Vũ Văn Khuyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sông Trầu cho biết, với nhiều điều kiện thuận lợi, xã Sông Trầu là địa phương có truyền thống nuôi dê từ khá lâu. Hiện trên địa bàn có hàng trăm hộ nuôi dê riêng lẻ và nuôi dê theo hình thức “ký gửi”. Nhiều hộ có thêm thu nhập, vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống từ mô hình liên kết chăn nuôi này. Trang trại dê Đức Chung của anh Hoàn là địa chỉ được huyện Trảng Bom chọn làm nơi cung cấp giống trong thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo của huyện. Ngoài ra, hàng trăm hộ từ các xã lân cận như Bàu Hàm, Sông Thao, Cây Gáo, Thanh Bình cũng tìm đến trang trại dê Đức Chung để liên kết chăn nuôi.
Thu nhập tiền tỷ đồng từ mô hình nuôi dê theo hình thức ký gửi _Hình 1.JPG
Trại dê Đức Trung cung cấp dê giống cho bà con nghèo.
Thanh Cảnh
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​