Hiệu quả kinh tế cao từ mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại xã Sông Trầu

Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, đến nay xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom) đã hình thành một số mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó mô hình trồng thanh long ruột đỏ đang khá phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương và được tổ chức nhân rộng.

“Trước đây mình trồng ngô, khoai, dưa leo…nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao, qua tìm hiểu và được Hội Nông dân khuyến khích nên gia đình quyết định chuyển qua trồng thanh long ruột đỏ. Đến nay, mô hình trồng thanh long của gia đình cho thu nhập hàng năm khoảng trên 500 triệu đồng”, nông dân Phùng Văn Sáu, ấp 5, xã Sông Trầu mở đầu câu chuyện khi chia sẻ về mô hình trồng thanh long của mình.

Theo ông Sáu, trên diện tích 01 ha trước đây ông cũng từng trồng nhiều loại cây khác nhau nhưng hiệu quả kinh tế khá thấp, một phần là do không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, mặt khác là chi phí đầu tư cao lại phải thuê thêm nhân công lao động. Cách đây 5 năm, ông quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích 01 ha đất sản xuất của gia đình sang trồng thanh long ruột đỏ. Và chỉ sau 1,5 năm, cây thanh long đã bắt đầu cho trái bói.
“Cây thanh long cho trái quanh năm, nếu trong mùa mưa thì chỉ khoảng hơn 20 ngày là có thể thu hoạch một lứa, còn trong mùa nắng thì thời gian thu hoạch còn nhanh hơn. Thường thì bắt đầu từ tháng 8 là phải thắp đèn, còn mùa mưa thì không cần phải thắp đèn mà cây tự ra trái. Mùa nắng năng suất cây mới cao còn mùa mưa mình để trái chủ yếu để duy trì cây”, ông Sáu chia sẻ.
Để tiết kiệm chi phí, vườn thanh long của ông Sáu đã sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm. Hệ thống này được hỗ trợ 30% theo chương trình phát triển cây con chủ lực của huyện. Theo ông Sáu, áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm không chỉ tiết kiệm nước tưới trong mùa khô mà còn giảm được rất nhiều công lao động.
“Ngày trước trồng các loại cây khác mình phải thuê thêm nhân công để chăm sóc, bón phân và thu hoạch, nhưng khi chuyển qua trồng thanh long ruột đỏ chủ yếu là sử dụng lao động nhà”, ông Sáu nói.
Để giữ độ ẩm cho đất, tiết kiệm nước tưới vào mùa khô, vườn thanh long của ông Sáu còn được trồng thêm cây lạc dại xung quanh gốc. Theo ông Sáu, việc trồng lạc dại còn có một số tác dụng khác, như: tổng hợp chất dinh dưỡng, giúp chuyển đổi đạm khó hấp thu thành đạm dễ hấp thu cung cấp lại cho cây trồng, giúp cải tạo đất, làm đất tơi xốp hơn. Trồng lạc dại cũng góp phần giảm sâu bệnh trên cây thanh long. Bởi khi lạc dại ra hoa sẽ thu hút côn trùng đến hút mật và thụ phấn cho hoa, trong đó đa số là côn trùng có lợi…
Với giá bán trung bình khoảng 15.000 đồng/kg, có thời điểm đắt nhất đạt 50.000 đồng/kg, hàng năm trên diện tích 01 ha, gia đình ông Sáu thu về khoảng 540 triệu đồng và sau khi trừ các loại chi phí ông cũng còn lời khoảng 400 triệu đồng.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất với người trồng thanh long ở Sông Trầu hiện nay là đầu ra của trái thanh long chưa có thương hiệu nên vẫn chủ yếu tiêu thụ qua kênh thương lái, giá cả rất bấp bênh và dễ lâm vào cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Vì thế, nông dân mong muốn chính quyền hỗ trợ để sớm xây dựng thương hiệu cho trái thanh long ruột đỏ nơi đây.
Theo ông Vũ Văn Khuyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sông Trầu, toàn xã Sông Trầu có khoảng trên 3.000 ha đất nông nghiệp, trong đó các loại cây như hồ tiêu, chuối, thanh long là những cây trồng chủ lực của xã. Để nâng cao thu nhập cho bà con, thời gian qua, Hội Nông dân xã và chính quyền địa phương khuyến khích nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên cơ sở phù hợp quy hoạch phát triển nông nghiệp và điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho bà con. Nhờ đó, các mô hình chuyển đổi luôn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Riêng đối với cây thanh long, dù mới chuyển đổi được một vài năm, nhưng đến nay tổng diện tích vào khoảng trên 50 ha. Thời gian qua đã có doanh nghiệp vào liên hệ với Hội Nông dân xã để tổ chức thu mua sản phẩm thanh long ruột đỏ với số lượng lớn. Song họ yêu cầu  phải sản xuất theo quy trình sạch, an toàn và có thương hiệu. Vì vậy, mong muốn của phần lớn bà con trồng thanh long ở đây là sớm xây dựng được Tổ hợp tác đạt chứng nhận VietGAP để cây thanh long có đầu ra ổn định, nâng cao giá trị kinh tế”, ông Khuyên chia sẻ.
Hiệu quả kinh tế cao từ mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại xã Sông Trầu_Hình 1.JPG
Ông Sáu bên vườn thanh long của gia đình.

Hiệu quả kinh tế cao từ mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại xã Sông Trầu_Hình 2.JPG
Mô hình trồng thanh long ruột đỏ của ông Sáu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thanh Cảnh
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​